1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã ý định lập căn cứ quân sự của Nga ở châu Á

Giữa lúc Nga đang “quần thảo” với phương Tây tại châu Âu và Trung Đông, thông báo của Moskva về ý định lập căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật lập tức khiến dư luận quan tâm.

Giải mã ý định lập căn cứ quân sự của Nga ở châu Á - 1

Một ụ pháo của Nga trên quần đảo Kuril

Ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moskva đang lập kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril hiện trong vòng tranh chấp với Nhật Bản.

Trong thông báo, ông Shoigu nói rằng Nga có thể sẽ lắp đặt các thiết bị nhằm bảo vệ lãnh hải trên Kuril.

Ông Shoigu nói rằng Nga sẽ lập các căn cứ quân sự tại Cape Schmidt, khu vực nằm ở vùng duyên hải phía đông của vùng tự trị Chukchi, cũng như trên đảo Wrangel nằm ở phía đông bắc đại lục thuộc biển Chukchi.

Các căn cứ quân sự mới của Nga ở vùng bờ đông chỉ nằm cách duyên hải ở vùng cực tây của Mỹ vài trăm kilomet.

Chính quyền Tokyo tuyên bố chủ quyền ở phía nam quần đảo Kuril mà nước này gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc. Quần đảo này nằm ở ngoài khơi phía đông nước Nga và phía đông bắc Nhật Bản.

Tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản về quần đảo này vẫn chưa ngã ngũ kể từ Thế chiến thứ II, và làm cho đôi bên chưa ký được một hòa ước chính thức.

Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch trên là một phần của chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Moskva.

Grant Newsham, một chuyên gia an ninh của Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo, cho rằng chiến lược “xoay trục châu Á” của Moskva có mục đích gia tăng và bảo vệ công cuộc mậu dịch với các nền kinh tế năng động ở châu Á Thái Bình Dương.

"Nếu Nga thật sự muốn nắm giữ vai trò của một cường quốc quân sự ở Đông Bắc Á, sự hiện diện quân sự trên quần đảo Kuril rất hữu ích"-ông Newsham nói.

Mỹ đã dùng từ cụm từ “xoay trục châu Á” để mô tả những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm gia tăng tầm quan trọng về mặt chiến lược của khu vực này để đối trọng với sự hiện diện quân sự và sức mạnh kinh tế mỗi ngày một lớn của Trung Quốc.

Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu về việc xây dựng một căn cứ trên quần đảo Kuril cùng với 4 căn cứ ở Bắc Băng Dương là một phần của kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin để tăng cường sự hiện diện quân sự của nước ông trong khu vực này.

Trong thập niên qua, Nga đã chi tiêu hơn 600 tỉ USD cho mục tiêu hiện đại hoá quân đội, trong đó có việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân, chiến đấu cơ phản lực và máy bay trực thăng.

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hiện nay có 73 chiếc tàu, gồm 23 tàu ngầm và 50 chiến hạm.

Moskva cũng thiết lập những mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. Quân đội hai nước hồi gần đây đã tiến hành một cuộc thao dượt hải quân mà hãng thông tấn TASS của Nga mô tả là cuộc diễn tập hỗn hợp lớn nhất “trong lịch sử hiện đại của sự hợp tác” giữa Nga và Trung Quốc.

Ông Newsham cho rằng mặc dù việc xây căn cứ trên quần đảo Kuril gần các tuyến hàng hải giữa Nga và Thái Bình Dương là có giá trị về mặt chiến lược, nhưng những yếu tố khác - như tinh thần dân tộc và phát huy ảnh hưởng chính trị, cũng có một vai trò trong kế hoạch này.

Ngoài ra, những ngư trường phong phú cùng với tiềm năng dầu mỏ và khí đốt dưới đáy biển cũng làm tăng giá trị của quần đảo này.

Việc Nga xây căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril có nhiều khả năng sẽ gây phương hại thêm nữa cho mối quan hệ với Nhật Bản.

Tháng 8/2015, Nhật Bản đã phản đối khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến thăm hai hòn đảo Kunashir và Iturup có tranh chấp và là nơi mà tin tức cho biết Nga đang xây hai tiền đồn quân sự. Hai đảo này nằm gần Hokkaido, hòn đảo cực bắc của Nhật Bản.

Các giới chức Nhật Bản đã có phản ứng dè dặt đối với thông báo của Bộ trưởng quốc phòng Nga. Chánh Văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, phát biểu: "Chúng tôi chưa biết rõ bối cảnh của phát biểu này, nhưng nếu kế hoạch này là có thật, chính phủ Nhật Bản sẽ cực lực phản đối bởi vì chúng tôi giữ nguyên lập trường là những hòn đảo này là phần đất mà Nhật Bản có chủ quyền".

Một số người hy vọng Điện Kremlin và chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tìm được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề gây tranh cãi này. Cả hai đều có lợi khi hoạt động mậu dịch gia tăng. Và Nhật Bản có thể là một thị trường béo bở cho nguồn cung ứng dầu mỏ và khí đốt rất phong phú của Nga.

Tuy nhiên, Nhật Bản bác bỏ đề nghị của Nga là chỉ trả lại hai hòn đảo nhỏ nhất trong quần đảo Kuril.

Ông Newsham cho biết việc ông Abe đi thăm Ukraina trước đây trong năm nay và sự ủng hộ của Tokyo đối với những biện pháp chế tài do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Moskva vì sự can dự của Nga ở Ukraina đã làm cho lập trường của ông Putin trở nên cứng rắn hơn.

"Nhật Bản quả thật không thể làm gì nhiều và tôi nghĩ rằng đó là điều từ trước tới nay vẫn vậy. Nga rõ ràng là chiếm ưu thế"-ông Newsham nhận định. Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Putin đã đình hoãn vô hạn định một chuyến viếng thăm Nhật Bản vì vụ tranh chấp quần đảo Kuril.

Theo Nh.Thạch/AFP. AP, RIA Novosti...

PetroTimes

Giải mã ý định lập căn cứ quân sự của Nga ở châu Á - 2