1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giáng mạnh vào tham vọng độc chiếm Biển Đông

Việc các quốc gia đều tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines sẽ là đòn chí mạng giáng vào tham vọng đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Quang cảnh một phiên điều trần tại PCA về vụ kiện Trung Quốc của Philippines
Quang cảnh một phiên điều trần tại PCA về vụ kiện Trung Quốc của Philippines

Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop ngày 26-1 tuyên bố, vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông lên Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Hay (Hà Lan) sẽ “giải quyết vĩnh viễn” việc liệu các bãi đá nhân tạo có trao cho một nước quyền tuyên bố phạm vi lãnh hải hay không. Bà Bishop cho rằng, phán quyết của PCA đối với vụ kiện của Philippines sẽ cực kỳ quan trọng, được coi như là một “tuyên bố về nguyên tắc quốc tế” mà các quốc gia phải tuân thủ.

Australia là quốc gia mới nhất lên tiếng ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc nhằm bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền phi lý với 80% diện tích Biển Đông của Bắc Kinh, đồng thời Australia khẳng định cam kết tôn trọng phán quyết của PCA. Trước đó, nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực cũng như trên thế giới cũng đã bày tỏ lập trường tương tự, trong đó có những cường quốc hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)…

Vào tháng 1-2013, Philippines đã căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để đệ đơn kiện và tài liệu dày 4.000 trang, trong đó đưa ra chi tiết các luận cứ và bằng chứng pháp lý, phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông vốn không có giá trị và phi pháp chiểu theo UNCLOS năm 1982.

Nhằm trốn tránh vụ kiện mà xác định trước nhiều khả năng sẽ thua kiện, Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa quốc tế này, song Philippines vẫn quyết tâm theo đuổi nên đã yêu cầu Chánh án Tòa án Liên hợp quốc về Luật Biển (ITLOS) Shunji Yanai chỉ định trọng tài viên đại diện cho Trung Quốc tại PCA để vụ kiện được tiếp tục tiến hành.

Đến tháng 3-2015, Philippines lại đệ trình lên PCA một tài liệu bổ sung bao gồm nhiều luận cứ, chứng cứ và bản đồ để chứng minh bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị. Việc đệ trình tài liệu gồm 3.000 trang nhằm trả lời những câu hỏi của tòa án quốc tế về vụ kiện Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cho thấy vụ kiện tiếp tục được xem xét, cho dù không có sự tham gia của Bắc Kinh.

PCA vào cuối tháng 10-2015 đã ra phán quyết cho rằng, cơ quan này có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện này. PCA nêu rõ, qua xem xét đơn kiện của Philippines, tòa án này đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng “vụ tranh chấp trên thực tế là về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Đông và vì vậy không thuộc quyền tài phán của PCA”.

Trung Quốc ngay sau đó đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của PCA. Bắc Kinh lớn tiếng cho rằng, phán quyết trên của PCA “vô nghĩa” và không có tác động gì đối với Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc sẽ “không chấp nhận” và “không tham gia” tiến trình xét xử của tòa này.

Cho đến nay, PCA đã tiến hành 3 phiên điều trần về vụ kiện Trung Quốc của Philippines và dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng trong năm nay, một phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý phải thực thi và với khả năng thắng kiện của Philippines.

Thế nên, cho dù Trung Quốc đến nay vẫn khăng khăng tuyên bố bác bỏ phiên tòa cũng như phán quyết của tòa án này, song phán quyết của PCA sẽ vừa là đòn giáng chí tử vào tham vọng độc chiếm Biển Đông, vừa cô lập Bắc Kinh trong vấn đề này.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm