1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine bắt đầu tiến gần tới giấc mơ EU

Đức Hoàng

(Dân trí) - EU sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova dù giới quan sát cho rằng, Kiev sẽ mất nhiều thời gian để có thể gia nhập chính thức vào liên minh.

Ukraine bắt đầu tiến gần tới giấc mơ EU - 1

Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của Kiev để thảo luận về quá trình gia nhập EU (Ảnh: Reuters).

Liên minh châu Âu sẽ mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine vào chiều 25/6 (giờ địa phương), động thái mang lại cho Ukraine một động lực chính trị mới, mặc dù con đường gia nhập khối của Kiev vẫn còn dài và nhiều khó khăn phía trước.

Buổi lễ ở Luxembourg dự kiến sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn là các cuộc đàm phán thực chất, theo Reuters. Quá trình đàm phán sẽ chỉ bắt đầu một cách nghiêm túc sau khi EU xem xét luật pháp của Ukraine để khuyến nghị tất cả các cải cách cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của khối.

Ngoài Ukraine, EU cũng bắt đầu đàm phán kết nạp Moldova, một quốc gia Liên Xô cũ khác. Động thái của EU phát đi tín hiệu rằng 2 nước đang trên đường hướng tới hội nhập sâu hơn với khối phương Tây.

Moldova nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 3/2022, trong khi Ukraine nộp đơn vào tháng 2 cùng năm. Cả hai nước đều được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6/2022.

Ukraine trong nhiều năm qua đã bày tỏ mong muốn được kết nạp vào EU và NATO, thậm chí đưa mục tiêu này vào hiến pháp.

Ihor Zhovkva, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết diễn biến này sẽ nâng cao tinh thần của người dân Ukraine.

"Điều đó rất quan trọng. Con đường trở thành thành viên chính thức của EU mà Ukraine xứng đáng là không thể đảo ngược", ông tuyên bố.

Phó Thủ tướng Olga Stefanishyna sẽ dẫn đầu phái đoàn Ukraine tại Hội nghị gia nhập. Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib sẽ phát biểu thay mặt EU khi Bỉ giữ chức chủ tịch luân phiên chính của khối.

Hành trình trở thành thành viên EU rất khó khăn đối với các quốc gia ứng cử viên, vì họ phải cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về nhiều vấn đề, từ chống tham nhũng thông qua quản lý nông nghiệp đến hài hòa các quy định hải quan.

Cuộc chiến Nga - Ukraine tạo thêm nhiều thách thức to lớn cho cả Kiev và Brussels, đặt ra những câu hỏi mà cả hai đều không muốn trả lời vào lúc này, ví dụ như Ukraine liệu có thể gia nhập hay không khi Nga vẫn đang kiểm soát một phần lãnh thổ.

Cả Ukraine và Moldova sẽ phải vượt qua không chỉ những trở ngại về kỹ thuật và pháp lý để trở thành thành viên mà còn cả những rào cản chính trị.

Các quốc gia ứng cử viên cần có sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên EU để mở và kết thúc từng bước đàm phán. Điều này giúp một số nước thành viên EU có khả năng chặn cuộc đàm phán. Ví dụ, trước đó, Hungary đã trì hoãn quá trình này với lý do lo ngại về cách đối xử của Ukraine với người gốc Hungary ở quốc gia này.

Các nhà phân tích cho biết, việc EU kết nạp thêm Ukraine và Moldova và các quốc gia khác ở Tây Balkan và Gruzia sẽ yêu cầu việc phải xem xét triệt để các quy định của liên minh về mọi hạng mục, từ trợ cấp phát triển kinh tế và nông nghiệp cho đến quá trình ra quyết định. 

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm