1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đức có thể điều chiến hạm tới Biển Đông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính phủ Đức đang cân nhắc đưa tàu chiến tới các nước châu Á và cũng có thể đưa khí tài này đi qua Biển Đông, trong một động thái dường như để mắt tới các hành động của Trung Quốc trong khu vực.

Đức có thể điều chiến hạm tới Biển Đông - 1

Một chiến hạm của Đức (Ảnh minh họa: Reuters)

Báo Nikkei đưa tin, Đức đang xem xét việc đưa một tàu khu trục hải quân tới Nhật Bản, một phần trong trọng tâm mới mà Berlin hướng tới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo nguồn tin, chiến hạm này sẽ xuất phát từ Đức vào đầu mùa hè và có thể tới thăm cảng Hàn Quốc và Australia. Ngoài ra, Đức còn có kế hoạch đưa tàu khu trục này đi qua Biển Đông.

Nikkei nhận định đây là một động thái khá hiếm của Đức, quốc gia không có lãnh thổ hải ngoại ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như Anh và Pháp.

Mùa thu năm ngoái, nội các Đức thông qua một văn bản về Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và thúc đẩy thị trường mở cửa tại khu vực. Việc triển khai khu trục hạm này có thể được xem là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện chiến lược mới.

Thomas Silberhorn, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ khởi hành (tàu chiến) vào mùa hè này. Chúng tôi chưa quyết định chi tiết, nhưng chúng tôi đang hướng tới Nhật Bản. Chúng tôi muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác dân chủ".

Ông Silberhorn nhấn mạnh rằng kế hoạch của Berlin "không nhằm vào bất cứ bên nào". Tuy nhiên, Nikkei cho rằng Đức dường như đang chú ý tới các hành động của Trung Quốc ở khu vực.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đức khá phù hợp với những thay đổi chính sách tương tự ở Anh, Pháp và Hà Lan, những quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh sự tham gia của họ vào khu vực địa chính trị quan trọng của thế giới.

Giới quan sát nhận định việc Đức tăng cường chú ý đến pháp quyền và thị trường mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương báo hiệu rằng lập trường lâu dài của nước này đối với Trung Quốc - tách rời chính trị và kinh tế - có thể sẽ kết thúc.

Anh, trong khi đó, đang chuẩn bị triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth tới châu Á trong những tháng tới. Đây sẽ được xem là động thái thể hiện sự thay đổi về mặt chính sách của châu Âu đối với châu Á trong tình hình địa chính trị hiện tại.

Ông Silberhorn cho rằng châu Âu cần có trách nhiệm hơn đối với an ninh của chính mình và không nên phụ thuộc quá nhiều vào quân đội Mỹ.