1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đường trường xương máu tiến về Berlin

Ngày 9-5-1945, sau một trong những trận chiến ác liệt nhất trong lịch sử loài người, Hồng quân Liên Xô chiếm được Berlin- trái tim của đế chế Đức quốc xã, kết thúc Thế chiến II trên lãnh thổ Châu Âu.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thắng lợi cuối cùng là con đường khốc liệt nhất; nó được xây đắp từ xương máu của hàng triệu chiến sĩ Xôviết cùng quân Đồng minh, từ bản lĩnh và trí tuệ cầm quân của những vị tướng Hồng quân kiệt xuất.

Bài 1: Chọc thủng tuyến phòng thủ phía Đông của Đức Quốc xã

Đến mùa xuân năm 1944, thế chủ động chiến lược đã nghiêng hẳn về phe Đồng minh. Trên mặt trận phía Đông, hàng loạt cuộc tấn công dữ dội trong mùa đông trước đó đã phá vỡ vòng vây quân Đức quanh Leningrad ở phía bắc; ở phía nam, Hồng quân Liên Xô đã quét sạch lực lượng phe Trục trên phần lớn lãnh thổ Ukraine.

Giờ là lúc bắt đầu kế hoạch tấn công mùa hè, sự chú ý của Stalin và Tổng hành dinh Hồng quân Liên Xô chuyển sang Belorussia, nơi Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức đang tập trung trong một vùng rộng lớn với địa thế nhô ra phía bắc sông Pripiat, bao quanh các khu vực Vitebsk - Orsha - Mogilev - Bobruisk.

Đường trường xương máu tiến về Berlin - 1
Nguyên soái Georgy Zhukov và Konstantin Rokossovsky.

Bằng kiểu cách ngạo mạn quen thuộc, Hitler tuyên bố các thành phố đó là các pháo đài, là "Ban công Belorussia". Hitler tin rằng, chiến tuyến của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đệ tam đế chế sẽ không bị xâm phạm vào mùa hè năm 1944, vì vậy ông ta đã phạm sai lầm khi chuyển hầu hết các sư đoàn thiết giáp trên mặt trận phía Đông về phía hạ lưu sông Pripiat, nơi ông ta tin rằng, nếu quân đội Xôviết có ý tấn công thì đấy mới là hướng họ nhắm vào.

"Bagration" là mật danh của chiến dịch Belorussia tấn công chiến lược mùa hè năm 1944 của quân đội Liên Xô, chính thức bắt đầu từ ngày 23-6 đến 29-8-1944. Mật danh này được lấy theo tên của Piotr Ivanovich Bagration - một vị tướng nổi tiếng của quân Nga đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến tranh giữa Đế quốc Nga và nước Pháp của Napoléon đệ Nhất vào năm 1812.

Thuật nghi binh là một trong những yếu lĩnh của học thuyết "Tác chiến chiều sâu", luôn đóng vai trò quan trọng trong thành công của Hồng quân trong các chiến dịch phản công lẫn tấn công trong suốt thời gian từ mùa đông năm 1942 cho đến mùa xuân 1944. Tuy nhiên, trong suốt thời gian trước đó của cuộc chiến, chưa có hoạt động nghi binh nào được chuẩn bị công phu như ở chiến dịch Belorussia.

Do thành công của chiến dịch phụ thuộc rất lớn vào việc bí mật tập trung quân dự bị và hoán chuyển vị trí của các Tập đoàn quân giữa các Phương diện quân, nên mục tiêu đầu tiên của các hoạt động nghi binh là giấu kín các hoạt động chuyển quân này, sau đó là làm sao để Hitler và Bộ tổng Tư lệnh tối cao quân đội Đức Quốc xã (Oberkommando des Heeres - OKH) tin rằng, mục tiêu tấn công sắp tới của Hồng quân sẽ là miền Trung và Nam Đông Âu, chứ không phải là Belorussia.

Buổi họp chính để lên kế hoạch Chiến dịch Bagration diễn ra tại Moscow vào ngày 20-5-1944, lãnh tụ Stalin và Nguyên soái Konstantin Rokosovsky - Tư lệnh Phương diện quân Belorussia số 1. Hai người lúc đầu đã bất đồng sâu sắc về kế hoạch dành cho Phương diện quân Belorussia 1 của Rokossovsky. Stalin thì muốn chọc thẳng một mũi vào Bobruisk từ Rogachev trong khi Rokossovsky hiểu hơn ai hết rằng, Tập đoàn quân số 9 của Đức đã dự liệu trước điều đó, nên ông muốn mở thêm hướng tấn công nữa từ phía nam qua Parichi.

Buổi họp diễn ra trong căng thẳng, Stalin nhiều lần nổi nóng nhưng ông đã kiềm chế, 2 lần đuổi Rokossovsky ra khỏi phòng để cân nhắc về quyết định của mình. Cả 2 lần Rokossovsky đều gan lì quay lại và khẳng định rằng, ông tin 2 mũi tấn công thì tốt hơn là 1. Cuối cùng, Stalin hỏi: "Có thể nào 2 mũi tấn công lại tốt hơn là 1?" và chấp thuận kế hoạch của Rokossovsky.

Câu chuyện này hoàn toàn có thật chứ không chỉ là một giai thoại. Rokossovsky, người từng bị bắt và tra khảo trong thời kỳ Stalin thanh lọc quân đội năm 1938, đã cho thấy cá tính mạnh mẽ, quyết đoán và biết đặt đại cuộc lên trên những tị hiềm, ân oán cũ của ông. Mặt khác, câu chuyện còn chứng tỏ tinh thần cầu thị của Stalin với những viên tướng dưới quyền đã phục vụ ông rất tốt từ sau năm 1942.

Từ cuối tháng 5-1944, Hồng quân Liên Xô đã chuyển toàn bộ mặt trận sang phòng ngự. Mọi biện pháp giữ bí mật được triển khai: các trạm phát radio công suất lớn ngưng hoạt động; kế hoạch tấn công chỉ được phổ biến cho một số rất ít người liên quan; việc chuyển quân chỉ thực hiện vào ban đêm; các địa điểm tập trung quân được ngụy trang kỹ lưỡng; quân giữ tuyến không được biết đơn vị mới đến; các đơn vị không quân mới được điều đến không được bay trinh sát; các đơn vị tiêm kích tại chỗ thiết lập một vành đai tuần tra trên không cẩn mật nhằm ngăn chặn mọi máy bay thám thính của đối phương.

Đường trường xương máu tiến về Berlin - 2
Các loại quân xa của quân đội Đức Quốc xã bỏ lại trên chiến trường Minsk, 28-6-1944.

Khác với cách nghi binh "hư hư thực thực" trong những chiến dịch trước, lần này Hồng quân sử dụng chiêu thức "thực mà hư" khi để lại 4/6 Tập đoàn quân Xe tăng ở khu vực Ukraine, đồng thời sử dụng một trong số các Tập đoàn quân này thực hiện một cuộc tấn công sớm về hướng Romania vào đầu tháng 5-1944.

Việc mở rộng xây dựng công sự tiến hành cùng lúc với việc giăng các bãi mìn giả gây cảm tưởng các Tập đoàn quân Liên Xô chỉ muốn phòng thủ nguyên tại vị trí; giả vờ chuyển tăng pháo và binh lính đi vào ban ngày nhưng đến đêm thì tái tập hợp lại; xây dựng những con đường và nút giao thông giả; tập trung pháo binh ở những nơi thứ yếu, tại đó bố trí thật nhiều chướng ngại vật, sau đó rút đi chỉ để lại toàn pháo giả trong các hỏa điểm; bố trí số lượng lớn tăng và pháo tự hành giả trên các hướng thứ yếu; và các sĩ quan hàng ngày phải kiểm tra việc thực thi kế hoạch nghi binh.

Ngoài ra, các Phương diện quân ở khu vực này được lệnh tổ chức thêm các "đội quân ma" nhằm che giấu việc 2 Tập đoàn quân Xe tăng đã được điều chuyển. Các đài phát sóng radio cũng được lệnh giả lập việc tập trung quân cùng với các đoàn tàu nhộn nhịp đến khu vực này. Trên bầu trời, vành đai tuần không thỉnh thoảng được để ngỏ, cố ý để cho máy bay thám thính của đối phương thâm nhập. Ở phía Bắc, phương diện quân Baltic 3 cũng thực thi những hoạt động nghi binh tương tự nhằm lôi kéo sự chú ý của OKH ra khỏi hướng chính diện của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm.

Trong khi kiểm tra một khu vực đầm lầy trên chiến tuyến, Thượng tướng P.I. Batov, chỉ huy Tập đoàn quân số 65 thuộc Phương diện quân Belorussia số 1, nhận thấy một số lính trinh sát đi loại giày vượt đầm lầy; được đan từ thân cây cói bọc ra ngoài ủng. Những chiếc giày đầm lầy này làm giảm áp lực mỗi bước chân của binh sĩ, khi họ bước đi, bùn dưới chân họ bị cô đặc lại và không làm họ sa lầy, nước thấm qua kẽ hở lớp đan ngoài và khi họ bước tiếp nó sẽ chảy ra khỏi giày.

Một người lính người Belorussia sống ở khu vực này cho Tướng Batov biết, đó là cách mà những thợ săn dùng để vượt qua đầm lầy. Batov suy nghĩ một lúc rồi quyết định sẽ đặt hướng tấn công chính ở đây, nơi bọn Đức ít trông đợi nhất. Để xe tăng có thể di chuyển và các khí tài nặng vượt qua đầm lầy, Tướng Batov ra lệnh làm một con đường bằng ván gỗ.

Những súc gỗ làm ván được cắt xẻ cách chiến tuyến 15 - 20km để bọn Đức không thể nghe được tiếng cây đổ và tiếng cưa, sau đó được đóng lại với nhau bằng nẹp sắt. Được mang tới cách chiến tuyến khoảng 200m, những tấm ván lại được ngụy trang. Theo cách đó, con đường ván nhanh chóng được đặt ngay sau khi những toán bộ binh dẫn đầu vượt qua đầm lầy để thiết lập những "đầu cầu" ở phía bên kia.

Lưỡng quốc nguyên soái Rokossovsky

Đường trường xương máu tiến về Berlin - 3

Konstantin Rokossovsky sinh năm 1896 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan (cũng có tài liệu cho rằng ông sinh tại thành phố Velikiye Luki ở Tây Bắc Đế quốc Nga và gia đình ông chỉ chuyển về Warsaw một thời gian sau đó).

Dòng họ Rokossovsky thuộc dòng dõi quý tộc Ba Lan (Szlachta) từng sản sinh ra nhiều kỵ sĩ nổi tiếng, nhưng cha của Konstantin, ông Ksawery Wojciech Rokossovski, chỉ là một công nhân xe lửa Ba Lan làm việc ở Nga, còn mẹ ông là người Nga chính gốc. Ông mồ côi cha mẹ năm lên 14 tuổi, phải xin vào làm việc cho một nhà máy dệt rồi chuyển qua học nghề thợ đá.

Thế chiến I bùng nổ, Rokossovsky gia nhập lực lượng kỵ binh của quân đội Nga. Ngay sau Cách mạng tháng 10, ông trở thành đảng viên đảng Bolshevik. 1 năm sau, ông được thăng chức chỉ huy và nhận nhiệm vụ chống quân Bạch vệ của tướng Aleksandr Kolchak.

Con đường binh nghiệp của ông mở ra từ đây do những chiến tích xuất sắc. Sau thời gian được gửi đi học ở Trường quân sự cao cấp Frunze, ông trở thành chỉ huy kỵ binh cao cấp của Hồng quân Liên Xô. Thập niên 1920, sư đoàn của ông đóng ở Mông Cổ và năm 1929 đã giúp chính phủ Trung Quốc bảo vệ biên giới nước này.

Đầu năm 1930, Rokossovsky đưa ra ý tưởng xây dựng đội quân xe tăng làm xương sống cho Hồng quân nhưng bị Nguyên soái Semyon Budyonyi từ chối. Năm 1937, Rokossovsky đột nhiên bị kết tội "liên lạc với tình báo nước ngoài", bị bắt giam, tra khảo và chuyển vào trại lao động ở Norilsk.

Tháng 3-1940, ông được trả tự do và được phục chức. Mở đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc, dưới sự lãnh đạo của ông, Tập đoàn quân số 16 đóng tại Smolensk là lá chắn kiên cường góp phần bảo vệ thủ đô Moscow. Trong trận Stalingrad, Rokossovsky trong vai trò là tư lệnh Phương diện quân phương Đông đã chỉ huy phản công đánh bại Tập đoàn quân số 6 của Đức Quốc xã do thống chế Freidrich Paulus dẫn đầu.

Năm 1943, trận chiến vòng cung Kursk lịch sử diễn ra, ông phụ trách cuộc phản kích ở khu vực phía tây Kursk dẫn đến thất bại hoàn toàn của quân Đức, rộng đường cho Hồng quân tiến vào Kiev. Nhờ những chiến công liên tiếp, ông được phong hàm nguyên soái ngày 29-6-1944.

Thế chiến II kết thúc, Rokossovsky tiếp tục là Tư lệnh các lực lượng vũ trang Xôviết đóng tại Ba Lan. Tháng 10 -1949, sau khi Chính phủ do Boleslaw Bierut thành lập ở Ba Lan, Rokossovsky được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được phong hàm Nguyên soái Ba Lan.

Năm 1952, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó Thủ tướng Chính phủ) Ba Lan nhưng vì đã sống và làm việc ở Liên Xô 35 năm, không nói sõi tiếng Ba Lan và còn thường ra lệnh cho các binh sĩ Ba Lan gọi ông bằng cái tên tiếng Nga nên ở nước này, người ta xem ông là một "đặc phái viên của Liên Xô".

Bản thân Rokossovsky cũng từng chua chát công nhận: "Ở Nga người ta nói tôi là người Ba Lan, còn ở Ba Lan mọi người lại gọi tôi là người Nga". Không lâu sau, Rokossovsky quay về Liên Xô, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân khu Ngoại Kavkaz.

Năm 1958, ông trở thành Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, tháng 4-1962 ông về hưu và mất năm 1968, thọ 74 tuổi. Như những người đã đóng góp nhiều công trạng cho Liên bang Xôviết, di cốt của ông được đưa vào chân tường điện Kremlin bên Quảng trường Đỏ, nơi ông đã chỉ huy cuộc duyệt binh trọng thể mừng đại thắng phát xít Đức vào ngày 24-6-1945. Khi kết thúc cuộc duyệt binh, 200 chiến sĩ Hồng quân mang những lá cờ chiến bại của các đạo quân phát xít, vứt xuống chân tường điện Kremlin.

Nguyên soái Konstantin Rokossovsky chỉ huy cuộc duyệt binh chiến thắng trên Quảng trường Đỏ năm 1945.

Theo Quang Hiếu (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm