1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức lên tiếng về đề xuất lập vùng cấm bay ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn chính phủ Đức tuyên bố Berlin phản đối bất kỳ sáng kiến nào nhằm thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

Đức lên tiếng về đề xuất lập vùng cấm bay ở Ukraine - 1

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot khai hỏa (Ảnh: NSPA).

Hôm 11/5, các nhà lập pháp thuộc phe đối lập và liên minh cầm quyền ba đảng của Đức cho biết họ ủng hộ việc nhắm mục tiêu vào tên lửa và máy bay không người lái của Nga trên bầu trời Ukraine bằng cách sử dụng hệ thống phòng thủ có trụ sở tại Ba Lan và Romania. Các nghị sĩ Đức cũng ủng hộ việc thiết lập một vùng an toàn rộng 70km dọc biên giới Ukraine - EU.

Khi được hỏi quan điểm của chính phủ liên bang về ý tưởng này, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết nội các của Thủ tướng Olaf Scholz đã phản đối ý tưởng này trước đây và bây giờ vẫn như vậy.

"Chúng tôi cảm thấy điều này sẽ vượt quá giới hạn và khiến NATO trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa Kiev và Moscow", ông Hebestreit nói, đề cập đến lập trường tương tự mà Đức từng đưa ra vào tháng 11/2022.

Theo ông Hebestreit, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine nên tập trung cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không như Patriot do Mỹ sản xuất. Berlin gần đây đã cam kết gửi các hệ thống này cho Ukraine.

Quan chức này cho biết, Đức đã "đầu tư ồ ạt vào hệ thống phòng không của Ukraine", đồng thời đề cập đến hệ thống phòng không IRIS-T do Đức sản xuất và pháo phòng không tự hành Gepard mà Berlin cũng cung cấp cho Kiev.

Đức là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ đảm bảo năng lực phòng không cho Ukraine, khi đã viện trợ cho Ukraine nhiều hệ thống phòng thủ hiện đại trong thời gian qua.

Một số chuyên gia như Nico Lange từ Hội nghị An ninh Munich hay Trung tướng Heinrich Brauss, cựu phó tổng thư ký NATO, đã từng gợi ý về việc khối liên minh quân sự phương Tây có thể bắn hạ tên lửa Nga trên khu vực biên giới Ukraine với Ba Lan và Romania.

Các quan chức Ba Lan cũng đã đề cập tới khả năng này nhưng chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra.

Trong thời gian qua, Ba Lan đã vài lần cáo buộc tên lửa của Nga vi phạm không phận của quốc gia NATO khi Moscow tấn công vào phía tây Ukraine. 

Hồi tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna cho biết, NATO đang cân nhắc bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Nga ở gần biên giới các nước thành viên. Theo ông Szejna, đề xuất đó cũng cần được sự ủng hộ của Ukraine.

"NATO đang phân tích nhiều phương án khác nhau, bao gồm cả phương án những tên lửa như vậy nên bị bắn hạ khi chúng ở gần biên giới NATO, nhưng điều này sẽ phải được thực hiện với sự đồng ý của phía Ukraine và có tính đến các hậu quả quốc tế. Khi đó tên lửa NATO sẽ đánh trúng tên lửa Nga ngoài lãnh thổ liên minh", nhà ngoại giao Ba Lan nói.

Ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho thấy lực lượng Ukraine đang ngày càng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Theo dữ liệu được Wall Street Journal công bố hôm 13/5, Ukraine chỉ đánh chặn được khoảng 46% tên lửa của Nga trong 6 tháng qua. Vào tháng 4, con số này giảm xuống còn 30%.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm