DMagazine

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron

(Dân trí) - Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban nói rằng, sự hiểu biết về biến chủng Omicron vẫn còn mơ hồ, song thế giới có lẽ cần sẵn sàng tinh thần sống chung lâu dài với Covid-19 như với bệnh cúm mùa.

Sự xuất hiện của biến chủng virus SARS-CoV-2 mới nhất mang tên Omicron đã gia tăng áp lực lên các hệ thống giám sát dịch bệnh trên toàn cầu. Diễn ra song song là một cuộc chạy đua để tìm hiểu những điều chưa biết về mức độ nguy hiểm của nó.

Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với ông Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC).

Trước đó, hồi tháng 8, CDC Mỹ đã thành lập văn phòng khu vực Đông Nam Á đầu tiên, đặt tại Hà Nội.

Trong cuộc trò chuyện, ông Dziuban đã nhìn nhận lại nỗ lực ứng phó của Việt Nam trong làn sóng Covid-19 thứ tư, cung cấp thông tin và đưa ra những dự báo về biến chủng mới nhất Omicron, cũng như chia sẻ về hợp tác y tế giữa Việt Nam và Mỹ.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 1

Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực ứng phó của Việt Nam trước làn sóng dịch bệnh thứ tư trong những tháng qua?

Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong phòng thí nghiệm, hợp tác rất chặt chẽ trong việc triển khai vaccine hay chăm sóc và điều trị những người nhiễm Covid-19, trong vấn đề hệ thống dữ liệu giúp theo dõi tình hình và xác định nơi cần các nguồn tài nguyên mới, cũng như trong việc đào tạo cán bộ y tế. Trong tất cả những việc này, chúng tôi đã thấy rất nhiều thành công tại Việt Nam.

Rõ ràng, làn sóng thứ tư cam go hơn bất cứ giai đoạn nào mà Việt Nam đã trải qua trong hai năm đại dịch. Tín hiệu tích cực là đến đầu tháng 9, các con số bắt đầu đi xuống. Chúng ta thấy số ca nhiễm và tử vong tiếp tục đi xuống cho đến giữa tháng 10, và tôi nghĩ phần lớn là nhờ việc triển khai tiêm chủng. Từ chỗ tỷ lệ bao phủ vaccine rất thấp vào đầu mùa hè, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao chỉ trong vài tháng. Ngay khi nhận được vaccine, giới chức đã triển khai tiêm chủng cho người dân sớm nhất có thể.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 3

Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao chỉ trong vài tháng (Ảnh: Mạnh Quân).

Bây giờ, chúng ta thấy số ca nhiễm đang tăng trở lại, song điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Việt Nam đã mở cửa trở lại, cho phép mọi người quay lại một số hoạt động bình thường. Tôi sẽ coi đây là làn sóng thứ năm mà chúng ta phải đối mặt, bắt đầu từ giữa tháng 10.

Điều chúng ta chưa biết là làn sóng thứ năm này gây thiệt hại ra sao. Chúng ta cần phải theo dõi cẩn thận vì chúng ta hy vọng rằng với mức độ bao phủ vaccine như hiện nay, ngay cả khi số ca nhiễm tăng lên, thì cũng sẽ không có nhiều người trở nặng, không có nhiều người chết. Đó là những gì chúng ta muốn thấy. Song chúng ta cần phải chuẩn bị.

Tôi thấy chính phủ Việt Nam đang rút kinh nghiệm từ làn sóng thứ tư, để đảm bảo rằng hệ thống y tế thậm chí còn được chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng thứ năm. Làn sóng thứ năm hiện nay có phạm vi rộng hơn, không chỉ tập trung ở TPHCM mà đã lan sang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Và tôi thấy các nguồn lực đang được chia sẻ từ TPHCM đến các tỉnh này. Với kinh nghiệm đã được tích lũy, hệ thống y tế TP.HCM giờ đây có thể chia sẻ để giúp đỡ các tỉnh khác vượt qua làn sóng hiện tại.

Việt Nam đã chuyển từ chiến lược "Zero Covid" sang chiến lược "Thích ứng an toàn với Covid", ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Tôi nghĩ đó là điều khôn ngoan, và việc cố gắng tìm cách chung sống với loại virus này một cách an toàn là rất quan trọng. Việc này rất khó. Không có sách vở nào hướng dẫn, không ai biết rõ cách thực hiện tốt việc này và virus thì không cố gắng sống chung an toàn với chúng ta. Vì vậy, đây là cuộc tranh cãi một chiều với virus, lý do khiến mọi thứ đều khó khăn.

Chúng ta phải làm những gì có thể để biến việc "sống chung" này thành hiện thực. Tôi nghĩ nếu đi theo hướng đó, tiêm chủng là chìa khóa quan trọng nhất. Song chúng ta cũng cần nhớ rằng tiêm phòng không có nghĩa là chúng ta được loại bỏ tất cả các biện pháp an toàn khác, bởi vì làm vậy chúng ta sẽ lại bị tụt lùi.

Do đó, để khởi động lại một số việc, như cho trẻ học trực tiếp tại trường, chúng ta có thể phải hy sinh những thứ khác, chẳng hạn như phải đeo khẩu trang ở nơi đông người ngay cả khi bạn đã tiêm chủng. Những việc như vậy làm cho virus không thể lan rộng đến mức gây quá tải hệ thống của chúng ta một lần nữa.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 4

Chúng ta đã biết gì, và quan trọng hơn, là chưa biết gì, về biến chủng mới nhất Omicron cho đến nay?

Chúng ta đang biết rất ít về Omicron. Có vẻ như có bằng chứng cho thấy biến chủng này lây lan dễ dàng hơn so với biến chủng Delta vốn đang thống trị trên toàn thế giới. Chúng tôi vẫn phải tìm hiểu thêm về biến chủng mới nhất. Song việc nó lây lan dễ dàng hơn không có nghĩa là nó nguy hiểm hơn, không có nghĩa là nó sẽ gây ra những vấn đề lớn hơn cho chúng ta. Đây là những điều chúng ta phải tìm hiểu.

Tôi nghĩ hai câu hỏi quan trọng nhất mà chúng tôi muốn biết. Thứ nhất, biến thể Omicron có gây ra nhiều ca bệnh nặng và tử vong hơn hay không. Thứ hai, nó phản ứng như thế nào với các loại vaccine chúng ta đang có, tức liệu vaccine có còn bảo vệ được chúng ta trước virus hay không. Đây là hai câu hỏi rất quan trọng mà chúng tôi chưa có câu trả lời, và sẽ mất một chút thời gian để có được những thông tin đó.

Trong lúc này, việc theo dõi tình hình rất quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam có khả năng giải trình tự gene các mẫu virus ngay từ trong nước, do đó có thể theo dõi để biết những biến chủng nào đang ở đây và phát hiện sự xuất hiện của biến chủng Omicron sớm nhất có thể.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 6

Các nhà sản xuất vaccine Mỹ đang làm gì trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron?

Họ nói họ đang sẵn sàng điều chỉnh công thức vaccine nếu cần để ứng phó với biến chủng Omicron. Bạn biết đấy, chúng ta vẫn chưa biết liệu các vaccine Covid-19 đang có sẽ hiệu quả đến mức nào đối với biến chủng này. Song nếu hiệu quả thấp hơn, họ có khả năng "chỉnh sửa" vaccine để vaccine có thể ứng phó tốt hơn với Omicron.

Rõ ràng là nếu điều đó xảy ra thì sẽ mất thời gian, cũng như người ta sẽ phải tiêm thêm vaccine. Đó không phải là điều mà bất kỳ ai cũng hào hứng làm. Tuy nhiên nếu đó là điều cần thiết, tất cả chúng ta sẽ làm việc với các nhà sản xuất vaccine, bởi vì chúng ta sẽ cần điều đó để bảo vệ mọi người tốt hơn.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 8

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến chủng Omicron (Ảnh minh họa: Reuters).

Ông dự đoán như thế nào về khả năng Omicron sẽ gây ra làn sóng dịch bệnh mới trên toàn cầu?

Thật khó để nói lúc này. Tất nhiên là tôi lo lắng về khả năng đó. Là một quan chức y tế công cộng, tôi cần phải quan tâm khi những điều mới và chưa biết xuất hiện. Chúng tôi chưa biết rằng liệu biến chủng mới sẽ nguy hiểm hơn, hay nó thực sự có thể ít nguy hiểm hơn. Chúng tôi vẫn chưa biết. Song tôi nghĩ loại virus này sẽ tồn tại lâu dài với chúng ta. Và có lẽ đây là điều mà chúng ta sẽ phải học cách sống chung theo mùa, như cách chúng ta đang sống chung với bệnh cúm mùa.

Tôi nghĩ rằng càng tiêm chủng nhiều, càng tiêm chủng nhanh cho toàn thế giới, chúng ta sẽ càng sớm có thể nhìn thấy Covid-19 được khống chế ở điều kiện mà chúng ta có thể kiểm soát được một cách tương đối. Sau đó chúng ta có thể thoát ra khỏi thời kỳ khủng hoảng này và thực sự quay trở lại với tất cả những gì mà chúng ta quan tâm.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 9

Vậy còn lệnh cấm đi lại mà một số nước đã bắt đầu áp dụng thì ông nghĩ sao, nếu nhìn từ quan điểm của một bác sĩ và một chuyên gia y tế công cộng?

Mỗi một quốc gia phải quyết định cách họ muốn xử lý vấn đề này. Tôi nghĩ rằng việc các quốc gia thận trọng ngay từ đầu cũng là hợp lẽ, khi chúng ta vẫn có quá ít thông tin về một biến chủng virus mới được phát hiện.

Và đó là những gì chúng ta đang thấy ngay bây giờ: nhiều nước tỏ ra vô cùng thận trọng vì vẫn còn rất nhiều điều chưa được biết đến. Phải xử lý người nhập cảnh như thế nào, khi nào mở cửa cho khách du lịch, cần phải cách ly ra sao… Mỗi quốc gia đang đưa ra quyết định dựa trên nguồn lực của họ và rủi ro mà họ nhìn thấy. Song đương nhiên, việc có một biến chủng mới là lý do buộc bạn phải chú ý hơn và thận trọng hơn.

Những bài học nào mà Việt Nam có thể rút ra từ làn sóng thứ tư để ứng phó tốt hơn trước biến chủng mới?

Tôi nghĩ có rất nhiều việc Việt Nam đã làm một cách xuất sắc từ khi đại dịch xảy ra. Chúng tôi thấy việc truy vết, ngăn chặn lây nhiễm đã luôn được thực hiện rất mạnh mẽ ở Việt Nam.

Chẳng hạn, tôi thấy Bộ Y tế Việt Nam đã giám sát rất kỹ việc cung cấp ôxy y tế, vì chúng ta biết rằng trong cuộc khủng hoảng về bệnh đường hô hấp như thế này, nguồn ôxy tại các bệnh viện có thể cạn kiệt, và điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng khác. Vì vậy, Việt Nam rất chú trọng vấn đề này. Và ngay cả trước khi số ca nhiễm bắt đầu tăng lên trở lại, Việt Nam vẫn theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng nguồn cung cấp oxy sẽ không gặp rủi ro. Tôi nghĩ đó là một số bài học mà Việt Nam có thể đã học được từ làn sóng thứ tư.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 11
Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 13

Tại sao Mỹ chọn Việt Nam làm nơi đặt văn phòng khu vực đầu tiên của CDC Mỹ tại Đông Nam Á?

CDC Mỹ đã có mặt ở các nước Đông Nam Á từ hơn 20 năm trước, còn tại Việt Nam, văn phòng CDC Mỹ được thiết lập từ năm 1998. Chúng tôi đặt văn phòng ở Hà Nội và gần đây đã phát triển đội ngũ nhân sự tại TP.HCM. Năm nay, chúng tôi rất vui mừng khi văn phòng khu vực Đông Nam Á đầu tiên ra đời ngay tại Hà Nội. Đích thân Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến đây khai trương văn phòng này chỉ vài tháng trước.

Việc Hà Nội được chọn làm nơi đặt văn phòng khu vực của CDC Mỹ, tôi cho rằng đây là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho việc Mỹ coi trọng mối quan hệ này cũng như coi trọng vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong rất nhiều vấn đề tại khu vực.

Văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam đã làm những gì để hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với Covid-19 hai năm qua?

Chúng tôi đã làm nhiều việc từ trước khi đại dịch xảy ra. Một trong những lĩnh vực mà chúng tôi đã hợp tác với Việt Nam trong nhiều năm qua là tăng cường năng lực sẵn sàng ứng phó với đại dịch.

Chúng ta cần chuẩn bị những gì để có thể ứng phó với đại dịch tiếp theo? Làm sao để đảm bảo rằng hệ thống y tế của chúng ta đã sẵn sàng? Làm thế nào để chúng ta có một lực lượng được đào tạo về những thứ như truy vết và cách ly, một số thuật ngữ mà hầu hết mọi người trên thế giới lần đầu tiên nghe đến khi Covid-19 xảy ra. Đây là những vấn đề mà CDC Mỹ đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam trong suốt nhiều năm, để những bộ kỹ năng đó được xây dựng và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

Từ khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã tham gia gần như mọi khía cạnh trong nỗ lực ứng phó. Chẳng hạn như công việc trong phòng thí nghiệm, chúng tôi có các chuyên gia phòng thí nghiệm tại văn phòng và họ làm việc chặt chẽ với các chuyên gia của Chính phủ Việt Nam, ban đầu là tập trung vào việc xét nghiệm Covid-19. Trong giai đoạn đầu đại dịch, điều quan trọng là mọi người đều được xét nghiệm, cũng như xét nghiệm cho kết quả nhanh và chính xác, đến nay điều này vẫn còn quan trọng.

Hiện tại, chúng tôi lại có những mối quan tâm khác như giải trình tự gene của virus, làm thế nào phát hiện biến chủng mới tại Việt Nam để có thể nhanh chóng ứng phó với sự thay đổi hoàn cảnh đó.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nêu 2 câu hỏi rất quan trọng về chủng Omicron - 15

Giám đốc văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam, ông Eric Dziuban (Ảnh: Đông Phong).

Ông có thể chia sẻ điều gì về cam kết của Mỹ về hợp tác chống dịch với Việt Nam trong tương lai?

Chúng tôi vẫn ở đây. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. CDC Mỹ coi trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa chúng tôi với Bộ Y tế Việt Nam, đây thực sự là hợp tác. Và chúng tôi cảm thấy rằng sự hợp tác này đã rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc đó, tất nhiên là tập trung vào Covid-19 và những việc vẫn cần phải làm để chấm dứt đại dịch này.

Hiện tại, chúng tôi đang làm rất nhiều việc trong việc triển khai tiêm chủng và kết hợp chương trình tiêm chủng Covid-19 với các chương trình tiêm chủng khác mà Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm qua, cũng như giúp duy trì tiêm chủng Covid-19 nếu cần trong tương lai. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó đại dịch tiếp theo, chúng tôi biết rằng đây sẽ không phải là lần cuối cùng. Cần gì để đảm bảo rằng khi một đại dịch mới ập đến trong tương lai, chúng ta thậm chí còn chuẩn bị tốt hơn?

Có những điều chúng ta có thể làm để ngăn chặn dịch bệnh trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu như Covid-19, và đây là những thế mạnh mà Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng. Chúng tôi rất vui khi tiếp tục ở đây, hợp tác với các bạn, và chúng tôi sẽ làm như vậy trong nhiều năm nữa.

Khi đại dịch bắt đầu, ông có nghĩ chúng ta sẽ phải đi xa và đi lâu đến như vậy? Thực tế là dịch SARS năm 2003, cũng do một loại virus corona gây ra, đã được khống chế chỉ sau vài tháng với thiệt hại ít hơn rất nhiều.

Một phần công việc của tôi tại CDC là lo lắng về các tình huống xấu nhất. Và chắc chắn tôi đã luôn nghĩ rằng chúng ta có thể phải đối mặt với một tình huống như thế này. Song tôi không nghĩ rằng tôi hoặc bất kỳ ai khác thực sự nắm được đầy đủ về việc virus này sẽ làm tê liệt thế giới của chúng ta trong một thời gian dài ra sao. Nó không giống với bất cứ thứ gì mà chúng ta từng thấy trong cuộc đời mình. Và cũng giống như việc bạn muốn chuẩn bị cho những điều tương tự như thế này, cho đến khi nó xảy ra, bạn thực sự không biết mình sẽ trải qua những gì.

Tuy nhiên, tôi nghĩ may mắn là những cơ quan như CDC và các bộ y tế trên khắp thế giới đã nghĩ về những điều khó chịu này trước khi nó xảy ra. Chúng tôi đã có những sự chuẩn bị nhất định, có thể tránh được một số thiệt hại. Và Việt Nam là một ví dụ điển hình cho điều đó vì trong suốt cả năm 2020, Việt Nam thực sự là nước đi đầu thế giới trong việc ngăn chặn lây nhiễm. Vì vậy, việc chuẩn bị trước là điều tốt, nhưng tôi nghĩ chúng ta thật ngây thơ nếu nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn biết rõ điều gì sắp xảy ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận (0)
để gửi bình luận