Đức cảnh báo trừng phạt Iran
(Dân trí) - Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua cảnh báo Iran còn rất ít thời gian để trở lại bàn đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này trước khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.
Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Israel Netanyahu tại Berlin, Đức.
Thủ tướng Đức cho rằng nỗ lực của quốc tế nhằm thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo trở lại bàn đàm phán đang đứng trước “thời điểm quyết định” vào tháng 9 tới.
“Đề nghị đàm phán với Iran nhằm làm ngừng chương trình hạt nhân của họ đã được đặt lên bàn rất lâu rồi”, bà cho biết vào ngày hôm qua. “Tôi muốn nhắc lại rằng thời gian chỉ có giới hạn và chúng tôi hi vọng sẽ sớm có câu trả lời tích cực từ phía Iran. Hoặc không, chúng tôi sẽ buộc phải nói về những biện pháp mạnh mẽ hơn”.
“Điều đó có nghĩa là sẽ có lệnh trừng phạt ở lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực nhạy cảm khác, như tài chính”, bà cho biết thêm. “Chúng tôi sẽ không phải suy nghĩ về những điều này, chúng tôi sẽ chỉ phải nói xem chúng tôi áp dụng chúng như thế nào”.
Bình luận của bà Merkel được đưa ra sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở thăm Berlin, người gọi Iran là “mối đe dọa” đối với hòa bình thế giới. Mặc dù các nhà phân tích phương Tây tin rằng Israel cũng có vũ khí hạt nhân bí mật, nhưng ông Netanyahu vẫn tuyên bố Iran “đe dọa đến sự tồn tại của đất nước tôi trong khi chúng tôi không đe dọa đến sự tồn tại của bất kỳ ai”.
“Israel hi vọng tất cả thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế giải quyết đe dọa này và tôi vui mừng khi nghe Thủ tướng Merkel nói Đức cam kết giải quyết có trách nhiệm với mối đe dọa này”, ông nói.
Theo ông Netanyahu, “áp lực kinh tế thực sự” có thể áp dụng cho Tehran nếu “các cường quốc chính của thế giới đoàn kết”.
Đức đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc cố gắng phá vỡ bế tắc đối với chương trình hạt nhân của Iran, chương trình mà Tehran khẳng định chỉ nhằm sản xuất điện, còn phương Tây lại nghi ngờ là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.
Hội đồng bảo an LHQ đã yêu cầu Iran ngừng chương trình làm giàu urani của mình và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), một cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, đã yêu cầu Iran trả lời rõ ràng các nghi vấn về mục đích thực chất của chương trình hạt nhân.
Phan Anh
Theo CNN