Dòng họ 4 đời ướp thi thể giáo hoàng
Suốt 4 thế hệ qua, dòng họ Signoracci luôn được giao trọng trách ướp thi thể các vị giáo hoàng. Họ rất muốn truyền thống này được tiếp tục khi Giáo hoàng John Paul II về bên Chúa. Nhưng lần này, Tòa thánh Vatican đã không yêu cầu.
Chuông điện thoại reo, Massimo Signoracci hồi hộp nhấc ống nghe. Nhưng đó chỉ là điện thoại người nhà của cái xác ông vừa ướp hồi sớm không phải bên Tòa thánh La Mã gọi. Massimo và mấy anh em chú bác đã chờ suốt từ lúc 21 giờ 37 phút thứ bảy (lúc Giáo hoàng John Paul II tạ thế) - một cú điện thoại từ Vatican.
Suốt 4 thế hệ, dòng họ Signoracci đảm nhận việc chăm sóc các vị danh nhân ở Rome lúc họ tạ thế. Cha của Massimo chuẩn bị cho thi thể cựu Thủ tướng Italy Aldo Moro và nhà làm phim Pier Paolo Pasolini. Dòng họ Signoracci cũng từng ướp thi thể 3 vị giáo hoàng, và lần này họ cũng mong đợi được ướp thi thể Giáo hoàng John Paul II.
Massimo tâm sự: “Sau 37 năm, Giáo hoàng John XXIII trông chẳng khác gì lúc người tạ thế”. Nói về đức tin, đó là điều kỳ diệu. Đối với nhà Signoracci, đó chỉ là một công việc được thực hiện hoàn hảo.
Ông cố Georgio của Massimo là người đầu tiên chọn nghề này. Ông mở một nhà xác ở đảo Tiber – ngay trung tâm thủ đô Italy. Đến lúc ông nội của Massimo, rồi cha của Massimo lần lượt đổi nhà xác thành nhà tang lễ và dịch vụ ướp xác, thì họ mới xem đây là nghề cha truyền con nối. Đó là lý do tại sao Massimo cảm thấy khó hiểu khi Vatican không cho gọi ông.
Nói cho cùng, Vatican cũng có lời giải thích, rằng thánh thể của Giáo hoàng không có ướp gì cả, mà chỉ được “chăm sóc kỹ” để hàng trăm ngàn lượt người tiếc thương tiếp tục đến viếng Giáo hoàng ở Đại giáo đường Thánh Peter. Massimo cho rằng dường như người ta chỉ “trang điểm” chút ít cho Giáo hoàng. Theo ông, cho dù người chết chỉ ở bên ngoài trong ít ngày, vẫn rất cần ướp nhẹ để tránh quá trình phân hủy tế bào gây độc hại cho xung quanh.
Theo Massimo, tiến trình ướp xác không quá phức tạp và không thay đổi quá nhiều trong những thập kỷ gần đây. Ông cho biết, chỉ cần mở các động mạch cổ và bẹn, vừa hút máu ra vừa bơm dịch ướp vào các ven. Thời xưa, người ta phải lấy các cơ quan ra để xác ướp bền với thời gian hơn. Thánh thể của 22 vị Giáo hoàng còn lưu giữ ở Giáo đường Thánh Anastasio và Vincent tại Rome (gần ngọn núi Trevi. Nhưng đến thời Giáo hoàng Pius X, người đứng đầu giáo đường Thiên Chúa giáo năm 1903-1914 thì tục lệ này bị hủy bỏ).
Một thi thể được ướp cẩn thận, như thánh thể Giáo hoàng Johannes XXIII, có thể giữ được tới 20-30 năm trở lên. Ngược lại, các thi thể không thể trưng bày lâu được.
Giáo hoàng Paul VI, mất năm 1978, thi thể chỉ được ướp “nhẹ” bởi gia đình Signoracci. Sau khoảng 2 ngày, nước da và móng tay Giáo hoàng Paul VI bị mất màu. Còn điều gì xảy ra với thánh thể của Giáo hoàng John Paul II thì vẫn chưa rõ. Vatican từ chối nói chi tiết về cách chăm sóc thánh thể Giáo hoàng ra sao.
Giáo hoàng John Paul II được an táng trong huyệt mộ trống của Giáo hoàng John XXIII - người đã được đưa lên tầng chính điện của Đại giáo đường Thánh Peter năm 2001 sau khi được phong là Hiển Thánh
Theo Lê Đoàn
An ninh thế giới/Spiegel