1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải cứu ASEAN khỏi thế lực bên ngoài

Sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đã từng được ca ngợi như một thành công chủ chốt của tổ chức khu vực này. Nhưng giờ đây điều đó đang dần trở thành một “huyền thoại” bị nghi ngờ. Đằng sau thực tế đáng lo ngại này dường như có bàn tay của một số thế lực bên ngoài.

Từ sự cố tại hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết

Tại hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 17 được tổ chức vừa qua tại Venezuela, có một sự cố đã gây chú ý cho cộng đồng quốc tế. Cụ thể, sau hội nghị, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã cáo buộc Singapore cố tình “khuấy động” vấn đề tranh chấp Biển Đông tại diễn đàn này. Đại sứ của Singapore tại Bắc Kinh đã ngay lập tức bác bỏ và cho rằng các cáo buộc của Hoàn Cầu Thời Báo là vô căn cứ và không đúng với thực tế diễn ra tại hội nghị.


Thực thể Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS

Thực thể Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS

Vấn đề xoay quanh một đoạn trong Văn bản Cuối cùng của hội nghị đề cập tới vấn đề Biển Đông. Các đoạn về Biển Đông từ lâu đã được các nước ASEAN đưa vào phần nói về khu vực Đông Nam Á trong Văn bản Cuối cùng của các hội nghị thượng đỉnh do NAM tổ chức, trong đó có hội nghị gần đây nhất tổ chức tại Iran vào năm 2012. Tuy nhiên, do những diễn biến mới xảy ra trên Biển Đông trong 4 năm qua, các quốc gia ASEAN đã nhất trí cập nhật đoạn văn này trong Văn bản Cuối cùng của hội nghị năm nay. Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã can thiệp, nước chủ nhà Venezuela đã từ chối đưa đoạn văn cập nhật này vào Văn bản Cuối cùng, trái với thông lệ là các quốc gia có toàn quyền quyết định nội dung phần nói về khu vực của họ.

Trong bối cảnh đó, trước đề nghị của Lào (chủ tịch ASEAN), đại diện của Singapore tại Hội nghị đã nêu vấn đề trên và đọc toàn văn đoạn cập nhật này trước hội nghị. Điều này đã dẫn tới cuộc tranh cãi nêu trên giữa Trung Quốc và Singapore.

Có những ví dụ cho thấy một thực tế về việc những thế lực bên ngoài luôn cố giành quyền kiểm soát đối với ASEAN.Không chỉ tại hội nghị lần này của NAM, mà trong nhiều hội nghị khác của ASEAN, họ cũng đã thành công trong việc gây sức ép lên một số thành viên của tổ chức này nhằm chia rẽ ASEAN và cản trở các quyết định của Hiệp hội mà họ coi là gây bất lợi cho mình.

Ví dụ, tháng 7 năm 2012, ASEAN đã không thể đạt được một tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử của mình. Gần đây hơn, tại cuộc họp thường niên lần thứ 49 tổ chức vào tháng 7 năm 2016, các ngoại trưởng ASEAN cũng không thể đạt được đồng thuận về việc đề cập tới phán quyết lịch sử được đưa ra hai tuần trước đó bởi một tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc trong bản thông cáo chung. Nguyên nhân chính cũng là vì một vài nước trong khu vực đã bị thế lực bên ngoài chi phối.

Các rủi ro cho ASEAN và Việt Nam

Một khi các nước ASEAN không thể định đoạt được các vấn đề của mình từ việc phát biểu gì tại các hội nghị quốc tế cho tới việc ứng xử ra sao đối với một vấn đề an ninh hệ trọng của khu vực như tranh chấp Biển Đông, thì rõ ràng vai trò và vị thế của tổ chức này trong cấu trúc an ninh khu vực sẽ bị nghi ngờ. Trong bối cảnh đó, lợi ích của từng quốc gia thành viên ASEAN sẽ bị đe dọa.

Từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực của tổ chức khu vực này. Bản thân ASEAN cũng đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích to lớn, từ hợp tác kinh tế cho tới nâng cao vị thế quốc tế và duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt là việc quản lý tranh chấp Biển Đông thông qua các cơ chế của ASEAN. Chính vì vậy, một khi ASEAN bị người ngoài chi phối và mất vai trò, Việt Nam cũng sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất. Một ví dụ điển hình chính là bế tắc của ASEAN trong việc đối phó với các căng thẳng gia tăng trên Biển Đông thời gian vừa qua.

Sự chia rẽ của ASEAN và sự suy giảm vai trò của tổ chức này trong an ninh khu vực không những gây bất lợi cho 10 nước thành viên mà còn gây ra những hậu quả khó lường đối với các cường quốc bên ngoài. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia trong thời gian gần đây được quy là yếu tố chi phối đằng sau tình trạng này, cũng sẽ phải đối mặt với những hệ lụy tiềm ẩn, bởi lẽ một khi các nước ASEAN có thể bị thế lực bên ngoài thao túng thì vào một thời điểm nào đó, chính các nước này cũng có thể bị một cường quốc khác thao túng nhằm chống lại các lợi ích của mình. Ngoài ra, sự chia rẽ và mất niềm tin vào ASEAN cũng tạo điều kiện cho sự thâm nhập của các cường quốc bên ngoài vào khu vực Đông Nam Á, một điều bản thân Trung Quốc sẽ phải lo ngại.

Giải pháp để giải cứu ASEAN

Vì vậy, việc ủng hộ vai trò của ASEAN cũng như củng cố sức mạnh của tổ chức này nên là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam cùng các nước thành viên khác cần đứng lên để chống lại sự can thiệp và gây chia rẽ ASEAN của các thế lực bên ngoài. Những sự cố như vừa rồi tại hội nghị Phong trào Không liên kết cần phải được ngăn chặn.

Về lâu dài, ASEAN cũng cần có những cải tiến về mặt quy trình và thể chế nhằm nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của tổ chức này, đặc biệt là trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với khu vực như tranh chấp Biển Đông. Về mặt quy trình, ASEAN nên xem xét đưa ra các cơ chế bổ sung cho nguyên tắc đồng thuận, ví dụ như việc bỏ phiếu theo đa số cho một số quyết định liên quan tới vấn đề chính trị và an ninh.

Nếu không có sự linh hoạt cần thiết nhằm giúp ASEAN có thể giải quyết một cách hiệu quả các mối đe dọa an ninh, ASEAN sẽ tiếp tục bị chia rẽ và trở thành một công cụ cho các cường quốc khác thao túng nhằm phục vụ lợi ích của họ.

ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào năm 2017. Vì vậy, có lẽ bây giờ là thời điểm phù hợp để ASEAN và các nước thành viên suy nghĩ về tương lai của mình. Nếu không quyết tâm ủng hộ vai trò của ASEAN và có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc vào nội bộ khối, vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực sẽ sớm trở thành một hoài niệm lịch sử mà thôi.

Theo Lê Hồng Hiệp

Vietnamnet

TS. Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), Singapore, và là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM.