1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giá lương thực tăng cao: Góc nhìn từ sex và AIDS

(Dân trí) - Các quan chức Liên Hợp Quốc cảnh báo, giá lương thực tăng cao trên khắp toàn cầu có thể buộc những phụ nữ nghèo phải mua bán dâm để đổi lấy các loại lương thực thiết yếu như cá và dầu ăn, khiến các ca lẫy nhiễm HIV/AIDS mới có nguy cơ gia tăng.

Một cuộc hội thảo về phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu đã khai mạc hôm 3/8 tại thủ đô Mexico City của Mexico. Các đại biểu tham dự hội nghị đã trích dẫn trường hợp của các phụ nữ tại khu vực Thái Bình Dương và Kenya phải bán mình để lấy lương thực. Điều này càng gia tăng những lo ngại về một cơn bùng phát mới trong sự lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS.

 

Giá lượng thực tăng - gây ra do việc sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng, nhu cầu tăng cao về lương thực tại khu vực châu Á đang bùng nổ về dân số, hạn hán và sự đầu cơ tích trữ, đã khiến số người đói ăn trong năm ngoái cao hơn 50 triệu so với con số của một năm về trước.

 

“Điều đó có thể dẫn tới các biện pháp đối phó khác nhau, một trong số đó là một số phụ nữ đang phải bán mình để lấy lương thực nuôi sống con cái họ”, Stuart Gillespie từ Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế nhận định.

 

“Các cuộc nghiên cứu gần đây tại Botswana, Swaziland, Malawi, Zambia và Tanzania cho thấy mối quan hệ giữa tình trạng bấp bênh về lương thực và tình dục không được bảo vệ trong số các phụ nữ nghèo”.

 

Việc săn bắt cá ngừ quá mức khiến nguồn cá cạn kiệt ở Thái Bình Dương đã buộc các phụ nữ Papua New Guinea từ bỏ những chiếc thuyền nhỏ để gia nhập vào các đội thuyền lớn hơn, nơi họ phải bán thân để đổi lấy lương thực, các quan chức và đại biểu tham dự hội thảo phòng chống HIV/AIDS cho hay.

 

Những thỏa thuận “đổi cá lấy sex” như vậy cũng là chuyện như cơm bữa ở khu vực hồ Victoria của Kenya, nơi các phụ nữ buôn cá phải ngủ với những người đánh cá để được mua với giá ưu đãi hơn.

 

Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho biết, việc thiếu lương thực cũng khiến những người đã nhiễm AIDS gặp nhiều khó khăn.

 

Thuốc HIV có thể làm tổn thương dạ dày nếu người sử dụng không được ăn no. Các bệnh nhân AIDS, nhiều người trong số đó bị nhiễm bệnh lao, cần thêm nhiều calo và các chất dinh dưỡng.

 

Giá lương thực và các loại hàng hóa khác tăng lên có thể gây trở ngại cho cuộc chiến chống đại dịch AIDS.

 

“Chúng ta thực sự phải xem xét vấn đề này thật kỹ lưỡng. Chúng ta đang sống trong thời giá dầu mỏ tăng cao, giá lương thực tăng cao. Cùng lúc đó, giá thuốc chữa bệnh AIDS tăng lên và số người mắc bệnh cũng tăng”, Kevin De Cock, giám đốc chương trình chống AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới nói.

 

Việc chiến đấu chống lại căn bệnh nghèo đói và AIDS cùng một lúc có thể gặp các thách thức đặc biệt. Tại Zimbabwe, một số ngôi làng không chấp nhận trợ giúp lương thực nếu họ cho rằng chúng được dành cho các bệnh nhân AIDS vì khẳng định chúng bị nhiễm bẩn.

 

Thế giới có khoảng 33 triệu người nhiễm HIV/AIDS, một nửa trong số này là phụ nữ. Căn bệnh này cướp đi sinh mạng của 2 triệu người mỗi năm.

 

Ánh Ninh
Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm