1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đường đàm phán đầy chông gai giải bài toán thương chiến Mỹ-Trung

(Dân trí) - Những tiến triển chậm chạp trong việc thực hiện những yêu cầu chủ chốt mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra để hạ nhiệt thương chiến đã làm dấy lên lo ngại rằng hai bên có thể khó nhanh chóng vượt qua những sự khác biệt ngày càng lớn.

Đường đàm phán đầy chông gai giải bài toán thương chiến Mỹ-Trung - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: The Wire)

Tuần này, Tổng thống Trump tiếp tục phàn nàn rằng Trung Quốc chưa mua một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp Mỹ như điều mà ông Tập đã cam kết trước đó. Trong khi đó, cũng chưa có bất cứ một sự thay đổi nào trong quan điểm của Mỹ đối với hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei, một trong những yêu cầu chủ chốt từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng chưa hạ nhiệt, việc 2 bên đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện để làm bàn đạp cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông Trump dường như trở thành viễn cảnh khá xa vời, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin ẩn danh, cho hay.

Ngoài việc 2 bên đang hiểu thỏa thuận của ông Tập và ông Trump bên lề G20 tháng trước theo 2 hướng khác nhau, Mỹ và Trung Quốc vẫn phải quyết định xem họ có muốn nối lại đàm phán dựa vào dự thảo thỏa thuận đã sụp đổ hồi tháng 5, hay bắt đầu thương lượng lại từ đầu.

Sự khác biệt giữa 2 quốc gia là khá lớn vào thời điểm này và nó được thể hiện rõ ràng ngay sau cuộc gặp của ông Tập và ông Trump. Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc đã đồng ý mua “số lượng khổng lồ” hàng hóa nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, một thành viên của phái đoàn Trung Quốc dường như đã nói với Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ về vấn đề sản phẩm nông nghiệp, một nguồn thạo tin chia sẻ.

Theo nguồn tin trên, Bắc Kinh muốn chính quyền ông Trump phải ban hành giấy phép đặc biệt cho các nhà cung cấp Mỹ tiếp tục nhập hàng hóa từ Huawei trước khi Trung Quốc mua sản phẩm nông nghiệp.

Thêm vào đó, một nguồn thạo tin khác nói với Bloomberg rằng Trung Quốc sẽ không mua hàng nông nghiệp Mỹ với số lượng lớn chừng nào họ chứng kiến được sự tiến triển vững chắc trong việc thương lượng giữa 2 bên.

Viễn cảnh u ám

Kể từ khi đàm phán thương mại đổ vỡ hồi tháng 5, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng mọi thỏa thuận thương mại phải đáp ứng được 3 điều kiện bao gồm: loại bỏ toàn bộ thuế quan, mục tiêu nhập khẩu rõ ràng và một sự cân bằng và bình đẳng thích hợp cho cả 2 bên.

Bắc Kinh cũng yêu cầu Mỹ phải bồi thường cho Huawei và các công ty Trung Quốc khác bị Washington liệt vào danh sách “đen”. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng đã kêu gọi Mỹ thực hiện cam kết và “dừng các hành động gây áp lực cho các công ty Trung Quốc càng sớm càng tốt”.

Ngoài vấn đề hàng hóa nông nghiệp và Huawei, 2 bên vẫn còn những bất đồng về các vấn đề lớn như việc Mỹ đòi hỏi nền kinh tế Trung Quốc phải cải tổ cấu trúc và việc Trung Quốc kêu gọi Mỹ gỡ bỏ toàn bộ đòn thuế quan áp lên hàng hóa nước này.

Tuần này, ông Trump tuyên bố rằng ông có thể áp thêm thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông muốn, mối đe dọa mà Bắc Kinh nói rằng chỉ khiến cuộc thương chiến thêm kéo dài.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin vẫn đang tiếp tục thực hiện các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Trung Quốc. Nếu mọi thứ thuận lợi, 2 quan chức này có thể sẽ tới Bắc Kinh để trao đổi mặt trực tiếp. Mặc dù vậy, viễn cảnh về việc 2 bên sẽ tiếp tục đàm phán trở lại hay không vẫn chưa rõ ràng.

Thêm vào đó, chính quyền ông Trump thời gian qua dường như trở nên tự tin hơn trước những số liệu kinh tế mà Trung Quốc cung cấp. Họ cho rằng Bắc Kinh đang bị tổn thưởng bởi đòn thuế quan của Washington, tuy nhiên các biện pháp này không gây bất cứ tác động nào tới người tiêu dùng Mỹ.

Tuần này, theo một báo cáo, Trung Quốc đã chứng kiến tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 27 năm qua.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg