1. Dòng sự kiện:
  2. Ông Trump bị ám sát hụt
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

F-16 được chuyển giao, Ukraine có "viên đạn bạc" xoay chiều chiến sự?

Thành Đạt

(Dân trí) - Máy bay chiến đấu F-16 có thể giúp bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga, nhưng không phải là giải pháp khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của nước này.

F-16 được chuyển giao, Ukraine có viên đạn bạc xoay chiều chiến sự? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngồi trên máy bay chiến đấu F-16 tại căn cứ không quân Skrydstrup ở Vojens, Đan Mạch năm 2023 (Ảnh: Reuters).

Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch hôm 10/7 thông báo quá trình chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine đã bắt đầu, đồng thời cho biết Kiev "sẽ đưa F-16 vào hoạt động trong mùa hè này".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần hối thúc phương Tây cung cấp các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất nhằm giúp đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Do vậy, việc F-16 được đưa tới Ukraine có thể coi là chiến thắng dành cho nỗ lực của Tổng thống Zelensky.

"Đây là nỗ lực mang tính biểu tượng, vô cùng quan trọng… Đây thực sự là yếu tố cuối cùng mà ông Zelensky coi là quan trọng đối với quốc phòng Ukraine", Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

Ông Cancian lưu ý rằng, trước F-16, Mỹ từng ngần ngại cung cấp một loạt hệ thống vũ khí gồm hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, khẩu đội phòng không Patriot, xe tăng Abrams, tên lửa ATACMS cho Ukraine, nhưng cuối cùng vẫn đồng ý chuyển giao cho Kiev.

"Tôi nghĩ vũ khí này sẽ giúp ích cho hệ thống phòng không… nhưng nó sẽ không phải là viên đạn bạc", chuyên gia Cancian nhận định về F-16, đồng thời cho biết Ukraine "sẽ không có đủ" số lượng F-16.

Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với AFP hồi tháng 5 rằng Ukraine cần tới 130 chiếc F-16 để đảm bảo sự cân bằng trên không với Nga, nhưng các nước phương Tây cho đến nay chỉ cam kết chưa đầy 100 chiếc và không phải tất cả đều sẽ đến cùng một lúc.

Nga đã khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine để thực hiện các cuộc tập kích nhằm vào cơ sở hạ tầng, cũng như gây sức ép với quân đội Kiev ở tiền tuyến.

Hồi đầu tuần, Ukraine cáo buộc Nga tiến hành cuộc tấn công bằng hàng chục tên lửa vào các thành phố trên khắp Ukraine, khiến hơn 40 người thiệt mạng và làm hư hại một bệnh viện nhi ở Kiev.

Việc thiếu ưu thế trên không cũng cản trở các hoạt động của Ukraine. Kiev chỉ ra rằng đây là yếu tố chính hạn chế khả năng tiến quân của lực lượng Ukraine sau cuộc phản công không thành công vào năm 2023.

Chuyên gia Cancian dự đoán, phòng không có thể sẽ là mục đích sử dụng chính của máy bay F-16 tại Ukraine, bên cạnh việc hỗ trợ quân đội ở tiền tuyến và tiến hành một số "cuộc tấn công sâu" vào lãnh thổ Nga.

Michael Bohnert, chuyên gia mua bán hàng không và hàng hải của Tập đoàn RAND, cho biết việc chuyển giao F-16 "thể hiện cam kết lâu dài" với Ukraine.

"Hậu cần và hỗ trợ cho những máy bay này, bao gồm việc huấn luyện… là một quá trình lâu dài và là một cách để thể hiện cam kết lâu dài", ông Bohnert nhận định.

Chuyên gia Bohnert nói rằng, F-16 sẽ có thể giúp "bám đuổi tên lửa hành trình giống như tên lửa được sử dụng trong các cuộc tấn công vào Kiev" và cũng để bảo vệ các khu vực không có hệ thống trên mặt đất.

Chuyên gia cho biết, các máy bay mới của Ukraine cũng có thể buộc Nga phải chuyển hướng lực lượng sang việc đối phó với F-16 trên không và tìm cách phá hủy chúng trên mặt đất.

Nga nhiều lần cảnh báo sẽ phá hủy các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp cho Ukraine, thậm chí cả những chiếc đồn trú bên ngoài biên giới Ukraine và dùng để tấn công Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẽ coi việc các thành viên NATO cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là một tín hiệu hành động trong lĩnh vực hạt nhân của liên minh quân sự này. Ông nhấn mạnh, việc cung cấp máy bay chiến đấu này sẽ không thể làm thay đổi tình hình chiến trường Ukraine dưới bất cứ hình thức nào.

Theo AFP