1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động đất/sóng thần tại Indonesia: 34 sinh viên bị chôn vùi, 52 người mất tích

(Dân trí) - Đội tìm kiếm cứu hộ Indonesia đã phát hiện thi thể của 34 sinh viên tử vong trong đống bùn đất sạt lở tại một nhà thờ sau thảm họa động đất/sóng thần ở đảo Sulawesi. 52 sinh viên khác hiện cũng đang mất tích.

Động đất/sóng thần tại Indonesia: 34 sinh viên bị chôn vùi, 52 người mất tích

Khung cảnh tan nát tại Donggala, trung tâm đảo Suwelasi khi động đất/sóng thần đi qua. (Ảnh: Reuters)
Khung cảnh tan nát tại Donggala, trung tâm đảo Suwelasi khi động đất/sóng thần đi qua. (Ảnh: Reuters)

Tìm thấy thi thể 34 người, 52 người vẫn mất tích

Theo hãng tin AFP, phát ngôn viên hội Chữ thập đỏ Indonesia Aulia Arriani ngày 2/10 xác nhận đã tìm thấy thi thể của 34 sinh viên. Đây là những người nằm trong nhóm 86 sinh viên bị mất tích khi đi cắm trại trong đợt tập huấn của Trung tâm huấn luyện nhà thờ Jonooge, ở quận Sigi Biromaru, theo thông báo trước đó. Như vậy, vẫn còn 52 nạn nhân hiện chưa rõ tung tích ra sao.

“Khó khăn nhất khi tìm kiếm các nạn nhân là bùn đất quá dày đặc. Đội cứu hộ phải lội qua lớp bùn đặc quánh một tiếng rưỡi đồng hồ để mang các thi thể nạn nhân ra xe cứu thương”, bà Arriani cho hay.

Ngày 30/9, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia ngày cho biết, số người thiệt mạng vì thảm họa động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi của nước này đã vượt 1.200 người.

Hiện những người sống sót đang đối diện với hoàn cảnh sống rất khó khăn vì tình trạng thiếu nước ngọt và lương thực, cũng như các bệnh viện địa phương quá tải vì số lượng thương vong quá lớn.

Đường xá hư hỏng nặng nề khiến các thiết bị cứu trợ, máy xúc, phương tiện không thể tới được vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mức độ tàn phá kinh hoàng của thảm họa tự nhiên cũng là trở ngại lớn với đội cứu hộ.

Theo thống kê của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Nhân đạo, có khoảng 191.000 người đang cần hỗ trợ khẩn cấp, trong đó có 46.000 trẻ em và 14.000 người cao tuổi. Số lượng người thiệt mạng có thể tăng lên cao, do thi thể nạn nhân vẫn chìm trong đống đổ nát. Thời tiết nhiệt đới nóng ẩm của Indonesia khiến các thi thể nhanh chóng phân hủy, gây ra nguy cơ lây lan mầm bệnh truyền nhiễm.

Tại Poboya, khu vực đồi núi nằm trên thành phố Palu, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa kép, các tình nguyện viên đã bắt đầu đào hố chôn tập thể 1.300 nạn nhân.

Thiệt hại không thể lường trước

Địa điểm hứng chịu sóng thần nằm ở vị trí hẹp, sâu trong vịnh khiến cường độ sóng thần trở nên rất mạnh (Đồ họa: BBC)
Địa điểm hứng chịu sóng thần nằm ở vị trí hẹp, sâu trong vịnh khiến cường độ sóng thần trở nên rất mạnh (Đồ họa: BBC)

BBC trích lời chuyên gia Hamza Latief của Viện Kỹ thuật Bandung (Indonesia) cho biết khu vực bị động đất ở đảo Sulawesi vốn có cấu tạo địa chất nguy hiểm. Các lớp trầm tích dày có trong lòng đất đã khiến tác động của trận động đất 7,5 độ richter trở nên nguy hiểm gấp nhiều lần.

Khi đất đá phía dưới rung lên vì chấn động, trầm tích di chuyển liên tục xung quanh, bản chất giống như chất lỏng. Với những căn nhà xây dựng với kết cấu kém bền vững, việc bị rung lắc và đổ sập xuống là điều dễ hiểu trong môi trường địa chất nhiều biến động. Chính vì vậy, kết cấu địa chất kém ổn định ở Suwelasi được coi là nguyên nhân đầu tiên khiến cho thiệt hại từ động đất trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, dù các chuyên gia luôn cảnh báo rằng sóng thần có thể đi kèm với động đất, nhưng mức độ lớn của sóng thần quá lớn đến bất ngờ. Với những con sóng có lúc cao tới 6m, cuốn phăng mọi chướng ngại vật mà nó lao tới. Các chuyên gia cho rằng do Palu nằm ở vị trí hẹp của vùng Vịnh, nơi tập trung năng lượng của sóng, làm tăng độ cao của cơn sóng khi nó tới gần bờ. Do đó, điều đó đã khiến cho sóng thần mạnh không ngờ tới.

Cuối cùng, hệ thống cảnh báo sóng thần do Đức cung cấp cho Indonesia, ghi nhận được dữ liệu sóng thần ở gần Palu, nhưng cảnh báo dường như bị “đứt” không tới được với người dân. Các chuyên gia cho rằng cảnh sát dường như đã không thông báo nguy hiểm tới người dân, và hệ thống loa cảnh báo có thể đã không hoạt động, khiến các nạn nhân hoàn toàn bất ngờ trước thảm họa tự nhiên.

Tìm kiếm thân nhân thiệt mạng

Đường xá hư hại nghiêm trọng sau thảm họa động đất/sóng thần (Ảnh: AFP)
Đường xá hư hại nghiêm trọng sau thảm họa động đất/sóng thần (Ảnh: AFP)

Tại Balaroa, khu vực nội thành Palu, địa điểm từng là khu tổ hợp nhà ở, cây cối đổ rạp, những khối bê tông nát vụn, sắt thép, khung cửa, đồ nội thất ngổn ngang trên đường phố.

Một nhóm người dáo dác tìm kiếm trong đống đổ nát, hoang mang không biết phải đào từ đâu. Ba trong số họ đang tìm kiếm cậu em trai.

Đội cứu hộ đang chạy đua thời gian và sự thiếu thốn thiết bị tìm kiếm đã ngăn trở quá trình giải thoát nhiều nạn nhân đang mắc kẹt dưới những khu nhà đổ nát.

Hai trên tổng số khoảng 60 người đã được kéo ra khỏi khách sạn 80 phòng Roa-Roa và may mắn vẫn còn sống. Đội cứu hộ hy vọng con số này sẽ tăng lên.

Nhiều người sống sót đang tuyệt vọng tìm kiếm người thân yêu trong khi vẫn đang phải chống chọi với những cú sốc từ thảm họa tự nhiên.

Adi, người đang ôm vợ trên bãi biển khi sóng thần ập tới ngày 28/9, hiện giờ không biết vợ mình đang ở đâu, còn sống, hay đã chết. “Khi sóng ập tới, tôi đã mất dấu cô ấy. Tội bị đánh văng đi 50 m, tôi không thể cầm nắm vào vật gì”, Adi nói.

Những người khác đã tập trung tại các khu tập kết thi thể, run rẩy mở từng túi đựng xác của những nạn nhân đang chờ được nhận diện và gọi tên.

Xe ô tô bị cuốn bay vào nhà dân sau thảm họa tự nhiên (Ảnh: AFP)
Xe ô tô bị cuốn bay vào nhà dân sau thảm họa tự nhiên (Ảnh: AFP)

Cơ sở hạ tầng trên đảo bị hư hỏng nặng (Ảnh: AFP)
Cơ sở hạ tầng trên đảo bị hư hỏng nặng (Ảnh: AFP)

Đức Hoàng

Tổng hợp