1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải mã sức mạnh quân đội Nga qua câu chuyện Ukraina

Việc quân đội Nga thể hiện các năng lực không chỉ có tầm quan trọng đối với sân khấu kịch tính đầy rủi ro ở Ukraina, mà còn đầy ngụ ý cho an ninh ở Moldova, Gruzia, các quốc gia Trung Á và thậm chí các quốc gia Trung Âu là thành viên của NATO.

Mới đây, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã buộc tội Nga hành xử "kiểu thế kỷ 19" khi sáp nhập Crưm.

Nhưng các chuyên gia phương Tây theo sát thành công của lực lượng Nga khi thực hiện chính sách của Tổng thống Vladimir Putin ở Crưm và Đông Ukraina lại có một kết luận khác về chiến lược của quân đội Nga.

Họ chứng kiến một quân đội từng xuống dốc từ sau khi Liên Xô sụp đổ có thể triển khai hiệu quả các chiến thuật của thế kỷ 21, kết hợp giữa chiến tranh điện tử, một chiến lược thông tin đầy sôi động và sử dụng các binh sĩ huấn luyện đặc biệt để nắm thế chủ động so với phương Tây.

"Đây là một bước chuyển lớn của lực lượng trên bộ của Nga khi tiếp cận một vấn đề" - nhận định của James G. Stavridis, đô đốc về hưu và là cựu chỉ huy của NATO. "Họ đã chơi các quân bài của mình một cách rất tinh vi".

Việc quân đội Nga thể hiện các năng lực không chỉ có tầm quan trọng đối với sân khấu kịch tính đầy rủi ro ở Ukraina, mà còn đầy ngụ ý cho an ninh ở Moldova, Gruzia, các quốc gia Trung Á và thậm chí các quốc gia Trung Âu là thành viên của NATO.

Quân lính Nga đã thao tác khéo léo hơn rất nhiều so với hồi năm 2000, khi chiếm lại Grozny, thủ đô Chechnya từ những người ly khai. Trong cuộc xung đột đó, khái niệm tránh thương vong cho dân thường và thiệt hại về cơ sở hạ tầng dân sự còn quá xa lạ.

Giải mã sức mạnh quân đội Nga qua câu chuyện Ukraina

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thị sát một cuộc tập trận của quân đội Nga. Ảnh: RIA

Kể từ đó, Nga đã tìm cách phát triển các cách thức hiệu quả hơn để phát huy sức mạnh của mình trong không gian liền kề, ở những quốc gia nổi lên từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo Roger McDermott - nhà nghiên cứu tại Quỹ Jamestown, Moscow đã tìm cách nâng cấp quân đội, trao quyền ưu tiên cho lực lượng đặc nhiệm, không quân và bộ binh hải quân - lực lượng này có các khả năng "phản ứng nhanh" đã được thử nghiệm tại Crưm.

Thành công mau chóng của Nga tại Crưm không có nghĩa là chất lượng của toàn bộ quân đội Nga đã được chuyển đổi. Phần đông lực lượng này là lính nghĩa vụ và chưa theo kịp quân đội công nghệ cao của Mỹ.

"Chiến dịch này tiết lộ rất ít về điều kiện hiện thời của lực lượng vũ trang Nga" - McDermott nói. "Sức mạnh thật sự của họ nằm ở khả năng hành động âm thầm kết hợp với thông tin tình báo liên quan tới điểm yếu của và ý chí đáp trả bằng quân sự của chính quyền Kiev".

Tuy nhiên, các chiến dịch của Nga tại Ukraina là một sự đan xen mau lẹ giữa cả sức mạnh cứng và mềm. Từng có lúc hy vọng ông Putin có thể tìm một "ngã rẽ" từ việc theo đuổi Crưm, nhưng rồi chính quyền Obama đã liên tục phải chơi trò đuổi bắt sau khi Kremlin đã thay đổi diễn biến trên thực địa.

"Họ càng ngày càng tinh vi hơn, và điều đó phản ánh sự phát triển của quân đội Nga và tư duy cũng như đào tạo của người Nga về tác chiến và chiến lược những năm qua" - nhận định của Stephen J. Blank, chuyên gia về quân sự Nga.

Còn về việc can thiệp tại Crưm, Nga đã sử dụng đợt tập trận quân sự đột ngột để đánh lạc hướng sự chú ý và ngụy trang cho công tác chuẩn bị của mình. Sau đó các lực lượng huấn luyện đặc biệt không mang phù hiệu nhanh chóng di chuyển để kịp thời bảo vệ các kho quân sự then chốt. Ngay khi chiến dịch tiến hành, lực lượng Nga đã cắt cáp điện thoại, phá sóng liên lạc và sử dụng chiến tranh điện tử để cô lập lực lượng quân sự Ukraina trên bán đảo.

"Lực lượng Ukraina tại Crưm đã bị cắt đứt liên lạc với trung tâm chỉ huy và kiểm soát của họ" - Chỉ huy NATO là Tướng Philip M. Breedlove cho biết.

Để củng cố việc kiểm soát, Kremlin đã triển khai chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm nhấn mạnh căn cứ rằng Nga phải can thiệp vào Crưm để giải cứu cộng đồng người nói tiếng Nga khỏi những kẻ cực hữu và bạo loạn.

Theo New York Times, không lâu sau khi Mỹ yêu cầu Nga rút quân khỏi Crưm, thì Nga ồ ạt đưa 40.000 quân tới gần biên giới phía Đông Ukraina. Sau đó, các quan chức Mỹ cho biết, Nga gửi từng tốp lính quy mô nhỏ được vũ trang tới dọc biên giới Ukraina để chiếm các tòa nhà chính quyền. Các tốp lính này sẽ thành các cảm tình viên và dân quân địa phương.

Chuyên gia về quân sự Nga tại Học viện Lexington là Daniel Goure giải thích: "Vì Nga có được sự ủng hộ từ địa phương, nên họ có thể duy trì một nhóm rất nhỏ những chiến binh giỏi và cứ theo đà đó mà tiến".

Trong phương án của Kremlin, mục đích trước mắt của các lực lượng không quân và trên mặt đất của Nga đóng gần Ukraian có vẻ như là nhằm ngăn quân đội Ukraina đàn áp miền Đông và Mỹ hỗ trợ về mặt quân sự cho Ukraina.

Kremlin đã sử dụng việc triển khai quân đội như một điểm tựa cho chiến lược ngoại giao khi nhất quyết đòi Ukraina liên bang hóa rộng hơn nữa, mà theo đó, các tỉnh miền Đông sẽ có quyền tự trị nhiều hơn và vẫn chịu ảnh hưởng của Moscow.

Các chuyên gia quân sự nói rằng chiến lược như vậy của Kremlin triển khai ở Ukraina có vẻ như là hiệu quả nhất tại những khu vực có đông người gốc Nga, và nhận được sự ủng hộ từ họ. Chiến lược này cũng dễ dàng thực hiện nếu như tiến hành ở những nơi gần lãnh thổ Nga với một lượng người rất lớn có thể triệu tập và quân đội Nga có thể dễ dàng điều động thêm lực lượng đặc nhiệm.

"Chiến lược này có thể được sử dụng trong toàn bộ không gian hậu Xô Viết" - Chris Donnelly, một cựu cố vấn cấp cao tại NATO nhận định. Donnelly nói thêm rằng Gruzia, Moldova, Armenia, Azerbaijan và các quốc gia Trung Á cũng rất dễ bị "ảnh hưởng" từ chiến lược này.

"Các quốc gia Baltic thì chịu ít tác động hơn, nhưng vẫn bị sức ép và ngay cả với Ba Lan và Trung Âu" -Donnelly nói thêm.

Đô đốc Stavridis đồng tình rằng chiến lược của Nga có thể hiệu quả nhất khi áp dụng với một quốc gia mà Nga có một lượng đông các tình nguyện viên. Nhưng ông nói thêm rằng việc Nga kết hợp khéo léo chiến tranh điện tử, lực lượng đặc nhiệm và bộ đội chủ lực là một bước tiến mà NATO cần phải nghiên cứu và đưa vào việc lên kế hoạch của mình.

"Ở tất cả những khu vực đó họ đã nâng tầm cuộc chơi của mình, và họ đã kết hợp (các lực lượng) một cách khá là điêu luyện. Tôi nghĩ là bất kể là tác chiến ở đâu trên thế giới, chiến lược này vẫn hiệu quả" - Stavridis nói.

Theo Lê Thu
Vietnamnet/New York Times