1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dư luận Thái Lan sau vụ bãi nhiệm cựu Thủ tướng Yingluck

Nhiều thành viên của đảng Vì nước Thái và phe Áo Đỏ phản đối khá mạnh mẽ việc bãi nhiệm và cấm hoạt động chính trị đối với cựu Thủ tướng Yingluck.

Ngày 26/1, báo chí Thái Lan có nhiều tin, bài phản ánh dư luận chính giới và xã hội nước này, sau khi Hội đồng lập pháp quốc gia bãi nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và cấm bà hoạt động chính trị 5 năm.
 
Một bộ phận dư luận Thái Lan ủng hộ việc Hội đồng lập pháp quốc gia bãi nhiệm cựu Thủ tướng Yingluck; họ cho rằng đây là bài học cần thiết để cảnh báo các nhà chính trị Thái Lan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý điều hành đất nước, không được để cho nạn tham nhũng gây thiệt hại lớn.
 
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Trong khi đó, nhiều thành viên của đảng Vì nước Thái và phe Áo Đỏ phản đối khá mạnh mẽ việc bãi nhiệm và cấm hoạt động chính trị đối với cựu Thủ tướng Yingluck.

Họ cho rằng Hội đồng lập pháp quốc gia do ban lãnh đạo đảo chính quân sự lập ra đã xét xử bất công với mục đích chính trị nhằm loại bỏ những nhân vật thuộc dòng họ Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan. Đồng thời các cơ chế của chính quyền Thái Lan hiện nay có thể sẽ tiếp tục sử dụng công cụ tư pháp để loại bỏ các thành viên nòng cốt của đảng Vì nước Thái; làm suy yếu đảng này trong thời gian tới.

Điều đó sẽ khiến mâu thuẫn chính trị ở Thái Lan tiếp tục gia tăng và mục tiêu khôi phục hòa giải, đoàn kết dân tộc do Chính quyền Thái Lan đặt ra sẽ không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đảng Vì nước Thái đã tuyên bố sẽ không sử dụng vụ bãi nhiệm cựu Thủ tướng Yingluck để kích động biểu tình chống đối; đồng thời đảng này kêu gọi Chính quyền Thái Lan phải xây dựng bản Hiến pháp mới đảm bảo dân chủ, công lý, công bằng xã hội; được sự chấp nhận của đa số nhân dân và tiến hành tổng tuyển cử theo đúng lộ trình.

Một số học giả, chuyên gia phân tích chính trị Thái Lan nhận định, sau vụ bãi nhiệm cựu Thủ tướng Yingluck tình hình chính trị Thái Lan trước mắt vẫn giữ được ổn định, do Chính quyền Thái Lan tiếp tục áp dụng thiết quân luật khiến đảng Vì nước Thái và phe áo đỏ không thể có những hoạt động vượt khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự nhằm triệt hạ đối thủ chính trị; cùng với việc xây dựng Hiến pháp mới nhằm hạn chế dân chủ, thì sẽ làm gia tăng mâu thuẫn phe phái và chia rẽ xã hội về lâu dài; khiến Thái Lan vẫn tồn tại nguy cơ bất ổn chính trị, ngay cả sau cuộc tổng tuyển cử mới.

Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu của Thái Lan kêu gọi lực lượng ủng hộ dân chủ ở nước này cần tích cực đổi mới phương thức đấu tranh hiệu quả hơn, theo hướng hòa bình, phi bạo lực nhằm đảm bảo cho phong trào dân chủ ở Thái Lan tiếp tục phát triển. Các ý kiến này cũng khuyến cáo đảng Vì nước Thái và các chính đảng ủng hộ dân chủ cần phải đổi mới cơ cấu tổ chức, rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm nghiêm trọng vừa qua; đặc biệt là phải dành ưu tiên hành động vì quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân./.

Theo PV/VOV- Bangkok

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm