1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giải mã siêu máy bay “Lầu Năm Góc trên không” của Mỹ

(Dân trí) - Máy bay “ngày tận thế” E-4B Nightwatch được mệnh danh là “Lầu Năm Góc trên không” vì nó được chế tạo để chịu được sức mạnh của các vụ tấn công hạt nhân và vẫn có thể hoạt động hiệu quả như một trung tâm chỉ huy trên trời dù tình huống ngặt nghèo xảy ra.

Giải mã siêu máy bay “Lầu Năm Góc trên không” của Mỹ
Giải mã siêu máy bay “Lầu Năm Góc trên không” của Mỹ - 1

Một máy bay "Ngày tận thế" của Mỹ (Ảnh: Business Insider)

Theo Bussiness Insider, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra và toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc mặt đất của quân đội Mỹ bị phá hủy, không quân Mỹ sẽ triển khai máy bay E-4B.

Chiếc máy bay trị giá 223 triệu USD được quân sự hóa từ máy bay thương mại Boeing 747. Nó được thiết kế để có thể tồn tại qua các vụ nổ hạt nhân và sẽ đóng vai trò trung tâm chỉ huy và kiểm soát cho các quan chức quân đội cấp cao nhất, bao gồm cả tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, tham mưu trưởng.

E4-B được thiết kế vào năm 1973 và được coi là cách tốt nhất để bảo vệ một tổng thống Mỹ khỏi mối đe dọa từ các cuộc tấn công hạt nhân trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh với Liên Xô đang diễn ra. Máy bay này được gọi là “văn phòng chỉ huy tác chiến trên không”.

Tác giả Ryan Pickrell của Business Insider gọi E-4B là “Lầu Năm Góc trên không”. Thậm chí ông Pickrell còn cho rằng máy bay này còn được bảo vệ an ninh chặt chẽ hơn trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. “Nó được sử dụng trong kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, chính vì vậy nó được gọi là máy bay ngày tận thế”, Pickell nói.

Hiện thời, Mỹ sở hữu 4 chiếc E-4B và không quân Mỹ là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành cả 4 cơ sở này tại căn cứ Offutt gần Omaha, Nebraska.

Edward Garcia, người từng nằm trong đơn vị vận hành E-4B, cho biết, do nhiệm vụ của máy bay này là phản ứng nhanh trước thảm họa nên một chiếc E-4B sẽ luôn trong tình trạng cảnh báo 24/7 để đề phòng bất trắc xảy ra.

Trên E-4B, các lãnh đạo quân đội và tổng thống có thể ra lệnh thực hiện tấn công hạt nhân hoặc phát đi các mệnh lệnh chiến tranh khẩn cấp.  

E-4B có 3 khoang và có thể chở 112 người. Với 4 động cơ khổng lồ, máy bay này có thể bay trên không trung 12 giờ liên tiếp mà không cần nạp nhiên liệu. Về mặt lý thuyết, nếu có máy bay tiếp liệu trên không, E-4B có thể bay được vài ngày.

Giải mã siêu máy bay “Lầu Năm Góc trên không” của Mỹ - 2

Buồng lái máy bay (Ảnh: Business Insider)

Chi phí để vận hành E-4B cho một giờ bay là 160.000 USD, khiến nó trở thành một trong những máy bay đắt đỏ nhất mà không quân Mỹ vận hành. Cửa của E-4B được phủ một tấm lưới đặt biệt nhằm ngăn phóng xạ. Các thiết bị trên máy bay đều được gia cố chắc chắn đảm bảo có thể chống chọi được tấn công xung điện từ. Ngoài ra, E-4B còn được trang bị lớp bảo vệ khỏi nhiệt độ cao, hạt nhân cũng như hỏa lực trực tiếp.

Trên máy bay, không gian được chia nhỏ ra để đảm bảo quân đội vận hành trơn tru trong tình huống chiến tranh. Phần trước máy bay là nơi làm việc của các quan chức quân sự cấp cao. Sau đó là khu vực cho các quân nhân hàng không. Họ làm việc theo ca kéo dài 24 giờ, 7 ngày và ngủ luôn trên máy bay. Tiếp đến là khu vực phòng hội nghị, nơi mà các lãnh đạo ra mệnh lệnh chiến tranh.

Ở giữa máy bay, các quan chức từ mọi bộ phận trong quân đội sẽ ngồi bàn bạc kế hoạch tác chiến nếu xảy ra tình huống nguy cấp. Phần cuối máy bay là khu vực thông tin liên lạc và kiểm soát kỹ thuật. Từ đây, phía vận hành hệ thống có thể liên lạc với bất cứ ai trên thế giới.

Phần nhô lên trên đầu E-4B được gọi là “ray dome”, nơi bao gồm 67 vệ tinh, ăng-ten. Hệ thống thông tin liên lạc trên máy bay này đa dạng hơn nhiều so với Không Lực Một. Thậm chí, E-4B còn có một phần đuôi đặc biệt, có thể được triển khai để liên lạc với tàu ngầm dưới lòng biển.

Đức Hoàng

Theo Bussiness Insider