1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giáng đòn trừng phạt EU, ông Trump “nối dài” cuộc chiến thương mại toàn cầu

(Dân trí) - Trong khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết, Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế trừng phạt EU và tiếp tục đàm phán với các nước khác.

Giáng đòn trừng phạt EU, ông Trump “nối dài” cuộc chiến thương mại toàn cầu - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, Tổng thống Donald Trump đang gửi một thông điệp rõ ràng tới các nhà hoạch định chính sách kinh tế có mặt tại Washington, Mỹ để dự các cuộc họp vào mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Thông điệp của ông chủ Nhà Trắng đó là: “Các cuộc chiến thương mại của tôi vẫn chưa kết thúc và một nền kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ phải đương đầu với điều đó”.

Trong tuyên bố mới nhất vào ngày 9/4, Tổng thống Trump cho biết WTO đã phát hiện ra rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đã “tác động tiêu cực” tới Mỹ. Ông Trump cáo buộc EU “lợi dụng Mỹ về thương mại từ nhiều năm nay” và yêu cầu “chấm dứt” tình trạng này.

Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU với tổng giá trị lên tới 11 tỷ USD. Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Washington đang xem xét áp thuế đối với một loạt hàng hóa của EU gồm máy bay thương mại cỡ lớn và phụ tùng máy bay, rượu, bơ và các sản phẩm bơ sữa.

Giới chức EU đã chỉ trích mạnh mẽ động thái của Mỹ, đồng thời cho biết khối này cũng đang cân nhắc các biện pháp đáp trả nhằm vào việc Mỹ trợ cấp tập đoàn sản xuất máy bay Boeing. Trong khi đó, Airbus nhận định không có cơ sở pháp lý cho các lệnh trừng phạt của Washington và cảnh báo về nguy cơ căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương ngày càng tăng.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ trong mối quan hệ căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington và EU, bắt đầu từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền hồi đầu năm 2017. Sau khi kết thúc các cuộc đàm phán về Đối tác Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương, một thỏa thuận thương mại đề xuất giữa Mỹ và EU, ông Trump đã áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm của EU và nhiều quốc gia khác.

Với lời đe dọa áp thuế nhằm vào EU, Tổng thống Trump đã phát tín hiệu tới cộng đồng quốc tế rằng, ngay cả khi sắp đạt được thỏa thuận với Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông vẫn sẵn sàng xem xét lại quan hệ thương mại với những nước khác.

Giới phân tích cho rằng các động thái của tổng thống Mỹ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF và nhiều tổ chức quốc tế nhận định sự bất ổn xuất phát từ “cuộc tấn công” của ông Trump vào hệ thống thương mại toàn cầu đã gây trở ngại cho môi trường kinh doanh và đầu tư.

Căng thẳng không chỉ với EU

Giáng đòn trừng phạt EU, ông Trump “nối dài” cuộc chiến thương mại toàn cầu - 2

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và các quan chức Mỹ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng các thành viên trong phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc tại Nhà Trắng ngày 30/1. (Ảnh: Nhà Trắng)

EU không phải mục tiêu duy nhất lọt vào tầm ngắm của Tổng thống Trump.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với hy vọng có thể đi đến một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại vào tháng sau.

Trong khi đó, một phái đoàn Nhật Bản tuần sau dự kiến sẽ tới Washington để bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận song phương với Mỹ. Đây là thỏa thuận được các công ty và nông dân Mỹ kêu gọi thúc đẩy nhằm bù đắp những thiệt hại sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Việc Mỹ dọa áp thuế đối với ô tô Nhật Bản, một viễn cảnh có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản lao đao, buộc Tokyo phải quay trở lại bàn đàm phán với Washington. Tuy vậy, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước cũng phải mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời cho biết Tokyo sẽ không dễ dàng nhượng bộ.

Ngoài Nhật Bản, Canada và Mexico vẫn tiếp tục hối thúc Mỹ dỡ bỏ hàng rào thuế quan do Washington áp đặt đối với mặt hàng thép và nhôm của hai nước cùng khu vực. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cả 3 nước vẫn đang chờ cơ quan lập pháp phê chuẩn đề xuất thay thế của Tổng thống Trump cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Tại châu Á, Ấn Độ cũng dọa áp thuế đối với táo và một số mặt hàng khác của Mỹ để đáp trả việc Tổng thống Trump dọa gạt Ấn Độ ra khỏi một cơ chế thương mại ưu tiên dành cho các nước đang  phát triển.

“Chúng tôi vẫn đang chìm trong thế giới thuế quan như năm ngoái”, Wendy Cutler, người từng là nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ, cho biết.

Theo ông Cutler, Tổng thống Trump có thể sử dụng “chiêu bài” áp thuế để buộc EU, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác của Mỹ bước vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, điều đó cũng mang lại nhiều nguy cơ và sự bất ổn.

Sự kiên nhẫn của Mỹ

Mặc dù Tổng thống Trump dọa sẽ áp thuế đối với 11 tỷ USD hàng hóa của EU, song ông chủ Nhà Trắng chỉ có thể thực hiện được điều này khi WTO ra quyết định trong vài tháng tới về việc liệu EU có thực sự trợ cấp cho Airbus hay không.

Về phần mình, Mỹ thông báo sẽ chờ cho tới khi WTO công bố quyết định cuối cùng vào mùa hè này để tiến hành áp thuế thương mại với EU. Đây được cho là động thái hiếm gặp của chính quyền Trump khi chờ quyết định của bên thứ ba trước khi áp lệnh trừng phạt.

Sự kiên nhẫn của Mỹ là tín hiệu tốt đối với WTO, tổ chức mà ông Trump từng nhiều lần thông báo ý định muốn cải tổ. Trên thực tế, cuộc chiến dai dẳng giữa Airbus - Boeing đã có từ trước khi ông Trump lên nắm quyền. Do vậy, việc chính quyền Mỹ đưa ra lệnh áp thuế dựa trên quyết định của WTO được cho là để đảm bảo sự công bằng.

“Đây là tín hiệu tốt. Chính quyền Trump đã phát đi một số tín hiệu khác nhau về WTO, song hành động này cho thấy họ vẫn coi trọng việc tuân thủ luật chơi”, Simon Lester, giám đốc Viện nghiên cứu Cato tại Washington, nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp