1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dòng chảy “vợ ngoại” ở châu Á - cuốn theo những hệ lụy

(Dân trí) - Mỗi năm, hàng nghìn phụ nữ từ Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia nhận lời ra nước ngoài kết hôn mang theo “giấc mơ ngoại”. Nhưng giấc mơ của họ lắm khi là ác mộng, để lại những hậu quả đáng buồn và gây ra những vấn đề đáng lo ngại cho xã hội.

  
Dòng chảy “vợ ngoại” ở châu Á - cuốn theo những hệ lụy  - 1
Trong các cuộc hôn nhân “mai mối xuyên biên giới”, thường thì hai bên gặp nhau vào buổi sáng và làm đám cưới ngay buổi chiều.

Tại một số vùng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tỉ lệ mất cân bằng giới tính khiến cho nam giới ngày càng khó kiếm vợ. Đàn ông có xu hướng quay sang các nước láng giềng nghèo hơn để tìm kiếm người bạn đời. Ở những nước này, với nền kinh tế phát triển, mọi người có xu hướng trì hoãn hôn nhân, đặc biệt là phụ nữ. Do vậy, nam giới ngày càng khó tìm được vợ, đặc biệt nếu họ rơi vào một số tình trạng bất lợi như là nông dân hoặc công nhân tay nghề thấp, ở độ tuổi quá cao để kết hôn hoặc trong nhóm trình độ học vấn thấp.

Tỉ lệ đàn ông cưới vợ nước ngoài ngày càng gia tăng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, số trường hợp kết hôn với cô dâu nước ngoài từ năm 1995 đến năm 2006 đã tăng 75%, lên 35.993 cặp. Ở Hàn Quốc, nơi việc tìm vợ ở nước ngoài khá phổ biến, hơn 1/3 số dân chài và nông dân kết hôn trong vòng một năm tính đến tháng 5/2009 đã cưới các cô dâu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện tượng “nhập vợ” ở đàn ông Trung Quốc là rõ rệt nhất. Trước đây, Trung Quốc là nước “xuất khẩu” cô dâu. Giờ đây, đàn ông từ các vùng có tỉ lệ nam giới vượt trội hơn nữ giới bắt đầu tìm kiếm vợ ở các vùng khác trên đất nước Trung Quốc hoặc ở nước ngoài.

Có cầu ắt có cung. Mỗi năm, hàng nghìn phụ nữ từ Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia đã nhận lời kết hôn với “chồng ngoại”. Đa số họ là những phụ nữ trẻ chịu nhiều thiệt thòi mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng có nhiều người tìm được bến đỗ, nhưng số phụ nữ than phiền họ bị cô lập và trầm cảm trong hoàn cảnh mới có xu hướng ngày càng tăng. Thậm chí, đã xảy ra một số trường hợp phụ nữ lấy chồng ở nước ngoài có ý định tự tử hay giết người.
 
Dòng chảy “vợ ngoại” ở châu Á - cuốn theo những hệ lụy  - 2
Đôi vợ chồng Kim Choong-Hwan ( người Hàn Quốc) và Ngo Ngoc Quy Hong (người Việt Nam) kết hôn năm 2007 - một cuộc hôn nhân có hậu.

Thảm cảnh của nhiều cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn đã được báo chí liên tục nói đến. Ngoài vụ cô gái vừa bị chồng đâm chết, vào năm 2007 đã có trường hợp một cô dâu trẻ người Việt bị chồng Hàn đánh một cách dã man cho đến chết, hay là vụ một người khác bị người chồng vũ phu đánh phải bỏ chạy và rơi từ một tòa nhà cao tầng xuống đất thiệt mạng. Theo giới hoạt động bảo vệ các cô dâu ngoại quốc tại Hàn Quốc, đây dường như là kết cục được báo trước khi một số cô dâu nước ngoài đã bị quảng cáo bịp bợm đánh lừa và rốt cuộc đã phải chung sống với những người chồng nghèo, hay là bị tật bệnh, nghiện rượu hoặc vũ phu.

Mặt trái của thực trạng “nhập vợ” chưa dừng lại ở đó. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Đông Nam Á cho rằng nỗ lực để điều chỉnh tỉ lệ mất cân bằng giới tính theo phương thức này rất nguy hiểm. IOM phát hiện những dòng chảy lớn phụ nữ trẻ ra nước ngoài kết hôn sẽ tạo ra tình trạng tương tự như Trung Quốc hiện nay. Một số nước sẽ thiếu phụ nữ ở độ tuổi kết hôn. Tình trạng đó sẽ dẫn tới hiện tượng buôn bán phụ nữ. Một số người tìm kiếm và buôn bán phụ nữ từ những vùng khác tới để bù lấp số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn thiếu hụt. Đối với những nước xảy ra tình trạng này, vấn đề đáng lo ngại không chỉ là việc tỉ lệ mất cân bằng giới tính trầm trọng, mà nó có thể phá vỡ cơ cấu xã hội.

Năm 2009, Trước những lời phàn nàn cho rằng nhiều cô dâu nhập cư tới Đài Loan bị đối xử tệ bạc, chính quyền Đài Loan đã ban hành lệnh cấm các dịch vụ mai mối hôn nhân thương mại quốc tế. 18 tháng trước, Campuchia thành lập Hiệp hội Bảo vệ Người dân và đưa ra các quy định về vấn đề kết hôn với người nước ngoài. Tại Philippines , từ hơn 10 năm qua, nước này đã ban hành lệnh cấm các tổ chức thương mại môi giới kết hôn quốc tế hoạt động và tất cả các cặp vợ chồng đều được phỏng vấn để đảm bảo rằng họ kết hôn hợp pháp.

Cùng với nhiều nước ở châu Á, Indonesia đang điều chỉnh lại luật hôn nhân và Hàn Quốc hiện cũng đang tìm cách xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trong vấn đề này. Tuy nhiên, với tỉ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng gia tăng ở một số khu vực châu Á và việc ngày càng nhiều phụ nữ mong muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vấn đề phụ nữ di cư kết hôn với người nước ngoài đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Việt Hà
Theo các báo nước ngoài