1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Giấc mộng Trung Hoa và "bóng đè" Triều Tiên

Cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên trong thời gian vừa qua thực sự đã khiến Trung Quốc hết sức bối rối, khó xử, thậm chí khó chịu vì đã gây tổn thất không hề nhỏ cho "Giấc mộng Trung Hoa".

Cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên trong thời gian vừa qua thực sự đã khiến Trung Quốc hết sức bối rối, khó xử, thậm chí khó chịu vì đã gây tổn thất không hề nhỏ cho 'Giấc mộng Trung Hoa'.

Sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình đã xuất hiện cùng với vị phu nhân thanh lịch và cũng rất nổi tiếng của mình trong chuyến công du ngoại giao đầu tiên tới Nga.

Kể từ khi bước lên đỉnh quyền lực, ông Tập đã nhiều lần nói về 'Giấc mơ Trung Hoa' và mục tiêu chấn hưng dân tộc. Tháng trước, một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo đã đề cập sự kiên định của đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục định hướng thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" nhằm mang lại "sự thịnh vượng cho đất nước và sức sống mạnh mẽ, hạnh phúc tràn đầy cho dân tộc".

Nói chung, thuật ngữ "Giấc mơ Trung Hoa" hiện nay đã trở thành câu cửa miệng và ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, trong các bài tranh luận chính trị và trên mạng Internet.

Mặc dù "Giấc mộng Trung Hoa" (viễn tưởng đó là gì và làm thế nào để đạt được) vẫn được miêu tả khá mơ hồ nhưng rõ ràng nó mang nhiều ý nghĩa và thể hiện ước muốn vô cùng lớn của người Trung Quốc. Có lẽ 'Giấc mộng Trung Hoa' gắn liền với ước vọng không chỉ tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc đã bước ra khỏi 'thế kỷ tủi nhục' bị nhiều cường quốc hiếp đáp trước đây. Nó còn nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc với một đất nước rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng giàu có hơn, đòi hỏi nhiều hơn. Rõ ràng, ông Tập Cận Bình đang khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và lòng tự hào dân tộc, khơi dậy sức mạnh mới, chú trọng vào việc xây dựng lực lượng quân đội và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Giấc mộng Trung Hoa và bóng đè Triều Tiên

Các cảnh sát bán quân sự Trung Quốc đang xây hàng rào gần cột mốc biên giới cắm quốc kỳ Triều Tiên và Trung Quốc ở thị trấn Tumen, tỉnh Jilin, Trung Quốc. Ảnh: AP.

 

Nhiều người tin rằng Trung Quốc - một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục phát triển bền vững. Hoàn toàn tự nhiên là trong điều kiện thuận lợi như vậy Bắc Kinh đang nỗ lực đóng vai trò lãnh đạo trong các mối quan hệ quốc tế. Trung Quốc bây giờ đã trở thành một kỳ thủ tầm cỡ nổi bật trên trường quốc tế, do đó yếu tố điều khiển thế giới hay khu vực sẽ tạo cho Trung Quốc những đồng minh mới và theo đó là những thế lực mới.

Tuy nhiên "Giấc mộng Trung Hoa' sẽ vấp phải một vật cản cố hữu cực kỳ lớn luôn ám ảnh người Trung Quốc hàng thập niên qua, đó là vai trò và ảnh hưởng của siêu cường duy nhất hiện nay: Mỹ. Trung Quốc muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ trước hết cần phải giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời loại bỏ một trong những lý do chính cho các cuộc xung đột tiềm năng. Để đạt được điều đó , Trung Quốc có thể chấm dứt hoặc vờ như chấm dứt sự ủng hộ Triều Tiên, đồng thời tạo cơ hội (thực và ảo) cho vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ngăn chặn Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, họ chẳng cần đe dọa Bình Nhưỡng phải đối mặt với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Trung Quốc cũng không cần phải có những hành động đáp trả các đe dọa quân sự thái quá của Triều Tiên bằng biện pháp tăng cường binh lực như quân đội Mỹ. Họ chỉ đơn giản chỉ cần chấm dứt các nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng cho Bình Nhưỡng là có thể đạt mục đích, vì Trung Quốc là nhà cung cấp chính cả lương thực và năng lượng cho Triều Tiên. Nếu Trung Quốc thực sự muốn thay đổi chế độ ở Triều Tiên, có lẽ không phải việc gì quá sức với họ. Trung Quốc chỉ cần mở cửa tuyến biên giới 1.300 km với Triều Tiên, kết quả của nó được các chuyên gia nhận định tương tự như sự sụp đổ của Bức tường Berlin ở Đông Đức trước đây.

Từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un chấp chính, Triều Tiên tỏ ra cứng rắn thái quá khiến tình hình khu vực trở nên sôi sục, một số người Trung Quốc tin rằng cần phải thay đổi chính sách của đất nước họ đối với Triều Tiên. Một cán bộ của một trong những nhà xuất bản của đảng cộng sản Trung Quốc là Deng Yu Wen đã viết trên tờ Financial Times, gợi ý rằng Bắc Kinh nên "dừng ủng hộ Bắc Triều Tiên" và "tiến hành một bước" để đẩy nhanh tiến độ thống nhất bán đảo Triều Tiên. Các nhà quan sát viên độc lập cho rằng bài báo đó có lẽ sẽ nhận được sự ủng hộ của một số người có ảnh hưởng, và thậm chí có thể là phản ánh quan điểm của các nhà lãnh đạo mới. Thế nhưng sau đó Deng đã "bị miễn nhiệm vô thời hạn" khỏi vị trí công tác.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

 

Không còn nghi ngờ gì nữa, một số người trong bộ máy nhà nước của Trung Quốc đã sẵn sàng cho sự thay đổi, và một số khác thì không. Nguyên nhân của tình hình này có thể là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp xưa cũ với người anh em chung một chiến hào Triều Tiên, hoặc lo ngại quan điểm ​​về lợi ích cốt lõi tại một khu vực tranh chấp có thể kéo theo sự không hài lòng của Mỹ và Nhật Bản do hiểu sai vấn đề. Nhưng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng vẫn ủng hộ chế độ Triều Tiên. Nói cách khác, một số các nhà lãnh đạo của Trung Quốc vẫn tuân thủ theo những quan điểm cũ về Trung Quốc và thế giới: Các mối quan hệ chính trị quốc tế - đó là zero- game (trò chơi người thắng kẻ bại). Họ cho rằng tất cả những gì có hại cho đế quốc, chắc chắn tốt cho Bắc Kinh, đồng thời các khái niệm về "lòng yêu nước" được hiểu là các hành động chống Nhật Bản cũng như các hoạt động, tuyên bố cực đoan và đầy bạo lực liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo trên biển.

Vấn đề Triều Tiên trong thời gian vừa qua thực sự đã gây tổn thất không hề nhỏ cho 'Giấc mộng Trung Hoa'. Chính sự hung hăng, cứng rắn thái quá của Triều Tiên đã tạo cái cớ bằng vàng để Hàn Quốc tăng cường lực lượng, là lý do cho các cuộc tập trận của Nga, là cơ sở khiến Nhật xây dựng các hệ thống tên lửa chống tên lửa. Và nguy hiểm hơn nữa, các đài radar khổng lồ tinh vi cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên biển của các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm hạt nhân, các tàu sân bay, máy bay tàng hình của Mỹ đang hình thành một vành đai chặt chẽ xung quanh Trung Quốc, đồng thời cũng khép dần cánh cửa sống còn của một quốc gia đang nuôi mông vươn ra các đại dương với tư cách siêu cường mới nổi.

Triều Tiên từng là đồng minh 'môi hở răng lạnh' của Trung Quốc, được xác định là vùng đệm chiến lược đối với sự ổn định của Trung Quốc cho nên Mao Trạch Đông đã không ngần ngại tung hàng chục vạn quân kháng Mỹ viện Triều trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Nhưng nay trong mắt nhiều người Trung Quốc, Triều Tiên là một nhà nước lỗi thời theo mô hình nhà nước của những năm 1950, đóng vai trò một quốc gia cứng rắn và tự mình cô lập hóa đến mức các nhà ngoại giao Trung Quốc khi đến Bình Nhưỡng được khuyên nên để điện thoại di động lại Bắc Kinh với mục đích nhằm đảm bảo an ninh và nền độc lập của CHDCND Triều Tiên.

Nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới nhận định nếu các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc tiếp tục nuôi dưỡng và ủng hộ chế độ mà họ từng giúp đỡ thành lập vào năm 1950 và tiếp tục trợ giúp để nó trụ vững theo cách hiện nay, có thể “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ mãi mãi chỉ là khẩu hiệu. Nếu Bắc Kinh muốn giành được sự tôn trọng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết được vấn đề Triều Tiên vì đơn giản họ là người đầu tiên chịu trách nhiệm.

Theo Trịnh Thái Bằng
Tiền phong/Slate