1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giẫm đạp khiến 131 người chết tại Indonesia: Nghi vấn về các cánh cổng khóa

Minh Phương

(Dân trí) - Những cánh cổng khóa kín không kịp mở vào thời điểm bạo loạn nổ ra trong sân vận động Indonesia có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến thảm kịch giẫm đạp khiến 131 người thiệt mạng.

Giẫm đạp khiến 131 người chết tại Indonesia: Nghi vấn về các cánh cổng khóa - 1

Cảnh hỗn loạn ở sân vận động Kanjuruhan, thành phố Malang, Indonesia tối 1/10 (Ảnh: Getty). 

Theo giới chức Indonesia, việc chậm trễ mở cổng sân vận động Kanjuruhan khi bạo lực nổ ra phần nào kéo theo thảm kịch giẫm đạp khiến 131 người thiệt mạng hôm 1/10 ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java, Indonesia.

Hiệp hội Bóng đá Indonesia cho biết, một số cổng của sân vận động vẫn khóa ở thời điểm khán giả bắt đầu hoảng loạn đổ xô đến cửa thoát hiểm khi lực lượng an ninh dùng hơi cay nhằm giải tán các cổ động viên quá khích tràn vào sân cỏ sau trận đấu bóng. Tuy nhiên, cảnh sát Indonesia nói rằng, các cổng vẫn mở, chỉ là quá hẹp khi tất cả cùng đổ xô tháo chạy khỏi sân bóng.

Cảnh sát cho hay, cuộc điều tra hiện tập trung vào video trích xuất từ các camera an ninh tại 6 trong số 14 cổng của sân vận động, nơi có nhiều nạn nhân thiệt mạng do giẫm đạp nhất.

Người phát ngôn cảnh sát Dedi Prasetyo cho hay, các cổng vẫn để mở nhưng chỉ đủ để 2 người đi qua. "Sáu cổng này không khóa, nhưng lại quá nhỏ. Chúng chỉ đủ cho 2 người đi qua, trong khi hàng trăm người đổ dồn về đây cùng thời điểm dẫn đến tình trạng giẫm đạp", ông Prasetyo nói với phóng viên. Ông bổ sung thêm, những vấn đề liên quan đến cổng sân vận động thuộc trách nhiệm của ban tổ chức.

Giẫm đạp khiến 131 người chết tại Indonesia: Nghi vấn về các cánh cổng khóa - 2

Vụ giẫm đạp khiến 131 người thiệt mạng (Ảnh: Getty).

Trái với thông tin của cảnh sát, một số nhân chứng cho biết, một vài cửa thoát hiểm của sân vận động khóa khiến họ không thể thoát ra ngoài. Hầu hết họ đề cập đến cổng số 13.

Theo khuyến nghị của FIFA và Hiệp hội Bóng đá châu Á, tất cả cửa thoát hiểm ở sân vận động phải mở trong suốt thời gian diễn ra trận đấu để đảm bảo an toàn. Đồng thời, họ cũng khuyến cáo không sử dụng hơi cay trong sân vận động làm biện pháp kiểm soát đám đông.

Prasetyo Pujiono, một nhân chứng theo dõi trận đấu bóng cùng với nhóm bạn gần cổng số 13, kể lại: "Nhiều người cố cứu lấy mình sau khi cảnh sát bắn hơi cay. Nhóm của chúng tôi tách nhau ra. Mọi người không thể ở bên trong sân vận động nữa. Chúng tôi muốn thoát ra ngoài nhưng cổng khóa. Đó là lý do tại sao nhiều người chết do bị giẫm đạp hoặc ngạt thở". Anh cho biết thêm: "Tôi nhớ họ hét lên họ không thở được, mắt bị tổn thương".

Những người cố gắng thoát ra ngoài cuối cùng phá được bức tường cạnh cổng 13, để lại một lỗ hổng lớn với dòng chữ nguệch ngoạc: "Tạm biệt các anh chị em của tôi. Ngày 1/10/2022 ".

Thảm kịch giẫm đạp ở sân vận động Kanjuruhan xảy ra tối 1/10 sau khi đội bóng Arema để thua đội khách Persebaya Surabaya với tỷ số 2-3. Hàng trăm người ủng hộ đội bóng Arema đã giận dữ tràn xuống sân, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán và kéo theo sự hỗn loạn. Sau thảm kịch này, một cảnh sát trưởng và 9 sĩ quan bị cách chức, trong khi 18 người khác bị điều tra trách nhiệm trong vụ bắn hơi cay trong sân bóng.  

Theo Guardian