Chiến lược cương nhu linh hoạt của ông Kim Jong-un trên bàn cờ với Mỹ
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lựa chọn một chiến lược linh hoạt vừa thể hiện sự cứng rắn của Bình Nhưỡng, song vẫn giữ được bầu không khí không quá căng thẳng với Washington.
Những hành động khiêu khích có chừng mực trong những ngày gần đây đã hé lộ sự xoay trục trong chiến lược của Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai với Mỹ tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng. Chiến lược của Bình Nhưỡng hiện nay đó là: Leo thang căng thẳng để thể hiện sự thất vọng với Washington, song vẫn giữ cho các động thái của mình ở mức độ vừa phải, đủ để bảo đảm rằng Mỹ và Hàn Quốc sẽ không từ bỏ chính sách ngoại giao.
Chính quyền Triều Tiên từ lâu đã có xu hướng phô diễn sức mạnh quân sự hoặc khiêu khích thẳng thừng nếu muốn thu hút sự chú ý về ngoại giao từ Mỹ hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên lần này, nếu phóng tên lửa đạn đạo hoặc thử hạt nhân, Triều Tiên có thể khiến bầu không khí hòa dịu với các đối tác đàm phán, vốn mất rất nhiều công sức mới có thể đạt được, bị đổ vỡ.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 với Tổng thống Donald Trump không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un rơi vào tình cảnh mông lung mơ hồ. Trong bối cảnh đó, ông Kim Jong-un đã quyết định thực hiện các hành động khiêu khích ở quy mô nhỏ để kéo Mỹ quay trở lại bàn đàm phán, nhưng vẫn không để cho mối quan hệ với Washington bị đổ vỡ.
Có những sức ép nhất định khiến các bên vẫn muốn duy trì động lực ngoại giao. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn được nới lỏng trừng phạt để vực dậy nền kinh tế Triều Tiên, trong khi Tổng thống Trump đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử sắp tới gần, còn người dân Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc đánh giá về chính sách hòa dịu với Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in trong đợt bỏ phiếu cho cơ quan lập pháp quốc gia vào năm tới.
“Ông Kim Jong-un chắc chắn không muốn khuấy động quá nhiều bất ổn, nhưng đồng thời ông cũng biết mình có một lộ trình riêng”, Soo Kim, chuyên gia về Triều Tiên và là cựu chuyên gia phân tích tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết.
Động thái của Triều Tiên
Ông Kim Jong-un thị sát một cuộc diễn tập của đơn vị không quân Triều Tiên hôm 17/4. (Ảnh: KCNA)
Những dấu hiệu cho thấy chiến lược vừa đấm vừa xoa của Triều Tiên đã thể hiện rõ thông qua các sự kiện trong tuần này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thăm đầu tiên tới một cơ sở quân sự trong 5 tháng qua. Tại đây, ông đã theo dõi một cuộc diễn tập tác chiến không quân của máy bay quân sự Triều Tiên. Hôm sau, ông tiếp tục thị sát một vụ phóng vũ khí chiến thuật dẫn đường mới.
Theo các chuyên gia quân sự, cả hai động thái liên tiếp trên là dấu hiệu cho thấy khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội Triều Tiên, đồng thời gửi một thông điệp ngầm tới cả giới quan sát nước ngoài lẫn người dân trong nước.
“Đó là thông điệp gửi tới Mỹ rằng, Triều Tiên sẽ không để cho Mỹ cầm trịch trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Còn đối với người dân Triều Tiên, thông điệp đó là ngay cả khi nước này đi trên con đường tự lực cánh sinh, an ninh vẫn sẽ được bảo đảm”, Moon Jang-nyeol, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết.
Những động thái quân sự vừa phải của Triều Tiên gần đây sẽ không làm dấy lên quá nhiều ngờ vực như trong quá khứ. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Woo Jung-yeop tại Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul (Hàn Quốc), ông Kim Jong-un, người giám sát kho vũ khí hạt nhân mà ông từng tuyên bố có thể tấn công lục địa Mỹ, vẫn phải tìm cách giữ thăng bằng để không đẩy các động thái quân sự của Triều Tiên đi quá xa.
“Đó là thế tiến thoái lưỡng nan của ông Kim Jong-un. Những hành động khiêu khích cứng rắn luôn tiềm ẩn rủi ro, vì thế Triều Tiên chỉ thực hiện những động thái ở cấp độ thấp, đủ để Mỹ vẫn duy trì sự chú ý”, chuyên gia Woo nhận định.
Việc tiến hành các động thái khiêu khích, dù mở mức độ nhẹ, cũng đi ngược lại với giọng điệu của Bình Nhưỡng trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Triều Tiên đã dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo từ tháng 11/2017. Năm 2018, ông Kim Jong-un đã cam kết “xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Mở rộng quan hệ ngoại giao
Ông Kim Jong-un thăm đơn vị không quân Triều Tiên hôm 17/4. (Ảnh: KCNA)
Sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai kết thúc mà không nhận được cam kết từ Mỹ về việc nới lỏng trừng phạt, Triều Tiên đã gia tăng các tuyên bố cứng rắn trong những tuần gần đây. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn tránh công kích trực diện Tổng thống Trump.
Trong khi chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 18/4 và đổ lỗi cho quan chức này vì đã phá vỡ hội nghị thượng đỉnh lần hai, Triều Tiên nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Cùng thời điểm phát đi tín hiệu cứng rắn với Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước khác để gia tăng sức ép với Washington nhằm đạt được một thỏa thuận nới lỏng trừng phạt. Vào cuối tháng này, ông Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhiều lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có hàng nghìn người ở Nga. Đây được cho là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của chính quyền Triều Tiên trong những năm gần đây.
Các chuyên gia an ninh nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Kim - Putin có thể dẫn tới việc Nga sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo đóng vai trò thúc đẩy các dự án kinh tế với Triều Tiên để cải thiện quan hệ song phương, cũng cho biết ông muốn có cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo với ông Kim Jong-un sau các cuộc gặp hồi năm ngoái.
Trong lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn để ngỏ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần ba với Tổng thống Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington cần nhìn thấy triển vọng thực sự của tiến trình phi hạt nhân hóa.
Trước khi thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 diễn ra, ông Bolton mong muốn nhìn ra “dấu hiệu thực sự” cho thấy Bình Nhưỡng “đưa ra quyết định chiến lược về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Trong tình huống này, khi viễn cảnh nới lỏng trừng phạt vẫn chưa xuất hiện trong tương lai gần, ông Kim Jong-un buộc phải sử dụng tới “nước cờ” là các hành động khiêu khích quân sự quy mô nhỏ để khuấy động tinh thần.
“Ông Kim Jong-un đang trao cho người dân (Triều Tiên) niềm tin vào an ninh quốc gia để họ có thể tập trung tái thiết nền kinh tế. Thông điệp mà ông ấy gửi họ đó là Triều Tiên sẽ không cúi đầu trước các lệnh trừng phạt và vẫn thể hiện sức mạnh quân sự”, Kim Dong-yub, giảng viên tại Đại học Kyungnam ở Seoul, nhận định.
Thành Đạt
Theo WSJ