1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giải giáp vũ khí hóa học của Syria: Ngư ông đắc lợi

(Dân trí) - Đề xuất của Nga tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria đã tạm thời đẩy lui quyết định tấn công quân sự của Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, bên được hưởng lợi nhiều nhất trong vụ việc này không chỉ có Nga, Mỹ và Syria mà còn có thêm nước thứ tư.

Giải giáp vũ khí hóa học của Syria: Ngư ông đắc lợi
Israel là một trong những bên được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Sáng kiến hợp lý và đúng lúc của Nga đã mở ra lối thoát kịp thời cho Syria trước nguy cơ phải hứng đòn tấn công trừng phạt chớp nhoáng của Mỹ. Không chỉ được hai bên “đương sự” là Mỹ và Syria hồ hởi đón nhận, nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia khác trên thế giới cũng lập tức hoan nghênh sáng kiến đắt giá của Nga. Pháp - nước lâu nay vẫn lớn tiếng thúc giục Mỹ “dạy” cho Syria một bài học – còn thúc giục cần phải có ngay nghị quyết của Liên hợp quốc về các điều khoản tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria.

Vậy là, một lối thoát hẹp đã được mở ra cho cả Mỹ, Nga và Syria vào đúng thời điểm quyết định nhất.

Với Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không còn phải đứng trước lựa chọn khó khăn trong việc đánh hay không đánh Syria, đồng nghĩa với việc giúp Washington gác lại quyết định can dự thêm vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng tạm thời tránh được nguy cơ “đạn rơi, máu chảy”. Còn nước Nga đẩy lùi phần nào mối lo bị mất các lợi ích chiến lược quan trọng ở Trung Đông vốn gắn liền với quân cảng Tartut.

Chính vì những lý do này mà cả Mỹ và Syria đều đã có những phản hồi rất nhanh chóng và tích cực sau đề xuất của Nga. Để tạo niềm tin với cộng đồng quốc tế, Tổng thống Assad cam kết sẽ từ bỏ vũ khí hóa học, Tổng thống Obama thì nói Mỹ “có thể không phát động tấn công nếu Syria nghiêm túc giao nộp vũ khí hóa học”. Một cuộc đàm phán cấp ngoại trưởng song phương giữa Nga và Mỹ cũng đang gấp rút được tiến hành tại Geneva, Thụy Sĩ, để bàn về kế hoạch giải trừ kho vũ khí hóa học Syria sau khi đã “5 lần, 7 lượt” trì hoãn hội nghị hòa bình Geneva II cũng do chính Nga và Mỹ đồng khởi xướng.

Tuy nhiên, còn một bên nữa ít được nhắc tới nhưng cũng đang hưởng lợi rất lớn từ đề xuất tháo ngòi nổ của Nga. Đó là Israel, đối thủ chính của Syria trong khu vực và là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Đối với Nhà nước Do Thái, giải pháp ngoại giao này không chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ bị hứng đòn trả đũa từ Syria một khi chiến sự xảy ra, mà còn giảm bớt mối đe dọa thường trực lâu nay từ kho vũ khí hóa học ở quốc gia láng giềng phía Nam với tổng khối lượng ước tính lên tới gần 1.000 tấn. Bởi một khi Syria không còn nắm trong tay “bảo bối” này nữa, tương quan quyền lực trong khu vực cũng sẽ thay đổi theo. Israel, với sức mạnh là một quốc gia hạt nhân trong khu vực và có sự chống lưng đắc lực của Mỹ, chắc chắn sẽ ngày càng chiếm thế thượng phong trước thế giới Arập và ngay kể cả với Iran, nước đang gặp khó khăn rất lớn do tác động từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây vì chương trình phát triển hạt nhân gây tranh cãi.

Nhiều nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Israel là bên được hưởng lợi lớn nhất trong đề xuất của Nga vì khó có thể lường trước được những hậu quả mà nước này phải gánh chịu một khi phải hứng đòn trả đũa “hội đồng” từ cả Syria, Iran, lực lượng Hezbollah hay thậm chí cả các tay súng Hamas từ dải Gaza.

 “Nếu các sáng kiến ngoại giao của Nga thành công thì đây sẽ còn hơn cả một chiến thắng kép đối với Israel, vì nước này vừa muốn ổn định,  vừa muốn thấy ông Bashar al-Assad bị suy yếu về quyền lực", Giáo sư Eyal Zisser thuộc trường Đại học Tel Aviv nhận định.

Mặc dù một số chính trị gia Israel cũng có bày tỏ quan ngại về khả năng Syria có thể lợi dụng ý tưởng của Nga để “câu giờ”, song Giáo sư Zisser vẫn cho rằng kịch bản này rất khó xảy ra vì nước Mỹ sẽ không để cho Syria tiếp tục qua mặt. Việc các nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định “tấn công răn đe vẫn là một lựa chọn” và “Syria đừng hòng tìm cách qua mặt (Mỹ và phương Tây)” có lẽ là những đảm bảo lớn nhất khiến Tel Aviv cảm thấy không nhất thiết phải lên tiếng vào thời điểm nhạy cảm này.

Đây cũng là quan điểm của nhà nghiên cứu Ely Karmon thuộc Trung tâm đa lĩnh vực ở Herzliya, Israel.

“Một trong những lý do chính để Nhà nước Do Thái chấp thuận đề xuất của Nga là vì vũ khí hóa học là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với  họ", ông Karmon nói. Ông cũng gợi lại cảnh hỗn loạn và chen lấn xảy ra mới đây khi người dân Israel đổ xô đi xếp hàng nhận mặt nạ phòng độc sau khi có cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Theo ông, một thỏa thuận ngừng bắn hay đàm phán do Nga và Mỹ dàn xếp giúp dẹp yên mặt trận Syria sẽ là giải pháp tốt nhất đối với Israel, dù rằng vẫn cần phải lưu ý về một số vấn đề trong đề xuất của Nga.

"Ai sẽ kiểm soát và đưa các vũ khí (hóa học) từ khoảng 20 địa điểm riêng biệt về tập trung tại một chỗ? Đó là chưa kể việc tiêu hủy số vũ khí này cũng cần có các đội giám sát đặc biệt và các thiết bị cần thiết", Karman lo lắng.

Theo con số ước tính, Syria hiện sở hữu khoảng 1.000 tấn chất độc hóa học với phần lớn trong số này đã được đưa vào các đạn pháo, đầu đạn tên lửa và nhiều loại vũ khí tấn công khác. Để thu gom và tiêu hủy toàn bộ số vũ khí này, ngay cả khi Syria cho phép và tạo điều kiên tối đa cho các thanh sát viên Liên hợp quốc tới làm nhiệm vụ, thì cũng phải mất tới hàng năm với tổng chi phí lên tới một tỷ USD.

“Tại Iraq, phải mất hàng tháng để tập hợp các đội tiêu hủy và hàng năm để phá hủy kho vũ khí. Tại Lybia cũng phải mất nhiều năm mà vẫn chưa tiêu hủy hết khí độc. Tình hình cũng sẽ tương tự ở Syria”, chuyên gia Mark Fitzpatrick liên hệ tình hình Syria với các trường hợp tương tự trọng quá khứ.

Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London cũng đưa ra những nhận định tương tự về độ khó của công tác này.

“Việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria theo đề xuất của Nga là vô cùng khó và không giúp gì nhiều cho việc chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông Syria”, IISS nhận định trong bản báo cáo mới nhất công bố ngày 12/9.

Trong báo cáo, các chuyên gia của IISS cho rằng quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria không thể thiếu vai trò cầm trịch của LHQ, nhưng bên cạnh đó cũng phải có sự tham gia của Nga và Iran để giúp giữ cho tiến trình này đi đúng hướng và đúng lộ trình đề ra.

Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, LHQ sẽ phải cần tới 75.000 binh sĩ để bảo đảm an toàn kho vũ khí hóa học ở Syria cho tới khi chúng được tiêu hủy hoàn toàn. Tất nhiên, đây chỉ là con số ước tính tạm thời được đưa ra dựa trên những thông tin tình báo của Mỹ về khối lượng vũ khí hóa học và sơ đồ các kho vũ khí hóa học ở Syria. Còn trong thực tế, những con số cụ thể này là bao nhiêu, chúng được phân bố và phân tán ở những đâu thì chỉ có chính quyền Syria mới biết rõ. Chưa kể, sự hợp tác từ phe đối lập cũng là một ẩn số cần tính tới.

“Việc đạt được thỏa thuận với quân nổi dậy cũng phải tính đến vì hiện lực lượng này chưa muốn đàm phán với bất cứ ai. Không có sự đồng thuận của họ, việc chuyển một khối lượng lớn vũ khí hóa học có thể là một việc làm nguy hiểm”, Giáo sư Ely Karmon cảnh báo.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ gặp nhau tại Thụy Sĩ trong ba ngày (12-14/9) để thảo luận về kế hoạch bàn giao kho vũ khí hóa học của Syria dựa trên kế hoạch cụ thể đã được Ngoại trưởng Nga và Syria nhất trí trước đó. Trong khi các nhà lãnh đạo này vẫn đang đau đầu tìm kiếm giải pháp, thì Israel đã có thể tạm thời “xả hơi” và bình thản hưởng lợi mà không mất quá nhiều công sức.

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm