1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đua "nắn gân" sức mạnh quân sự

Tình hình Đông Bắc Á đang ngày càng trở nên căng thẳng, dễ bùng nổ khi các bên đối đầu trong “điểm nóng” này đang dùng sức mạnh quân sự để đua tranh “nắn gân” nhau.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần theo dõi phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của nước này
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần theo dõi phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của nước này

Trong diễn biến căng thẳng mới nhất, Hàn Quốc lên tiếng cáo buộc CHDCND Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được cho là tên lửa Scud, từ khu vực Kangwon thuộc tỉnh Bắc Hwanghae vào khoảng 5h20 ngày 10-3 (giờ Hàn Quốc). Tên lửa mà phía Triều Tiên phóng lên đã bay được khoảng 500 km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông Triều Tiên, tức biển Nhật Bản.

Vụ phóng tên lửa sáng sớm 10-3 là lần đầu tiên Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong năm 2016. Trước đó một tuần, ngày 3-3, quốc gia Đông Bắc Á này cũng khai hỏa 6 hỏa tiễn từ hệ thống phóng tên lửa cỡ nòng 300 mm. Đáng chú ý là vụ bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên diễn ra chỉ một ngày sau khi nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un tuyên bố các khoa học gia Triều Tiên đã phát minh ra đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa đạn đạo.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các quốc gia liên quan trong khu vực thi nhau có những hành động phô diễn sức mạnh quân sự. Hai đồng minh thân cận Hàn Quốc và Mỹ từ ngày 7-3 đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên “Key Resolve - Giải pháp then chốt” và “Foal Eagle - Đại bàng non” với sự tham gia của 300.000 binh sĩ Hàn Quốc và 15.000 binh sĩ Mỹ cùng nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu cũng như các trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất của hai nước.

Dù là cuộc tập trận thường niên, song cuộc tập trận chung “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” năm 2016 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, cuộc tập trận này còn có sự tham gia của biên đội tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C. Stennis cùng những loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất của cả Mỹ và Hàn Quốc như máy bay chiến đấu tàng hình F-22, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2...

Giới quan sát cho rằng Mỹ và Hàn Quốc muốn dùng cuộc tập trận để phô diễn sức mạnh quân sự nhằm răn đe Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng công bố lần đầu tiên thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) ngày 6-1 vừa qua và tiếp đó phóng một tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo ngày 7-2 mà phương Tây cho là ngụy trang một vụ thử tên lửa đạn đạo, những hành động khiến nước này bị LHQ gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt. Phía Triều Tiên lên tiếng cáo buộc, cuộc tập trận là hành động khiêu khích và nhằm “chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược”.

Triều Tiên cũng tỏ ra chẳng e ngại gì cuộc phô trương sức mạnh quân sự với sự hiện diện của các loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ và Hàn Quốc khi cảnh báo rằng, nếu chiến tranh nổ ra, cuộc chiến đó sẽ không giới hạn trên Bán đảo Triều Tiên và cũng không phải là chiến tranh thông thường để ám chỉ tới một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thậm chí còn ra lệnh cho quân đội Triều Tiên sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân “bất cứ thời điểm nào” vì mục đích quốc phòng.

Trong động thái được cho là để đáp lại, Hàn Quốc trong ngày 10-3 cho biết đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không mang tên Cheongung mới nhất của nước này dọc theo đường biên giới trên biển với Triều Tiên ở khu vực Hoàng Hải.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô