1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ecuador và Tổng thống Rafael Correa

(Dân trí) - Ông Rafael Correa lên làm Tổng thống Ecuador từ tháng 1/2007 trong bối cảnh 3 người tiền nhiệm đều phải ra đi giữa những cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

 

Ecuador và Tổng thống Rafael Correa - 1

Tổng thống Rafael Correa

 

Và rồi bạo loạn lại nổ ra ở Ecuador vào ngày 30/9, khi một số binh sỹ chiếm sân bay chính của đất nước và cảnh sát tiến hành các cuộc biểu tình trên đường phố để phản đối kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Trong khi đó, Tổng thống Rafael Correa đang xem xét có nên giải tán Quốc hội vốn đã rơi vào thế bế tắc của nước này hay không.

 

Tháng 4/2009, ông Rafael Correa đã làm nên lịch sử, khi tái đắc cử Tổng thống, trở thành tổng thống đầu tiên trong vòng 30 năm của nước này không phải trải qua vòng bầu cử lần hai.

 

 

Ông Correa sinh năm 1963, tại thành phố Guayaquil. Ông học kinh tế ở Đại học Công giáo của thành phố rồi sau đó có 2 bằng tiến sỹ, một ở Mỹ và một ở Bỉ, vào năm 2001.

Ông có ba con, nói tiếng Anh, tiếng Pháp thành thạo và có thể nói thổ ngữ Quechua – ngôn ngữ ông học được khi đi làm tình nguyện.

Nhưng sau khi bị tấn công bằng đạn hơi cay trong cuộc biểu tình ở thủ đô Quito, mà ông gọi là một phần của “âm mưu đảo chính” của nhóm đối lập và lực lượng an ninh, Tổng thống Correa giờ phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong suốt quá trình nắm quyền của mình từ trước tới nay.

 

Ông Correa, 47 tuổi, lên nắm quyền phần lớn cũng nhờ vào nguồn gốc xuất thân từ gia đình không có truyền thống chính trị. Khi lên làm tổng thống, ông đã nỗ lực thay đổi cấu trục chính trị ở Ecuador và khuyến khích chi tiêu cho xã hội. Ông cũng từ chối các khoản vay của nước ngoài và xung đột với Washington về nhiều vấn đề.

 

Nhà cải cách xã hội

 

Ông Correa được xem là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên ở Ecuador, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đem đến hàng loạt vấn đề và thách thức cho đất nước này.

 

Thành viên của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC phụ thuộc chủ yếu vào nguồn xuất khẩu dầu lửa và tiền gửi về của hàng trăm ngàn người Ecuador làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là Tây Ban Nha và Mỹ, mặc dù Ecuador là nhà xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới, giàu nguồn tài nguyên đồng và vàng.

 

Ông Correa đã có thời gian ngắn làm bộ trưởng tài chính vào năm 2005. Nhưng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2006, ông đứng ra với tư cách là một gương mặt mới trên chính trường Ecuador.

  

Ông cam kết cải cách hiến pháp, và cam kết đã được hiện thực hóa  vào tháng 9/2008, khi khoảng 65% người Ecuador biểu quyết trong một cuộc trưng cầu dân ý, phê chuẩn hiến pháp mới, hiến pháp với một số thay đổi lớn.

 

Nhà kinh tế học từng được đào tạo tại Mỹ này đã chi hàng tỷ đô la cho các dự án xã hội.

 

Tháng 12/2008 ông cũng tuyên bố rằng Ecuador chính thức không trả hàng tỷ đô la Mỹ nợ nước ngoài mà ông coi là “không hợp pháp”. Động thái được người dân Ecuador hoan nghênh, nhưng bị các nhà đầu tư chỉ trích.

 

Tổng thống Correa cũng đang thúc đẩy thực hiện các hợp đồng mới với các công ty dầu lửa nước ngoài hoạt động ở Ecuador.

 

Hiến pháp mới của Ecuador

 

Thắt chặt kiểm soát những ngành quan trọng, giảm sự độc quyền

Tuyên bố một số khoản nợ nước ngoài là “không hợp pháp”

Cho phép đất nông nghiệp nhàn rỗi được sung công để tái phân phối

Cho phép Tổng thống tại nhiệm 2 nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp

Cung cấp dịch vụ y tế miễn phí với người già

Cho phép kết hôn đồng tính

Vào tháng 7, một đạo luật mới đi vào hiệu lực, theo đó nhà nước Ecuador sẽ sở hữu 100% lượng dầu lửa và khí đốt được sản xuất và 25% lợi nhuận đầu tiên từ việc bán dầu sẽ thuộc về nhà nước.

 

Ngoài ra, ông Correa còn đưa ra nhiều quyết định lớn khác, trong đó có việc từ chối gia hạn thêm hợp đồng cho lực lượng Mỹ thuê các căn cứ không quân ở nước này để thực hiện các sứ mệnh chống ma túy.

 

Hồi tháng 2/2009, Ecuador đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Mỹ, cáo buộc họ can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước – cáo buộc mà phía Mỹ phủ nhận.

 

Một “cuộc thử lửa” khác trong nhiệm kỳ tổng thống của ông xảy ra vào năm 2008, khi quân đội Colombia tiến hành một cuộc đột kích không được phép vào căn cứ của nhóm phiến quân Farc bên trong lãnh thổ Ecuador. Ông Correa khi đó đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bogota.

 

Đối thủ của Tổng thống Correa cáo buộc ông tìm kiếm thay đổi các thể chế dân chủ ở Ecuador, tập trung quá nhiều quyền lực cho bản thân ông, khi hiến pháp mới cho phép Tổng thống có thể tại vị 2 nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm.

 
Giới phân tích cho rằng ông Correa có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, nhờ sự ủng hộ của công chúng và sự thiếu đoàn kết của phe đối lập. Đặc biệt hơn, ban lãnh đạo cấp cao trong lực lượng cảnh sát không ủng hộ các cuộc biểu tình của cấp dưới.

Tuy nhiên, ông vẫn phải đối mặt với vấn đề chưa thể giải quyết ở Quốc hội. Một nửa trong số 124 thành viên trong cơ quan này ủng hộ ông, nhưng một số trong đảng Liên minh đất nước cánh tả của chính ông lại đang ngăn chặn các dự luật ngân sách mà ông đưa ra nhằm cắt giảm chi tiêu nhà nước.

Hiến pháp mới được 2 năm tuổi của Ecuador cho phép Tổng thống giải tán quốc hội, điều hành bằng sắc lệnh cho đến khi tiến hành một cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống mới. Nhưng động thái như thế, mà hiện ông Correa đang xem xét, sẽ vẫn cần phải được Tòa án Hiến pháp phê chuẩn.

 

Phan Anh

Tổng hợp

Dòng sự kiện: Bạo loạn ở Ecuador

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm