1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

F-16 Ukraine sẽ phải đụng độ với "đối thủ cứng" của không quân Nga

Minh Phượng

(Dân trí) - Tiêm kích MiG-31 kết hợp với tên lửa không đối không tầm xa Vympel R-37M của Không quân Nga sẽ thách thức sự có mặt của chiến đấu cơ F-16 trên bầu trời Ukraine.

F-16 Ukraine sẽ phải đụng độ với đối thủ cứng của không quân Nga - 1

Tiêm kích MiG-31 (Ảnh: Eurasian Times).

Chiến đấu cơ MiG-31: Lợi thế của Không quân Nga

Không quân Nga có thể đã chưa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc không chiến ở Ukraine, nhưng họ vẫn duy trì áp lực rất đáng kể, dù Kiev được khối NATO hậu thuẫn và hỗ trợ tích cực.

Tuy nhiên, Nga có ít nhất một lợi thế lớn trên không, đó là màn "song kiếm hợp bích" giữa máy bay đánh chặn MiG-31 và tên lửa tầm xa R-37M.

Kể từ tháng 10/2022, máy bay MiG-31 được trang bị tên lửa không đối không R-37M, đã trở thành mối đe dọa chính đối với máy bay chiến đấu của Ukraine. MiG-31 được cho là thủ phạm đã bắn hạ một số máy bay Ukraine, chủ yếu bằng loại tên lửa tầm siêu xa này.

Vào tháng 8/2023, MiG-31 của Nga được trang bị tên lửa R-37 đã khiến chiếc máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon của Na Uy lo lắng, buộc nó phải quay đầu lại.

Vào tháng 12/2023, một máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine đã bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không tầm xa R-37M được phóng đi từ một chiếc MiG-31.

Các phi công Ukraine đang hy vọng rằng, những chiếc máy bay chiến đấu F-16 sắp được phương Tây cung cấp, nếu trang bị tên lửa không đối không tầm xa AIM-120, sẽ có khả năng khống chế được MiG-31.

MiG-31 trở thành chiến đấu cơ đa nhiệm

MiG-31 (được NATO định danh Foxhound) được Liên Xô phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng tới nay vẫn là một máy bay tiêm kích đánh chặn, rất mạnh về khả năng không chiến nhờ được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số hiện đại, ghế sau do một sĩ quan điều khiển vũ khí chuyên dụng đảm nhận, kèm theo đó là một số loại tên lửa tối tân.

Thân máy có tính khí động học cao, cho phép nó bay với tốc độ siêu âm ngay cả ở độ cao thấp. Động cơ phản lực cánh quạt có tỷ số vòng tua thấp hiệu quả, giúp nó có phạm vi chiến đấu tốt hơn nên luôn được phương Tây đánh giá cao.

MiG-31 không phải để dùng cho các trận không chiến tầm gần do khả năng cơ động kém, tuy nhiên nó là một chiến đấu cơ tuyệt vời, với khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc, quan sát phía dưới, khóa và bắn hạ.

Radar Zaslon của MiG-31 là radar mảng pha quét điện tử đầu tiên trên thế giới, có khả năng phát hiện mục tiêu xa tới 200km.

Đã có 519 chiếc MiG-31 được Liên Xô sản xuất và loại chiến đấu cơ này chưa bao giờ được xuất khẩu. Syria được cho là đã đặt mua 8 chiếc MiG-31E vào năm 2007, nhưng đơn đặt hàng không được thực hiện vì nhiều lý do.

Biến thể MiG-31BM được Nga nâng cấp từ MiG-31, đã biến thành phiên bản máy bay chiến đấu đa nhiệm nhờ những nâng cấp tập trung kiểm soát chiến đấu theo mạng, radar mảng pha mới và tiếp nhiên liệu trên không.

Với khung máy bay được gia cố, tuổi thọ của MiG-31BM đã được kéo dài từ 2.500 lên 3.500 giờ bay. Người Nga cho rằng, sau nâng cấp, nó hiệu quả hơn 2,6 lần so với MiG-31 nguyên bản.

Radar Zaslon-M nâng cấp có ăng-ten đường kính 1,4m và phạm vi phát hiện mục tiêu trên không đã tăng lên 400km đối với máy bay cảnh báo sớm (AEW&C) của đối phương.

Tổ hợp radar mới của MiG-31BM có thể theo dõi cùng lúc 24 mục tiêu trên không, 6 mục tiêu trong số đó có thể bị tên lửa R-33S tấn công đồng thời. Radar Zaslon-M được cho là hoạt động tốt ngay cả khi trong điều kiện bị đối phương gây nhiễu nặng.

Như vậy, MiG-31BM đã biến thành một máy bay đa dụng, có thể sử dụng tên lửa chống radar, chống hạm và không đối đất.

MiG-31 có 4 giá treo dưới thân máy bay và 4 giá treo dưới cánh, có khả năng mang tới 9.000kg vũ khí hàng không.

Loại vũ khí không đối không đáng sợ nhất của MiG-31 chính là tên lửa R-37, với tốc độ Mach 6 và tầm bắn hiệu quả lên tới 400km. Ngoài ra, MiG-31BM còn được trang bị tên lửa không đối không tầm xa R-33 và tên lửa không đối không tầm ngắn R-73.

MiG-31 đóng vai trò là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, nên được trang bị các liên kết dữ liệu an toàn kỹ thuật số và thông tin về mục tiêu có thể được chuyển sang các chiến đấu cơ khác như Su-30 và MiG-29.

F-16 Ukraine sẽ phải đụng độ với đối thủ cứng của không quân Nga - 2

Các máy bay tiêm kích Su-34, Su-30SM và MiG-31 tại một căn cứ không quân Nga (Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Nga).

Ngoài ra, những thông tin mục tiêu từ hệ thống radar mặt đất có thể được MiG-31 tiếp nhận và chuyển sang các máy bay khác, do đó cho phép các cuộc tấn công im lặng mà không cần bật radar. Phi công có thể lựa chọn diệt mục tiêu dựa trên thông tin đầu vào từ các máy bay khác, thông qua liên kết dữ liệu.

Một đội hình gồm 4 chiếc MiG-31 bằng cách sử dụng các liên kết dữ liệu, có thể thực hiện tuần tra trên một mặt trận dài 900km. Sự kết hợp giữa radar và vũ khí của máy bay có thể đánh chặn tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và các vật thể bay khác.

Ngoài ra nó còn đóng vai trò hộ tống phòng không cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Tên lửa R-37M nguy hiểm thế nào?

Tên lửa không đối không Vympel R-37M Axehead của Nga (phiên bản xuất khẩu ký hiệu RVV-BD) - có tốc độ siêu thanh và tầm bắn siêu xa - được thiết kế để bắn hạ máy bay tiếp dầu trên không, máy bay cảnh báo sớm (AWACS) và các máy bay tác chiến, chỉ huy trên không (C4ISTAR) khác.

Tên lửa R-37 do Liên Xô nghiên cứu sản xuất vào những năm 1980. Biến thể mới nhất là R-37M được Nga phát triển, có trọng lượng nặng 500kg (đầu đạn 60kg), được đưa vào sử dụng vào năm 2019, có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly từ 150 đến 400km, khiến nó trở thành tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất trên thế giới.

Một thông tin của Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết, vào tháng 10/2022, khoảng sáu quả tên lửa R-37M đã được phóng vào Lực lượng Không quân Ukraine mỗi ngày.

Tên lửa R-37M có thể không tiêu diệt được nhiều mục tiêu, nhưng thực tế là chúng đang buộc các phi công Ukraine phải thực hiện động tác né tránh và quay trở lại sân bay, mà không hoàn thành nhiệm vụ.

Một chiếc MiG-31 có thể phóng tên lửa R-37M ở cự ly khoảng 180km, do đó những máy bay này khi thực hiện nhiệm vụ, không cần xâm nhập vào vùng trời đối phương mà vẫn có thể đe dọa được chiến đấu cơ của Ukraine.

Để ngăn chặn tên lửa R-37M bắn trúng, các phi công Ukraine đã phát triển một động tác né tránh được gọi là "bay chéo". Tuy nhiên, họ không thể dễ dàng đánh trả những chiếc MiG-31 đã phóng tên lửa.

Hiện tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí Ukraine vẫn là tên lửa R-27ER từ thời Liên Xô, với tầm bắn tối đa 100km trong điều kiện lý tưởng.

Vì lo ngại sự kết hợp giữa MiG-31 và R-37M, Ukraine đã phải tìm cách tiêu diệt MiG-31 khi chúng vẫn còn trên mặt đất thông qua một cuộc tấn công bằng UAV vào căn cứ không quân Belbek tại bán đảo Crimea vào tháng 8/2022, khi có 4 chiếc MiG-31 được triển khai tới đây.

F-16 Ukraine sẽ phải đụng độ với đối thủ cứng của không quân Nga - 3

Tên lửa R-37M (Ảnh: Air Recognition).

F-16 Ukraine không phải đối thủ của MiG-31

Hà Lan và các nước NATO khác đang trong quá trình tài trợ vài chục máy bay chiến đấu F-16 đời đầu, đã bị loại khỏi biên chế, cho Ukraine. Những máy bay chiến đấu F-16 Block 20 MLU này, thực tế không có gì nổi trội hơn tính năng MiG-29 của Ukraine.

 Nếu để có thể đánh chặn được những chiếc MiG-31, thì F-16 cần phải nâng cấp với radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống điện tử hàng không hiện đại và tên lửa không đối không tầm xa AIM-120C với tầm bắn 180km.

Những chiếc F-16 được trang bị tên lửa không đối không AIM-120A (loại tên lửa đời đầu, phù hợp với chiến đấu cơ mà phương Tây định viện trợ cho Ukraine), sẽ vẫn gặp bất lợi về tầm bắn so với MiG-31 trang bị tên lửa R-37M.

F-16 của Ukraine sẽ không dám bay sát tiền tuyến, để đẩy MiG-31 lùi sâu hơn vào lãnh thổ Nga, do vậy chúng sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ là ngăn chặn những chiếc tiêm kích bom Su-34 của Nga thả bom lượn trên khu vực chiến tuyến.

Do vậy, theo Nguyên soái Không quân Ấn Độ, tướng Anil Chopra cho rằng, F-16 mà phương Tây viện trợ tới đây, không thể giúp Ukraine lấy lại thế trận trên không.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm