1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU muốn hạn chế bán vũ khí cho Mỹ và Ả rập Xê út

(Dân trí) - Một cơ quan lập pháp cao cấp của EU đã kêu gọi các nước thành viên giảm bớt xuất khẩu vũ khí tới một số nước như Mỹ và Ả rập Xê út vì quan ngại rằng số vũ khí này có thể vô tình rơi vào tay các nhóm khủng bố và trở thành hiểm họa cho dân thường.

Vũ khí do Phương Tây sản xuất mà quân đội Syria đã thu giữ ở Daraa hồi tháng 7 từ tay các lực lượng đối lập (Ảnh: AFP)
Vũ khí do Phương Tây sản xuất mà quân đội Syria đã thu giữ ở Daraa hồi tháng 7 từ tay các lực lượng đối lập (Ảnh: AFP)

Newsweek đưa tin, Nghị viện châu Âu ngày 14/11 đã phát đi thông báo, trong đó kêu gọi các nước EU siết chặt hoạt động xuất khẩu vũ khí nhằm tránh các khí tài có thể rơi vào tay lực lượng khủng bố, hoặc bị lạm dụng và gây ảnh hưởng tới dân thường.

Nghị viện châu Âu đã cảnh báo các nước thành viên không tuân thủ theo quy tắc của EU khi bán vũ khí ra nước ngoài và kêu gọi một cơ chế nhằm trừng phạt các quốc gia phá luật. Văn bản của Nghị viên châu Âu đã dẫn ra một số ví dụ và đưa ra biện pháp cụ thể cho các nước thành viên nhằm kiểm soát và giảm xuất khẩu vũ khí tới Mỹ và Ả rập Xê út, với quan ngại rằng những khí tài này có thể vô tình bị lọt vào tay những tổ chức như nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Theo văn bản trên, các nghị sĩ châu Âu đã bàng hoàng khi biết số vũ khí và đạn dược xuất xứ từ các nước EU đã rơi vào tay IS ở Syria và Iraq. Các nhà lập pháp đã nhấn mạnh rằng EU có quy tắc nhằm ngăn chặn việc vũ khí được bán cho các khách hàng hợp lệ bị rơi vào tay những tổ chức cấm.

Vì vậy, các nghị sĩ đã khuyến cáo các nước thành viên nên tuân thủ quy tắc và xem xét kĩ các mối đe dọa nhằm từ chối các thương vụ mà có thể gián tiếp khiến vũ khí lọt vào tay IS.

Từ năm 2011, Mỹ và Ả rập Xê út đã thể hiện quan điểm ủng hộ lực lượng đối lập nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong bối cảnh lực lượng khủng bố bắt đầu phát triển về số lượng và quy mô ở Trung Đông. Tới năm 2014, IS đã lan rộng và chiếm khoảng 50% lãnh thổ của Syria và Iraq. Vào cùng năm, Mỹ thành lập một liên minh chống khủng bố với các đồng minh trong đó có lực lượng chính phủ Iraq và lực lượng đối lập ở Syria.

Trong báo cáo hồi năm ngoái, tổ chức nghiên cứu Conflict Armament (Anh) đã đưa ra một báo cáo, trong đó cáo buộc Mỹ và Ả rập Xê út mua một lượng lớn vũ khí và đạn dược từ châu Âu, sau đó âm thầm chuyển giao số lượng vũ khí này cho các nhóm “phi quốc gia” mà họ chống lưng ở Syria mà không thông báo với bên cung cấp. Conflict Armament cho rằng Mỹ và Ả rập Xê út dường như đã cố tình vi phạm quy tắc của EU.

Báo cáo cũng nhấn mạnh động thái này đôi khi đã vô tình tạo cho IS cơ hội chiếm đoạt số lượng lớn vũ khí dùng để chống lại chính lực lượng chống khủng bố hoặc dân thường.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu cũng quan ngại rằng việc các nước thành viên bán vũ khí cho Ả rập Xê út có thể châm ngòi sâu sắc hơn cho cuộc chiến ở Yemen làm nhiều dân thường thiệt mạng.

Đức Hoàng

Theo Newsweek