1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

G-20: Hội nghị "đáng quên" của ông Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một hội nghị thượng đỉnh G-20 không thể đáng buồn hơn, đặc biệt khi đây lại là hội nghị cuối cùng ông tham dự với tư cách là nhà lãnh đạo của nước Mỹ.

G-20: Hội nghị "đáng quên" của ông Obama - 1

Cách đón tiếp lạ thường

Ngay khi đặt chân lên đất Trung Quốc, Tổng thống Obama đã phải đối mặt với vụ lùm xùm về cách mà chủ nhà Bắc Kinh đón tiếp ông. Tổng thống Obama đã không được đón chào bằng thảm đỏ giống như các nhà lãnh đạo khác, khi máy bay của ông hạ cánh ở Hàng Châu vào sáng ngày 4/9.

Thay vì bước xuống từ một cầu thang lớn được trải thảm đỏ, ông chủ Nhà Trắng quyền lực nhất thế giới lại phải bước từ cửa sau của chuyên cơ Air Force One xuống sân bay Hàng Châu bằng một cầu thang nhỏ trống không.

Tuy nhiên, cầu thang không được trải thảm đỏ chưa phải là điều duy nhất gây khó chịu đối với ông Obama và phái đoàn của mình trong chuyến đi đến Trung Quốc. Ngay tại sân bay Hàng Châu, ông Obama còn phải chứng kiến một quan chức Trung Quốc chặn đường cố vấn an ninh cấp cao của mình và quát mắng một trợ lý báo chí của Nhà Trắng.

Khi cố vấn an ninh Mỹ – bà Susan Rice, băng qua khu vực dành cho truyền thông và tiến tới đoàn xe hộ tống ở đường băng thì một quan chức Trung Quốc đã tiến tới chặn đường và hét lên giận dữ với bà Rice như thể ông này không biết bà là ai. Hai bên sau đó đã có cuộc đôi co căng thẳng trước khi mật vụ Mỹ can thiệp. Chưa dừng lại ở đó, cũng chính vị quan chức Trung Quốc trên sau đó tiếp tục quát mắng thẳng thừng một trợ lý báo chí của Nhà Trắng.

Truyền thông thế giới đã không bỏ qua cách đón tiếp lạ thường này của chủ nhà Trung Quốc với Nhà lãnh đạo của một cường quốc đang có uy thế nhất thế giới hiện nay. Trong những ngày qua, báo chí đăng tải hàng loạt hình ảnh và những bài viết phân tích, mổ xẻ về cách đón tiếp được cho là không trọng thị này của Trung Quốc đối với Tổng thống Obama. Nhiều bài báo cho rằng, những sự việc xảy ra ở sân bay Hàng Châu phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Một vài bài báo cho rằng, cách tiếp đón “lạ” của Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng và uy thế ngày càng đi xuống của nước Mỹ dưới thời ông Obama.

Tuy nhiên, sau đó, phía Trung Quốc có giải thích việc họ không cung cấp cầu thang lớn trải thảm đỏ khi đón Tổng thống Obama là do phía Mỹ từ chối. Giới chức Mỹ cũng nỗ lực tìm cách làm giảm những ồn ào xung quanh cách Tổng thống Mỹ được đón tiếp ở Hàng Châu. Mặc dù vậy, loạt rắc rối xảy ra trong quá trình đón tiếp ông Obama ở sân bay Hàng Châu được xem như là một điềm báo về một kỳ hội nghị G-20 không mấy tốt lành đối với ông chủ Nhà Trắng.

Cuộc chia tay đáng buồn

Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này là hội nghị G-20 cuối cùng ông Obama tham dự với tư cách là Nhà lãnh đạo của nước Mỹ. Sự kiện này đáng ra phải là cơ hội để ông Obama “ghi thêm điểm lần cuối” vào di sản của mình sau 2 nhiệm kỳ làm tổng thống. Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy, Tổng thống Obama đã có một hội nghị không thể gọi là thành công.

Đầu tiên là việc Triều Tiên bắn liên tiếp 3 quả tên lửa đạn đạo từ bờ biển phía đông về phía biển Nhật Bản khi ông Obama đang có mặt tại hội nghị G-20. Hành động đầy khiêu khích và thách thức của Bình Nhưỡng cho thấy, vấn đề Triều Tiên sẽ khó có thể được giải quyết dưới thời ông Obama.

Tiếp đó là cuộc gặp gỡ kéo dài và căng thẳng giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi hai bên đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Syria và vấn đề tấn công mạng. Sự căng thẳng trong cuộc gặp này được thể hiện qua bức ảnh hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ nhìn nhau “tóe lửa” được đăng tải trên nhiều mặt báo. Tổng thống Obama đã cảnh báo Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Nga vì vấn đề tấn công mạng. Về Syria, hai bên cũng không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào bất chấp rất nhiều nỗ lực trước đó.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, dù không khí của cuộc gặp có nồng ấm hơn nhưng kết quả thực chất vẫn hầu như không có. Mỹ muốn thông qua cuộc gặp để hàn gắn quan hệ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính xảy ra hôm 15/7 ở Ankara liên quan đến việc dẫn độ giáo sĩ Gulen. Tuy nhiên, dù dịu giọng trong vấn đề giáo sĩ Gulen nhưng vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ chấp nhận yêu cầu dẫn độ ông này của phía Ankara sau cuộc gặp.

Chưa hết. Một trong những sự kiện đáng quên nhất với Tổng thống Obama trong hội nghị G-20 là ngay trước thềm cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte, ông đã bị đồng minh xúc phạm bằng những lời lẽ nặng nề. Ông chủ Nhà Trắng đã nổi giận hủy bỏ kế hoạch gặp gỡ. Sự việc “đáng tiếc” theo lời xin lỗi của phía Philippines đưa ra sau đó đã phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Washington với nước đồng minh quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Thậm chí có người còn cho rằng, đây là dấu hiệu chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực đang bắt đầu “gặp khó”.

Theo Kim Yến

Thế giới và Việt Nam