1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ghế giám đốc IMF “nóng” với cuộc đua tầm quốc tế

(Dân trí) - Tuyên bố từ chức của ông Dominique Strauss-Kahn chính thức “vào số” cho cuộc đua được đánh giá là gay cấn và mang tầm quốc tế giành vị trí lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lần này là giữa hai “cỗ xe” châu Âu và các nước mới trỗi dậy.

Ghế giám đốc IMF “nóng” với cuộc đua tầm quốc tế - 1
Dominique Strauss-Kahn
 
Cuộc tranh giành chiếc ghế lãnh đạo IMF thực ra đã bắt đầu gần như sau sau khi ông Kahn bị bắt và chưa tuyên bố từ chức.
 
Châu Âu đã nắm giữ vai trò lãnh đạo IMF kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1944, nhưng nhiều ý kiến nhận định vụ bê bối của ông Dominque Strauss-Kahn có thể giúp các quốc gia đang trỗi dậy, nhất là ở châu Á, giành được vai trò lãnh đạo tổ chức này. Trong khi đó, người Mỹ cũng đưa ra lý lẽ của mình và có lẽ sẽ chơi lá bài “ứng viên xuất thân từ nước đang phát triển”.

Cần hiểu rằng năm 2007, ông Strauss-Kahn được chọn làm Tổng Giám đốc IMF nhiệm kỳ 5 năm theo đúng thỏa thuận ngầm tồn tại từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, theo đó sẽ luôn có một công dân châu Âu lãnh đạo IMF có trụ sở tại Washington trong khi một công dân Mỹ sẽ lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB).

Như vậy, quy trình lựa chọn vị trí đứng đầu IMF thường mang tính không chính thức và theo thông lệ từ trước đến nay thì nó thường dành cho một công dân châu Âu. Tuy nhiên hiện nay, quy trình đó đang chịu sức ép từ các nền kinh tế mới nổi vốn rất muốn có tiếng nói có trọng lượng hơn trong việc đề cử và bổ nhiệm người lãnh đạo IMF. Thực tế, những năm qua, châu Âu và Mỹ phải nhờ đến sự giúp đỡ cũng như đóng góp tài chính của các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nga.

Tuyên bố từ chức của ông Strauss-Kahn vì thế được coi là lần đầu tiên ấn nút khởi động cuộc đua vào vị trí đứng đầu IMF mang tính quốc tế.

Mở màn cuộc đua từ châu Âu là Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi bà ngày 16/5 tuyên bố rằng có rất nhiều lý do chính đáng để châu Âu tiếp tục vị trí đó trong bối cảnh khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng Euro vẫn đang diễn ra. Ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tiếp lời khi cho rằng “nếu cần thiết phải có người thay thế, thì châu Âu có lẽ sẽ phải giới thiệu một ứng viên…”. Tác động ngắn hạn của vụ Straus-Kahn đã được cảm nhận rõ nhất ở khu vực đồng euro.

Với châu Âu, vụ việc của ông Dominique Strauss-Kahn diễn ra đúng thời điểm hết sức tế nhị ngay trước khi diễn ra các cuộc bàn thảo quan trọng về tình hình khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Giữa các thành viên khu vực đồng euro vẫn đang chia rẽ nghiêm trọng và cho đến giờ vẫn chưa có đồng thuận nào giữa chính phủ các nước châu Âu về cách thức tốt nhất cho Hy Lạp.
 
Ông Strauss-Kahn được đánh giá là nhân vật chính, hoạt động tích cực để thuyết phục các quốc gia châu Âu còn đang lưỡng lự, trong đó có Đức, đồng ý bơm tiền cứu trợ Hy Lạp, Ireland và đàm phán viện trợ Bồ Đào Nha.

Châu Âu hiện vẫn có 30% quyền bỏ phiếu và nắm giữ 9 ghế trên tổng số 24 tại Hội đồng Quản trị của IMF. Trong khi đó, với 17% quyền bỏ phiếu cũng đủ cho phép Mỹ ngăn chặn mọi ứng viên tranh cử và với châu Âu, sẽ không có chuyện Mỹ và các nước mới trỗi dậy thông đồng với nhau để “chơi” sau lưng họ.

Vấn đề là hiện tại, IMF đang tiến hành một số cải cách trong việc điều hành tổ chức này, dựa trên tính nhất thiết phải trao thêm cho Tổ chức này một tính chính đáng cao hơn nữa và theo đó, các nước mới trỗi dậy sẽ được trao cho một vị trí tương thích với so cán cân mới của họ trong nền kinh tế toàn cầu. Chính Strauss-Kahn lẫn Thủ tướng Anh David Cameron từng nói rằng đã đến lúc chấm dứt truyền thống đứng đầu IMF là một người châu Âu, trong khi các nước mới trỗi dậy cũng muốn khẳng định tham vọng của mình là được điều hành tổ chức uy tín này.

Trọng lượng của các nước đang phát triển đã gia tăng đều và dự báo trong 15 năm tới sẽ nặng hơn các nước công nghiệp hoá là phương Tây và Nhật Bản. Nổi bật trong nhóm các quốc gia mới lên thì có Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga, Brazil và Indonesia.

Nhưng ai sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất ở các nước mới nổi? Trung Quốc dường như là lựa chọn sáng giá, nhưng có ít cơ hội để người Mỹ ủng hộ một ứng viên đến từ Trung Quốc, vì theo họ, Trung Quốc là “thủ phạm” của việc thao túng chính đồng tiền của mình. Đề cử ở Ấn Độ sẽ không thể “qua mặt” được Trung Quốc. Hàn Quốc thì được coi là “hơi nhỏ” so với chiếc ghế lớn ở IMF…

Báo chí phương Tây đã liệt kê danh sách ứng viên tiềm năng mà các nước châu Âu đưa ra nhằm thay thế ông Dominique Strauss-Kahn, trong đó có những cái tên từ Đức, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả Singapore.

Nhiều dự đoán cho rằng các ứng viên tiềm năng gồm Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống kiêm Chủ tịch Ủy ban Quy hoạch Quốc gia Nam Phi Trevor Manuel, và cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis. Một ứng viên nữa là bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp – với lợi thế là ứng viên nữ đầu tiên cho vị trí này.

Mọi dự đoán đều chỉ là phỏng đoán. Điều thấy lúc này là sự ra đi của ông Kahn có thể là điềm gở cho châu Âu.

Nguyễn Viết