EU lo ngại "gậy ông đập lưng ông"
Các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và đồng minh Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga do lo sợ việc này sẽ tác động ngược trở lại, ảnh hưởng tới lợi ích của chính mình.
Thật bất ngờ khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) vốn phản đối mạnh mẽ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014 cũng như hậu thuẫn cho lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine lại xảy ra bất đồng với nhau về cách thức đáp trả trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Đến mức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã phải lên tiếng kêu gọi EC nhanh chóng thảo luận về phản ứng của EU đối với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga mà Mỹ có thể sẽ thông qua.
Không chỉ vậy, EU còn định phản ứng lại Mỹ trong trường hợp người đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine. Brussels yêu cầu Washington cần có sự bảo đảm, bằng lời nói hoặc văn bản, rằng lệnh trừng phạt mới đối với Nga sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi của châu Âu.
Phản ứng bất ngờ của EU đối việc gia tăng trừng phạt nhằm gây áp lực với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine xuất phát từ chính lợi ích sát sườn của liên minh này. Dù cũng đang tham gia trừng phạt đối với Nga, song nhiều quốc gia châu Âu lại đang phải tìm cách bảo vệ nguồn cung cấp khí đốt mà họ đang phụ thuộc vào Nga.
Chưa rõ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dưới sức ép rất lớn của Quốc hội Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nào mới đối với Nga, nhưng giới phân tích cho rằng đòn trừng phạt này sẽ làm ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp EU có liên quan tới dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Đây là dự án trị giá tới 9,5 tỷ USD nhằm đưa khí đốt của Nga đi qua khu vực Baltic với sự tham gia làm ăn của các “ông lớn” dầu khí Wintershall và công ty kinh doanh dầu Uniper của Đức, Royal Dutch Shell của Hà Lan, OMV của Áo và Engie của Pháp.
Ngoài ra, EC cũng lo lệnh trừng phạt mới ảnh hưởng đến nhiều công ty châu Âu đang làm ăn hợp pháp với đối tác Nga trong các lĩnh vực như đường sắt, tài chính, vận tải đường thủy hoặc khai thác mỏ… Chính vì thế, ông Markus Beyrer, Giám đốc “Business Europe” - tổ chức vận động hàng lang thương mại chính của EU, đã kêu gọi Washington ngăn chặn các hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực chủ yếu đối với EU cũng như người dân và các doanh nghiệp của khối này.
EU và Mỹ đã cùng tỏ ra rất cứng rắn khi lập tức áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga để trả đũa việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ tháng 3-2014 cũng như sự ủng hộ lực lượng ly khai tại Đông Ukraine. Thế nhưng, với vị thế của một cường quốc và đối tác kinh tế lớn của EU, Nga cũng có những “quân bài” kinh tế để đáp trả như đã cấm nhập khẩu một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm từ những nước áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và đặc biệt là thứ “vũ khí” khiến châu Âu “run sợ” là khí đốt.
Mỹ siết chặt thêm trừng phạt Nga không chỉ là “chuyện nội bộ” của hai cường quốc này mà có thể trở thành “chiếc gậy” đập vào “lưng” người thứ ba là các thành viên EU, bởi thế liên minh này không thể ngồi yên khi thấy lợi ích sát sườn của mình bị đe dọa.
Theo Hoàng Hà
An ninh thủ đô