1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức xây căn cứ đầu tiên ở nước ngoài sau Thế chiến II, gần Nga-Belarus

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đức bắt đầu khởi công xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở Lithuania, quốc gia Baltic nằm giáp Nga và Belarus.

Đức xây căn cứ đầu tiên ở nước ngoài sau Thế chiến II, gần Nga-Belarus - 1

Một chiếc xe tăng của Đức (Ảnh minh họa: Wikipedia).

Hoạt động xây dựng căn cứ quân sự thường trực đầu tiên của Đức ở nước ngoài kể từ sau Thế chiến II đã bắt đầu. Cơ sở này sẽ được đặt tại Lithuania. Berlin dự kiến sẽ chuyển một lữ đoàn đến quốc gia vùng Baltic này vào cuối thập niên này.

Lithuania và Đức đã nhất trí vào tháng 12/2023 để quốc gia Baltic cho phép đồn trú 4.800 quân nhân và 200 nhân viên dân sự của phía Berlin. Đây dự kiến sẽ là cơ sở quân sự lớn nhất trong lịch sử Lithuania, giới chức nước này cho hay.

Ngoài quân nhân, cơ sở này dự kiến sẽ có 2.000 phương tiện quân sự.

Lithuania là bên chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và Đức sẽ đưa quân và vũ khí tới đây. Cơ sở này sẽ được đặt tại khu huấn luyện Rūdninkai ở phía đông nam đất nước và dự kiến tiêu tốn 139 triệu USD.

Đức xây căn cứ đầu tiên ở nước ngoài sau Thế chiến II, gần Nga-Belarus - 2

Lithuania nằm giáp Nga và Belarus (Ảnh: Britanica).

Politico, trích lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức, trước đó đã đưa tin rằng Berlin dự kiến đơn vị đồn trú ở Lithuania sẽ cần "khoản đầu tư một lần từ 6 đến 9 tỷ euro", chủ yếu là để mua hệ thống vũ khí và chi phí hoạt động hàng năm là 800 triệu euro sau đó.

Quân đội Đức đã hiện diện tại Lithuania trong 6 năm qua với 800 binh sĩ được điều động luân phiên.

Đức đã gọi quyết định triển khai lữ đoàn 5.000 quân, sẵn sàng chiến đấu tới Lithuania là "một dự án tiên phong của kỷ nguyên bước ngoặt trong chính sách an ninh".

"Việc triển khai trong thời gian dài và ở quy mô này cũng là điều mới mẻ đối với lực lượng vũ trang Đức", quân đội Đức nhấn mạnh.

Ngay sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố một "Zeitenwende" - một kỷ nguyên hoàn toàn mới - khi nói đến an ninh trên lục địa châu Âu và cách Đức nhìn nhận quân đội của mình.

Chi tiêu quốc phòng của Đức đã tăng đáng kể và đất nước này đã đảm nhận một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế. Berlin là nước ủng hộ lớn thứ 2 về mặt số lượng vũ khí cho Kiev chỉ sau Mỹ và đã nỗ lực định vị mình là một đối tác NATO quan trọng, đặc biệt là ở sườn phía đông của liên minh.

Quyết định bố trí quân đội thường trực gần Nga và Belarus được xem là cách Berlin hiện thực hóa "Zeitenwende", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Nils Hilmer phát biểu tại lễ khởi công dự án.

"Mục đích của chúng tôi không phải là đe dọa hay bắt nạt", Thủ tướng Lithuania Ingrida Šimonytė cho biết. Nhưng quốc gia Baltic phải có sự tự tin để biết rằng nếu một thế lực bên ngoài chọn thử thách khả năng phòng thủ của mình, họ sẽ có thể khiến họ phải hối hận về quyết định này, bà cho biết.

Trong một diễn biến khác, báo Iltalehti ngày 22/8 dẫn nguồn tin thân cận chính phủ Phần Lan và NATO cho hay, liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt đang có kế hoạch triển khai một lữ đoàn thiết giáp khoảng 4.000-5.000 quân ở Mikkeli đông nam Phần Lan. Mikkeli cách biên giới Nga khoảng 140km. 

Theo Sputnik