1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Động lực khiến ông Trump bất ngờ giáng đòn trừng phạt Trung Quốc

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có những lý do nhất định khi tuyên bố sẽ áp thuế với Trung Quốc ngay cả khi các cuộc đàm phán thương mại vừa mới nhen nhóm.

Động lực khiến ông Trump bất ngờ giáng đòn trừng phạt Trung Quốc - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)

Theo nhận định của giới quan sát thương mại, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9, không liên quan nhiều tới việc Bắc Kinh “thất hứa” khi không mua số lượng lớn nông sản của Mỹ. Thay vào đó, đây có thể là nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm tìm cách buộc Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn trên bàn đàm phán.

Rõ ràng, chỉ nhà lãnh đạo Mỹ và các cố vấn cấp cao của ông mới biết lý do thực sự đằng sau lời đe dọa áp thuế đầy bất ngờ nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đồng ý đình chiến thương mại trong cuộc gặp hồi tháng 6 tại Nhật Bản. Giới phân tích nhận định ông Trump dường như đang tìm cách gây sức ép tối đa với Trung Quốc để ký kết một thỏa thuận thương mại trong tương lai gần.

“Tôi nghĩ ông ấy (Donald Trump) đang tìm cách gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận tốt. Chúng ta cũng biết, thuế quan là công cụ chính của ông ấy. Ông ấy cũng tìm cách thể hiện rằng ông ấy cứng rắn như thế nào, đây là điều ông ấy vẫn thường làm”, Orit Frenkel, giám đốc điều hành tổ chức Sáng kiến Lãnh đạo Mỹ tại Washington và là cựu giám đốc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), nhận định.

“Trước tiên, chưa có gì đảm bảo rằng ông Trump sẽ thực hiện việc áp thuế này. Ông ấy từng nhiều lần dọa dẫm rồi sau đó lại hoãn hoặc hủy. Thứ hai, một trong những thách thức cơ bản của ông Trump là việc ông ấy yêu cầu Trung Quốc đưa ra một số nhượng bộ mà họ không thể chấp nhận, như cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước”, chuyên gia Frenkel cho biết.

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Trump thông báo Trung Quốc đã đồng ý mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Đây là một phần trong thỏa thuận đình chiến thương mại của lãnh đạo hai nước.

Theo thỏa thuận đình chiến, Mỹ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh đề xuất mua số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump nhiều lần cáo buộc rằng Trung Quốc đã không giữ lời hứa.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, ít nhất cho tới ngày 25/7, Tổng thống Trump đã có phần đúng khi nói rằng Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu mua số lượng lớn nông sản Mỹ. Các số liệu cho thấy mặc dù Trung Quốc đã tiếp nhận số đậu nành được mua từ trước đó của Mỹ, song số đậu nành được mua mới vẫn rất ít. Thực tế, tháng 6 năm nay là thời điểm tệ nhất trong hoạt động xuất khẩu đậu nành từ Mỹ sang Trung Quốc, kể từ năm 2004.

“Không có các thương vụ quy mô lớn như đã được đề cập trong các cuộc đàm phán thương mại. Trung Quốc đã không giữ lời hứa”, Rob Hatchett, nhà kinh tế học cấp cao tại hãng tư vấn nông nghiệp Doane Advisory Services, cho biết.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng hủy kế hoạch mua “số lượng đáng kể” thịt lợn từ Mỹ. Đây là động thái gây bất ngờ của Bắc Kinh vào thời điểm Trung Quốc được dự đoán sẽ mất đi một nửa số lợn của nước này do dịch bệnh sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng ngày 1/7 nói rằng, các công ty tư nhân và công ty nhà nước của Trung Quốc đã bắt đầu mua đậu nành, thịt lợn và gạo từ Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc không công bố số liệu chính thức về việc mua bán này.

Tranh cãi việc áp thuế Trung Quốc

Động lực khiến ông Trump bất ngờ giáng đòn trừng phạt Trung Quốc - 2

Hai đoàn đàm phán Mỹ - Trung gặp nhau tại Thượng Hải tuần này. (Ảnh: AP)

Sau cảnh báo áp thuế của Tổng thống Trump, Trung Quốc buộc phải lựa chọn giữa việc nhượng bộ hoặc đáp trả Mỹ. Hoặc cả hai nước có thể lựa chọn phương án cùng rời khỏi bàn đàm phán.

“Leo thang thuế quan là bằng chứng mới nhất cho thấy các cuộc đàm phán không thể dẫn đến những kết quả nhanh chóng như từng thấy hồi tháng 5. Sau khi Trung Quốc từ chối nhượng bộ yêu cầu của các nhà đàm phán Mỹ về chính sách công nghiệp, mua bán sản phẩm nông nghiệp và chính sách tài sản trí tuệ, không quá ngạc nhiên khi chính quyền Trump đẩy mạnh áp thuế để gia tăng thêm sức ép với Trung Quốc”, Benjamin Kostrzewa, một luật sư tại Hong Kong và là cựu trợ lý pháp chế của USTR ở Bắc Kinh dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nói.

Nội các của Tổng thống Trump được cho là có sự chia rẽ, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khuyến cáo rằng Nhà Trắng nên thông báo cho Trung Quốc trước khi áp thuế mới. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Tổng thống Trump đã từ chối đề xuất này và công bố kế hoạch áp thuế Trung Quốc ngay trên Twitter tại Phòng Bầu Dục, trước mặt Bộ trưởng Mnuchin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và quyền Chánh Văn phòng Mick Mulvaney.

Tuyên bố của Tổng thống Trump về việc áp thuế mới với Trung Quốc cũng gây chia rẽ trong giới quan sát thương mại. Những người ủng hộ ông Trump ca ngợi kế hoạch này, trong khi những người không ủng hộ ông lên tiếng chỉ trích.

Theo Dan DiMicco, cựu chủ tịch nhà sản xuất thép Nucor khổng lồ của Mỹ, cố vấn thương mại của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 và là người chỉ trích Trung Quốc từ lâu, ngược lại với quan điểm của hầu hết các nhà kinh tế học, việc áp thuế mới “sẽ có tác động rất ít hoặc không có tác động tới người tiêu dùng, vì các đợt áp thuế trước đây cũng không làm gia tăng lạm phát”.

“Tổng thống nên tiến xa hơn và tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc. Trung Quốc đã không đồng ý dừng đánh cắp tài sản trí tuệ. Thay vào đó, họ ngày càng hung hăng hơn, như khuyến khích Triều Tiên thử tên lửa, không thực hiện kế hoạch mua nông sản và không đưa ra cam kết rõ ràng để quay trở lại nơi kết thúc các cuộc đàm phán hồi tháng 5. Như vậy là đủ rồi! Thị trường sẽ vẫn ổn”, chuyên gia DiMicco cho biết.

Trong khi đó, Susan Aaronson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Sáng tạo Quản trị Quốc tế ở Canada, cho rằng “thuế quan càng dẫn tới những thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy giá cả lên cao hơn, ít việc làm hơn, tuyệt vọng nhiều hơn, và tiếp tay cho những lời nói dối, kiểu như nói rằng một người nào khác đang lấy đi việc làm của bạn”.

Thành Đạt

Theo SCMP