G7 một năm không Nga: Dân chúng phản đối, EU nuối tiếc, Nga không mặn mà
Một năm trôi qua kể từ khi các nguyên thủ G7 tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi, 7 nước phương Tây đang loay hoay với mớ bòng bong không lối thoát ở Ukraine, còn Nga hầu như đã quên hẳn, có một thời mình đã ở trong G8…
Dân Đức biểu tình chống G7
Ngày 4 tháng 6 vừa qua, hơn 30.000 người dân Đức đã xuống đường tại Munich để phản đối hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Ngoài phong trào nòng cốt là “STOP G7”, tham gia hoạt động có các chính khách đảng Xanh Liên minh 90 và các đảng cánh tả.
Được biết, Hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 là nơi nguyên thủ quốc gia trong nhóm gặp gỡ để bàn bạc những vấn đề quan trọng mà các nước cùng quan tâm. Hội nghị năm nay sẽ được tổ chức ra tại lâu đài Elmau, ở Bavarian thuộc vùng Alps của Đức trong 2 ngày 7 và 8 tháng 6.
Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái lẽ ra sẽ được tổ chức tại thành phố bên bờ biển Đen Sochi - địa điểm vừa tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông vào hồi tháng 2-2014, nhưng đã bị các nguyên thủ G7 đã tẩy chay, sau sự kiện Moscow sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga
Một trong những người tổ chức phong trào STOP G7 ở Đức là ông Michael Risch cho biết, người biểu tình không đồng tình với hành vi của các nước phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, họ ủng hộ một chính sách hòa bình tích cực hơn.
Người biểu tình Đức coi cuộc gặp của nhóm G-7 là bất hợp pháp vì chủ đề thảo luận không mang lại giải pháp gì tốt đẹp cho nền kinh tế các nước thành viên và nhân dân lao động mà bao gồm toàn những âm mưu chính trị, xoay quanh các vấn đề quân sự, chiến tranh và bóc lột.
Một trong những mục tiêu của chiến dịch là phản đối thỏa thuận thành lập Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định thương mại dịch vụ (TISA). Những thỏa thuận này chỉ phục vụ cho sự bóc lột của nhà nước, ông Michael Risch nhận xét.
Ví dụ, theo TISA các dịch vụ đô thị, quản trị và cấu trúc phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế, an ninh, dịch vụ xã hội có thể sẽ bị các công ty lớn tư nhân hóa. Người dân sẽ sống trong những quốc gia không đủ khả năng duy trì tồn tại, đất nước bị tước mọi công cụ cần thiết cho các cấu trúc như giáo dục, y tế, an ninh…
Hoạt động cũng chống lại việc cắt giảm ngân sách xã hội để giải quyết vấn đề của các tập đoàn. Người biểu tình ở Đức cũng cho rằng, hội nghị cần có sự tham gia của Nga, Trung Quốc và các nước khác để đảm bảo tính khách quan và công bằng.
Năm nay, hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức tại lâu đài Elmau,nội dung chủ yếu trong chương trình nghị sự là tình hình Ukraine; những nỗ lực giải quyết vấn đề Nhà nước Hồi giáo IS và hiểm họa từ virus Ebola.
Chính khách Đức mong muốn Nga trở lại
Ngày 2-6, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế miền Đông của Cộng hòa Liên bang Đức, ông Eckhard Cordes đã có bài phát biểu trên tờ báo Đức “Welt am Sonntag”, chỉ trích quyết định loại bỏ sự tham gia của Nga trong hội nghị thượng đỉnh các nước G7.
Ông Cordes tuyên bố rằng, việc bác bỏ không tận dụng các cuộc gặp như hội nghị thượng đỉnh G7 để thu xếp đối thoại với Nga là bỏ lỡ cơ hội quý giá đề bình thường hóa quan hệ Nga-EU, thúc đẩy bước chuyển của Nga sang hành động mang tính xây dựng hơn trong cuộc xung đột Ukraine.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, bà Christine Lagarde cũng đã đưa ra những ý kiến tương tự ông Eckhard Cordes khi tuyên bố mong muốn về sự tái hợp của G8 trong khi đang tham dự cuộc họp bộ trưởng tài chính các quốc gia "G7", diễn ra tại Dresden từ ngày 27-29 tháng 5 vừa qua.
Phát biểu trong buổi phát sóng trực tiếp của kênh truyền hình Đức ARD, bà Lagarde cho rằng, hình thức tổ chức G8 cung cấp những kết quả làm việc tốt nhất so với G7, và hy vọng vào sự trở lại của “nhóm 8” nước Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Canada, Đức và Nga như trước đây.
Tiếp theo đó, cựu Thủ tướng Tây Đức trong giai đoạn 1974-1982 Helmut Schmidt cũng bày tỏ sự thất vọng về Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra vào ngày mai, đồng thời hy vọng là các nước phương Tây sẽ không “đổ thêm dầu vào lửa” và mời Nga trở lại.
Ông Schmidt nói rằng ông hiểu vị trí của Tổng thống Nga trong các vấn đề toàn cầu và lưu ý rằng, là người khôi phục nhà nước Nga sau thời gian hỗn loạn dưới thời Boris Yeltsin nên ông Putin coi việc kế thừa và bảo tồn một đế chế là nhiệm vụ chính của mình và ông làm điều này là vì danh dự.
Nhà lãnh đạo đã 96 tuổi này tin rằng Tổng thống Nga Putin sẽ chấp nhận lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh này, nếu nó được “thực hiện một cách tương xứng". Ông cho rằng, rõ ràng là ông Putin “cảm thấy bị xúc phạm bởi các nước phương Tây thực hiện điều đó không đủ nghiêm túc”.
Ông nhân định là cả Nga và Mỹ đều không muốn đối đầu và chiến tranh. Crimea không phải là cái cớ, thậm chí Ukraine cũng không thể là nguyên nhân để chiến tranh nổ ra, bởi ai cũng hiểu những hậu quả thảm của nó. Bởi vậy, tuy khó khăn nhưng trước sau gì Nga và phương Tây cũng sẽ ngồi lại với nhau.
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cũng tuyên bố trên tờ báo Đức Rheinische Post (RP) rằng, quyết định không mời Putin tham dự hội nghị G8 là “một sai lầm” nghiêm trọng của phương Tây. Nga luôn có đối trọng thay thế EU. Nhưng châu Âu lại không có thay thế nào khác.
Vị cựu Thủ tướng Đức, bạn thân của ông Putin nhấn mạnh rằng, về vấn đề khủng hoảng chính trị Ukraine, cả hai bên đều sai sót lớn. Vì vậy, Moscow phải có sự điều chỉnh trong chiến lược quan hệ với phương Tây, nhưng châu Âu cũng cần có Nga trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận liên kết.
Nga không còn mặn mà với G8
Đúng như ông Schroeder đã nhận định, trong một năm bị G7 tẩy chay, Nga cũng tỏ ra không “mặn mà” lắm với khả năng quay trở lại định dạng G8, bất chấp các nguyên thủ quốc gia G7 đã nhiều lần đánh tín hiệu, ra điều kiện cho Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, để quay trở lại G8.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, "Nhóm 8" chỉ đơn giản là một câu lạc bộ, nơi tập hợp lãnh đạo các các nước lớn để thảo luận những vấn đề cùng quan tâm, chứ "không phải là một cấu trúc chính thức, có quyền kết nạp và khai trừ thành viên”.
Thậm chí, ông Putin còn không buồn thảo luận đề tài Nga quay trở lại G8 trong các cuộc hội đàm với bà Angela Merkel hôm 10-5, trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của vị nữ Thủ tướng Đức- Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết.
Hiện tại, Nga tỏ ra hứng thú với việc tham gia các liên kết mới nổi, và đang chứng minh với G7 rằng, có nhiều sân chơi sẵn sàng tiếp đón Nga và Moscow có thể lãnh đạo nhiều khối đồng minh để đối chọi với “những âm mưu chính trị” của khối các nước công nghiệp.
Hiện Nga đang lãnh đạo khối các nước đang phát triển BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), tham gia vào co cấu tài chính mang tính chất toàn cầu là Ngân hàng đầu tư và phát triển châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập hay dẫn đầu Liên minh kinh tế Á - Âu, có sức ảnh hưởng lớn tới các quốc gia châu Á và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Với ảnh hưởng lớn của mình với 2 vùng lãnh thổ ly khai Donbass là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), Nga là chìa khóa chính giải quyết xung đột căng thẳng hiện nay ở Ukraine. Đẩy Nga ra khỏi G8 chính là cắt đứt liên lạc giữa Nga và phương Tây trong việc tìm kiếm hòa bình cho Ukraine.