1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giấc mơ hóa "ác mộng" đe dọa kinh tế Mỹ

Quyết định của Tổng thống Donald Trump chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) có thể khiến nền kinh tế số 1 thế giới tốn hàng trăm tỉ USD trong thập kỷ tới.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm 5-9 đã thông báo hồi kết của chương trình vốn bảo vệ khoảng 800.000 người nhập cư trẻ khỏi trục xuất trong 6 tháng tới.

Trừ khi quốc hội Mỹ có hành động thay thế chương trình có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama này với những biện pháp bảo vệ tương tự, những người nêu trên sẽ không còn được phép làm việc tại Mỹ.

Chương trình DACA cho phép công dân nước ngoài dưới 31 tuổi đến Mỹ khi còn là trẻ em (dưới 16 tuổi) có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất, ở lại học hành, làm việc, phục vụ trong quân đội. Cứ 2 năm, những người này phải xin gia hạn ở lại.

Theo giới chuyên gia, việc mất lực lượng lao động trẻ tuổi này không phải tin tốt với nền kinh tế Mỹ. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là những bang có cộng đồng DACA lớn nhất, như California và Florida.

Báo cáo công bố hồi tháng rồi từ FWD.us, nhóm hoạt động ủng hộ nhập cư do ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đồng sáng lập, cho thấy 91% "dân số" DACA đang làm việc.

Dừng chương trình này đồng nghĩa với những trường hợp thu nhập khoảng 30.000 USD/tháng sẽ mất giấy phép lao động. Nghiên cứu trước đó của Trung tâm Tiến bộ Mỹ ước tính rằng mất toàn bộ các lao động DACA có thể khiến GDP Mỹ giảm 433 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.


Người biểu tình phản đối hủy bỏ chương trình DACA bên ngoài Nhà Trắng với khẩu hiệu: “Đừng hủy hoại giấc mơ Mỹ” Ảnh: AP

Người biểu tình phản đối hủy bỏ chương trình DACA bên ngoài Nhà Trắng với khẩu hiệu: “Đừng hủy hoại giấc mơ Mỹ” Ảnh: AP

Các bang New York và Washington cảnh báo sẽ kiện Nhà Trắng vì quyết định có thể sẽ biến chương trình hay được gọi là giấc mơ Mỹ này thành ác mộng.

Trong khi đó, ông Obama và người tiền nhiệm Bill Clinton ngày 5-9 đã đồng loạt gọi quyết định của chính quyền đương nhiệm là sai lầm và tàn nhẫn đối với những người trẻ "vốn là người Mỹ trong trái tim, trong tâm trí, chỉ trên giấy tờ là không".

"Tôi thực sự rất sợ chương trình này bị hủy bỏ… Nó đóng lại những cánh cửa đối với tôi và nhiều sinh viên khác cũng trong diện DACA" - Cynthia, một sinh viên ở Chicago, chia sẻ trong khi không dám tiết lộ họ của mình bởi lo ngại trở thành đối tượng của các cơ quan trục xuất. Tuy nhiên, Thị trưởng thành phố này, ông Rahm Emanuel, trấn an rằng Chicago sẽ vẫn mở cửa cho những sinh viên như Cynthia.

Theo tờ Los Angeles Times, động thái này của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tác động đến nỗ lực tái kiểm soát hạ viện của Đảng Dân chủ vào năm 2018. Chẳng hạn, bang California - nơi 1/4 thành viên DACA đối mặt nguy cơ trục xuất - hiện có 14 hạ nghị sĩ là người Đảng Cộng hòa, họ có thể mất ghế về tay đối thủ Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo Thu Hằng

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm