"Đóng góp cho hòa bình thế giới" của Nhật Bản: Không chỉ còn là hỗ trợ phát triển kinh tế
(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/9 đã có bài viết với tựa đề "Những bài học cho một thế giới tốt đẹp hơn" đăng tải trên báo chí Mỹ, trong đó ông nói Nhật Bản mở rộng quá trình hỗ trợ với các quốc gia đang phát triển dựa trên 3 yếu tố là an ninh con người, hỗ trợ để tự lực và duy trì tăng trưởng.
Ngoài ra, hỗ trợ về y tế, cung cấp cơ hội đào tạo và thực tập tại Nhật Bản, cũng như hỗ trợ trong quá trình phòng chống thiên tai và tái thiết sau các thảm họa là những ví dụ điển hình về những đóng góp của Nhật Bản trong quá khứ cho các quốc gia đang phát triển.
"Bài học mà chúng tôi đã rút ra được sau những thập niên vừa qua là an ninh của từng nước luôn bị đe dọa bởi tình trạng bất ổn và nghèo đói vẫn hiện hữu trên thế giới. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng tôi có thể giúp các nước khác giải quyết những thách thức và mở ra một chương mới trong hợp tác phát triển", Thủ tướng Abe viết.
Thực tế, Nhật Bản là một trong những quốc gia tích cực nhất trong quá trình hỗ trợ kinh tế các nước đang phát triển kể từ khi Tokyo lần đầu tiên công bố chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) vào năm 1955. Bất chấp một số ý kiến chỉ trích, chương trình ODA của Nhật Bản đã cải thiện nhiều khía cạnh của đời sống ở các nước đang phát triển khi tập chung vào hỗ trợ phi quân sự và luôn ưu tiên đầu tư vào hạ tầng cơ sở, giáo dục và tập huấn, cũng như y tế sức khỏe. Đây đều là những nhu cầu thiết yếu của con người ngày hôm nay.
Với hiến chương mới về ODA, được thông qua hồi tháng 2 năm nay, Nhật Bản tập trung duy trì "an ninh của con người", "hỗ trợ để tự lực" và "duy trì tăng trưởng". Trong khi cho phép chính phủ sử dụng linh hoạt hơn các hình thức hỗ trợ, hiến chương mới về ODA vẫn duy trì trọng tâm chính là quá trình hỗ trợ phi quân sự của nước này.
Tuy nhiên, trong hai thập niên vừa qua, chương trình ODA của Nhật Bản đã gặp một số trở ngại như tình trạng bất ổn kinh tế không còn cho phép Nhật Bản duy trì chương trình ODA quy mô như trước. Sau khi đạt tới đỉnh vào năm 1997, chương trình ODA của Nhật Bản đã giảm mạnh trong thời gian qua. Giờ đây, Nhật Bản không cảm thấy hài lòng về vị trí quốc gia đóng góp ODA thứ hai thế giới, sau Mỹ. Để khắc phục những trở ngại này, Nhật Bản đang tìm kiếm các biện pháp hợp lý để sử dụng kinh phí bị giới hạn sao cho hiệu quả nhất.
Đánh giá về bài viết của Thủ tướng Abe, chuyên gia Yuki Tatsumi của tờ The Diplomat nhận định rằng tại Nhật Bản, khi nói về đóng góp "hữu hình" cho cộng đồng quốc tế, sự chú ý thường tập trung vào bao nhiêu sứ mệnh của LHQ và các nhiệm vụ khác mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia. Nhưng khi Nhật Bản nhắc tới "đóng góp" cho toàn thế giới, người dân thường có xu hướng nhìn lại lịch sử hỗ trợ phát triển kinh tế các quốc gia khác của nước này.
Tuy nhiên, chuyên gia Yuki cho rằng "trong bối cảnh an ninh của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang bị đe dọa bởi tình trạng bất ổn và nghèo đói", Thủ tướng Abe dường như đã ám chỉ tới dự luật an ninh mới sửa đổi và được Thượng viện nước này thông qua. Theo đó, các biện pháp quân sự không thể duy trì hòa bình nếu không có triển vọng cho phát triển kinh tế. Nhưng để làm được điều này cần phải có những nguyên tắc cơ bản về an ninh của con người và an ninh chung được bảo đảm. Nói cách khác, Nhật Bản sẽ sử dụng cả các biện pháp quân sự và hỗ trợ kinh tế để đạt được và duy trì hòa bình trên thế giới.
Thủ tướng Abe được cho là muốn chia sẻ quan điểm này của Nhật Bản khi cùng sử dụng "quyền lực mềm" là kinh tế và "quyền lực cứng" là sức mạnh quân sự để "đóng góp vào hòa bình" trên thế giới trong bài phát biểu của ông tại Đại hội đồng LHQ.
Ngọc Anh
Theo Diplomat