1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

G20 khai mạc với quyết tâm vượt qua khủng hoảng

(Dân trí) - Lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới vừa bắt đầu cuộc họp hai ngày ở thủ đô Hàn Quốc để xem xét những vấn đề nóng trong nỗ lực cùng vượt qua khủng hoảng, nhưng những bất đồng về tỷ giá hối đoái vẫn tồn tại trước giờ khai mạc.

 
G20 khai mạc với quyết tâm vượt qua khủng hoảng - 1
 Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak chủ trì hội nghị các giám đốc điều hành 120 công ty giàu nhất thế giới, trước giờ khai mạc thượng đỉnh G20.
 
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 đã tuyên bố khai mạc hội nghị và giới thiệu các chủ đề thảo luận chính gồm 4 nội dung: hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái, xây dựng Mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, vấn đề cùng phát triển, cải cách tổ chức tài chính trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Hội nghị lần này có sự tham gia của 20 nước thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và 5 khách mời là Việt Nam, Singapore, Tây Ban Nha, Malawi và Ethiopia.

Lần đầu tiên được tổ chức bên ngoài phạm vi nhóm G7, Hội nghị G20 tại Seoul cam kết xem xét những vấn đề nóng như tái cơ cấu hệ thống tài chính quốc tế, tăng trưởng bền vững và lâu dài và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu.

Hàn Quốc, với tư cách là nước chủ nhà Hội nghị G20, đã thể hiện quyết tâm sẽ đưa ra biện pháp cụ thể để thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định, tự kiềm soát giảm giá trị đồng tiền nội tệ và thúc đẩy cơ chế quản lý cán cân vãng lai.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ bế mạc vào ngày 12/11 với Tuyên bố Seoul. Nếu tính cả đoàn đại biểu và phóng viên đến từ các nước, số người tham gia hội nghị lần này ở Seoul ước tính lên tới 10.000 người.
 
G20 khai mạc với quyết tâm vượt qua khủng hoảng - 2
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp trao đổi với đại diện tập đoàn của Hàn Quốc ngay trước giờ khai mạc G20. Thủ tướng cũng đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc.

Vẫn bất đồng về tỷ giá hối đoái và cán cân vãng lai

Ngay trước giờ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20, Ủy ban trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 cho biết các Thứ trưởng Tài chính và đại biểu tiền trạm của G20 đã họp hôm qua và bàn thảo khuôn khổ cho tăng trưởng cân bằng và bền vững, nhưng không được nhất trí về nội dung dự thảo Tuyên bố chung Seoul bao gồm tỷ giá hối đoái và đường lối chỉ đạo cán cân vãng lai.

Theo Ủy ban trù bị, các nước đã bất đồng ý kiến sâu sắc liên quan đến vấn đề tỷ giá hối đoái và cán cân vãng lai trong khuôn khổ nội dung cải cách cơ cấu, cải thiện quy chế tài chính và các chính sách tài chính.

Cân bằng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu là chủ đề được tất cả quan tâm, với niềm hy vọng một trật tự tài chính thế giới mới sẽ xuất hiện sau hội nghị lần thứ năm, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Tuy nhiên, căn cứ vào các tuyên bố gần đây của các đối tác chủ yếu gồm Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, Brazil, có thể thấy sự khác biệt giữa các bên là rất lớn.

Washington và Trung Quốc đang đứng ở tâm điểm của sự chú ý của Châu Âu và các quốc gia đang lên. Trong không khí căng thẳng của “cuộc chiến giữa các đồng tiền”, hầu hết các nước đều bất bình với việc mới đây Ngân hàng trung ương Mỹ bơm 600 tỷ USD để mua trái phiếu. Việc Mỹ chọn chiến lược hạ giá đồng USD để tạo đà cho nền kinh tế là đối tượng chỉ trích mạnh mẽ của Đức, Trung Quốc, Brazil và nhiều nước khác.

Về vấn đề thặng dư thương mại, thoạt tiên Mỹ muốn đạt được tại hội nghị G20 một đồng thuận về việc giới hạn thặng dư ở con số 4% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ một mục tiêu bằng con số, trong khi đó, Đức không chấp nhận bị chỉ trích, vì cho rằng thặng dư mà nước này đạt được là dựa trên chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Đức, chứ không phải dựa trên một đồng tiền được hạ giá, như trường hợp của Mỹ và Trung Quốc.
 
G20 khai mạc với quyết tâm vượt qua khủng hoảng - 3

Lãnh đạo Mỹ-Trung cũng có cuộc gặp nhân dịp này để trao đổi ý kiến về quan hệ song phương cùng các vấn đề nóng quốc tế.

Mỹ-Hàn thất bại về FTA bổ sung

Cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và người đồng cấp Mỹ Barack Obam hôm nay bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được coi là sự kiện gây chú ý đặc biệt của dư luận do lãnh đạo 2 bên dự kiến sẽ công bố kết quả cuộc đàm phán bổ sung về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Phát biểu với báo chí, Tổng thống Lee cho biết 2 bên đã nhất trí cần có thêm thời gian nữa để các đại diện thương mại giải quyết những nội dung và điều khoản chi tiết. Tuy nhiên, ông dự kiến sẽ không mất nhiều thời gian để hướng tới thỏa thuận chung.

Tổng thống Obama cũng nói 2 nước cần phải thúc đẩy thảo luận bổ sung về FTA Hàn-Mỹ, nhưng điều này phải tạo điều kiện để 2 bên cùng có lợi.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) vừa công bố báo cáo đánh giá về “Chính sách nới lỏng định lượng” của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cảnh báo rằng chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ sẽ ít có hiệu quả để hồi phục nền kinh tế thực mà sẽ để lại hậu quả lớn trên thị trường. FED đã quyết định mua trái phiếu quốc gia với quy mô 600 tỷ USD hôm 4/11 để bơm USD vào thị trường.

BOK phân tích: chính sách nới lỏng định lượng đã có hiệu quả để hạ lãi suất cơ bản một cách lâu dài và tăng chỉ số chứng khoán nhưng có vẻ có tác dụng hạn chế trong việc hồi phục nền kinh tế thực. Hiện USD đang được đổ vào các nước mới nổi và việc này có thể gây ra tình trạng bong bóng thị trường cũng như khiến giá vàng và giá nguyên liệu tăng mạnh.

Việt Hà
Theo Yonhap, AFP