1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU đạt được thoả thuận “rất quan trọng”, thế giới hoan nghênh

(Dân trí) - Sau một đêm thức trắng tại cuộc họp thượng đỉnh Brussels, cuối cùng, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro đã đạt được một thỏa thuận ba điểm rất quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro.

 
EU đạt được thoả thuận “rất quan trọng”, thế giới hoan nghênh - 1
Tổng thống Pháp: Kết quả này sẽ làm an lòng thế giới

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) loan báo thành quả trên sáng hôm qua (giờ Brussels).

Các bên tham gia cuộc gặp thượng đỉnh đã đạt được thỏa thuận về các nội dung chính: tái cơ cấu nợ công Hy lạp, gia tăng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (FESF), và tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Thứ nhất, các ngân hàng đồng ý chịu mất 50% số nợ của Hy Lạp. Đây là điểm mấu chốt của kế hoạch chống khủng hoảng mà phải đến phút chót, các lãnh đạo châu Âu mới giải tỏa được.

Theo thỏa thuận đạt được, các ngân hàng chấp nhận xóa 50% nợ Hy Lạp mà họ đang nắm, tức là khoảng 100 tỷ euro trên tổng số nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp. Từ nay đến cuối năm 2014, Hy Lạp cũng sẽ được châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay thêm 100 tỷ euro, trong khuôn khổ một chương trình sẽ thay thế cho kế hoạch 109 tỷ euro được quyết định trong tháng 7 vừa qua.

Thứ hai, các nước khu vực euro đã quyết định tăng cường khả năng của Quỹ cứu trợ tài chính để giúp các nước đang gặp khó khăn, trước mắt nâng số vốn của quỹ nảy lên 1.000 tỷ euro.

Hiện giờ, về mặt lý thuyết, Quỹ cứu trợ tài chính có khoảng 440 tỷ euro, một số tiền được cho là không đủ so với tầm mức của khủng hoảng.

Điểm cuối cùng của kế hoạch chống khủng hoảng, vùng đồng euro trông chờ Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục mua nợ công của Italia và Tây Ban Nha trên các thị trường, để tránh lãi suất trái phiếu tăng vọt, làm trầm trọng hơn gánh nặng nợ của các nước này.

“Gói cứu trợ mà chúng tôi đã đồng ý tối nay, một thỏa thuận toàn diện, chứng tỏ rằng Châu Âu sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ ổn định tài chính của khu vực”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso nói.

“Tôi đã nói trước đó và bây giờ tôi nói lại một lần nữa, đây là một cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút,” ông nói.

Thế giới phản ứng tích cực

“Kết quả này sẽ làm an lòng thế giới vốn đang chờ đợi một quyết định mạnh mẽ từ khu vực đồng euro,” Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels sau khi đạt được thỏa thuận.

“Sự phức tạp của vấn đề và sự cần thiết để các bên đều đồng ý có nghĩa là chúng tôi đã phải đàm phán trong nhiều giờ liền,” ông nói.

Bình luận về kết quả Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, kết quả đáp ứng mọi nguyện vọng.

Tổng Thống Pháp Nicholas Sarkozy và Thủ Tướng Đức Angela Merkel, đại diện cho hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã cam kết sẽ đề ra một giải pháp toàn diện trước cuộc họp G-20 vào tuần tới, tổ chức tại Cannes, thành phố du lịch của nước Pháp.

Trợ lý Tổng thống Nga Arkady Dvorkovich tuyên bố, quyết định đã được thông qua, đó là một quyết định cần thiết tối thiểu và chắc là các thị trường sẽ có phản ứng thích ứng.

Trung Quốc hoan nghênh kết quả cuộc họp thượng đỉnh của EU và cho biết sẵn sàng hợp tác với EU để khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu.

Trung Quốc có hơn 3.000 tỷ USD về trữ lượng ngoại hối. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng tuyên bố nước ông sẵn sàng giúp châu Âu ứng phó với vụ khủng hoảng nợ nần hiện tại, nhưng ông kêu gọi châu Âu thừa nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Các nhận định của ông được đưa ra tại một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua.

Trong khi đs, loan báo về thỏa thuận đã giúp vực dậy đồng euro khi các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của khu vực cũng như của đồng tiền chung châu Âu. Các quan ngại về tình hình tài chính của khu vực và mối đe dọa đồng tiền chung châu Âu sẽ sụp đổ đã làm ngưng trệ thị trường trong nhiều tháng.

Các chỉ số chứng khoán chính ở Đức và Pháp đã tăng khoảng 5%. Đồng euro đã đạt mức cao nhất trong vòng bảy tuần so với đồng USD.

Các thị trường chứng khoán châu Á cũng tăng từ 2% đến 3%. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,5%.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của nhiều công ty châu Á, và một số quốc gia như Trung Quốc đang nắm giữ một lượng lớn tài sản bằng đồng euro.

Nhưng giới chuyên viên nhấn mạnh rằng, vấn đề chính hiện hay là liệu kế hoạch trong thoả thuận quan trọng của EU ở Brussels có trở thành hiện thực hay không.

Thỏa thuận đạt được giữa lúc có nhiều lời đả kích gay gắt cho rằng giới lãnh đạo EU hành động quá chậm chạp và rụt rè để có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng giờ đang đe dọa sẽ lan rộng sang các nền kinh tế lớn hơn của châu ÂU như Italia và Tây Ban Nha.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm