Đông Bắc Á và sự thăng trầm “thâm căn, cố đế”
(Dân trí) - Đông Bắc Á đang cuộn những cơn sóng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, những căng thẳng này chỉ mang tính tạm thời trong thời điểm cả ba cường quốc trong khu vực là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang chuẩn bị thay đổi lãnh đạo.
Nếu nhìn rộng hơn về toàn bộ quá trình phát triển và hợp tác ở khu vực Đông Bắc Á có thể dễ dàng nhận thấy, tình hình an ninh ở khu vực này luôn trong tình trạng “hết căng rồi lại trầm”, do nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ cả hiện tại và quá khứ. Sự thăng trầm “thâm căn, cố đế” đó thường xuất hiện vào những thời điểm diễn ra các sự kiện nóng trong khu vực như nhân kỷ nhiệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, hay các kỳ bầu cử quan trọng ở các quốc gia trong khu vực.
Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay ở Đông Bắc Á, người ta cũng không khó để nhận ra rằng những tuyên bố chủ quyền chồng chéo của các nước trên biển Hoa Đông nổi lên đúng vào thời điểm kỷ niệm 67 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, đồng thời phản ánh nỗ lực của các chính phủ khu vực muốn làm giảm áp lực từ những bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế trong nước khi cả ba nước đều đang bước vào giai đoạn chính trị quan trọng.
Cụ thể, vào tháng 11 tới, Trung Quốc bắt đầu cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng ở cấp lãnh đạo cao nhất, từ thế hệ thứ tư sang thứ năm và là cuộc chuyển giao đầu tiên trong 10 năm qua. Tiếp đó, vào tháng 12, Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang rơi vào giai đoạn bất ổn chính trị, với khả năng Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ phải từ nhiệm trong vài tháng tới.
Vì vậy, dưới góc nhìn của các nhà phân tích, mặc dù có việc các đại sứ liên tục bị triệu tập hoặc triệu hồi, các vụ bắt giữ tàu thuyền diễn ra thường xuyên, các cuộc viếng thăm quần đảo tranh chấp diễn ra liên tiếp và những lời chỉ trích qua lại giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt, song cũng không nên quá lo ngại về việc căng thẳng hiện nay sẽ bị đẩy lên cao hơn.
“Trước thời điểm thay đổi người đứng đầu quốc gia, cả ba nước dường như đang phải chịu tác động của dư luận. Người dân và các chính trị gia có xu hướng đề cập đến các vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo cảm hứng”, Giáo sư Nam Chang-hee thuộc Đại học Inha của Hàn Quốc nhận định.
“Đối với các chính trị gia, khi lá phiếu đang bị đe dọa thì rất khó có thể nhượng bộ hoặc thỏa hiệp, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền. Cái chính là họ sẽ không bao giờ đề cho tình hình bên ngoài vượt ngoài tầm kiểm soát”, Giáo sư danh dự Chun In-young thuộc Đại học Quốc gia Seoul chia sẻ.
Một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và Nhật Bản cũng có chung nhận định cho rằng sự thay đổi về mặt lãnh đạo tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tạm thời nới rộng những rạn nứt đã có từ Thế chiến II.
“Những thay đổi về mặt quyền lực trong nước khiến cho các chính phủ khó có thể coi nhẹ các vấn đề chủ quyền trong giai đoạn hiện nay. Họ cần phản hành động cứng rắn nhưng vẫn giữ trong phạm vi kiểm soát”, Giáo sư Jia Qingguo của Trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh nói.
"Trong suốt thời gian chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo, tất cả các chính trị gia đều phải hiếu chiến. Họ phải thể hiện cho những người ủng hộ trong nước thấy rằng họ sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào trước thế lực nước ngòai", Phó giáo sư Wang Yu tại Đại học Hong Kong đồng tình.
Khi Nhật Bản đang trở nên quyết đoán hơn, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng không ngừng gia tăng ảnh hưởng trước thời khắc thay đổi thì những căng thẳng hiện nay là điều có thể hiểu được.
Lịch sử căng thẳng tại Đông Bắc Á
Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải với cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Với Trung Quốc, đó là chuỗi đảo không có người ở mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hiện tại Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo này nhưng Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền quần đảo thuộc về mình. Vì thế, tại đây thường hay xảy ra các cuộc đối đầu giữa tàu tuần duyên Nhật Bản với tàu cá Trung Quốc và cũng là nơi chứng kiến nhiều chuyến viếng thăm của các nhà hoạt động hai nước, bất chấp những hậu quả căng thẳng về ngoại giao sẽ xảy ra sau đó.
Vào tháng 4 vừa qua, căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu nổi lên khi Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara và sau đó là chính phủ Nhật Bản công khai ý định mua lại chuỗi đảo không người ở này từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật, khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.
Trung tuần tháng này, căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng khi một nhóm người Trung Quốc khởi hành từ Hồng Kông tới chuỗi đảo tranh chấp hôm 15/8. Bốn ngày sau, 10 nhà hoạt động Nhật Bản cũng đặt chân lên chuỗi đảo trên một con tàu chở khoảng 150 người.
Cả hai chuyến thăm đã gây cơn bão chính trị mạnh trong quan hệ ngoại giao hai nước, mặc dù Nhật Bản đã nhanh chóng đưa ra quyết định trục xuất 14 người Trung Quốc bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ ngay khi họ cố tình đổ bộ lên hòn đảo lớn nhất thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư, bất chấp 3 lần nhận được lệnh cảnh báo từ lực lượng cảnh sát biển.
Đây không phải là lần đầu tiên quan hệ Trung - Nhật bị đẩy vào thế “căng như dây đàn” vì những hoạt động liên quan tới quần đảo tranh chấp. Cách đây hai năm, Senkaku/Điếu Ngư cũng là tâm điểm căng thẳng trong quan hệ song phương khi lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Chiêm Kỳ Hùng của Trung Quốc sau một vụ va chạm trên biển. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Tokyo đã chọn giải pháp cứng rắn hơn nhiều khi quyết định giam giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng trong nhiều ngày, khiến quan hệ hai nước rơi vào khủng hoảng ngoại giao toàn diện với việc Bắc Kinh ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong suốt một thời gian dài.
Trong khi đó, với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Takeshima/Dokdo theo cách gọi tương ứng của hai nước. Khác với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản, quần đảo Takeshima/Dokdo hiện do Hàn Quốc quản lý.
Tranh cãi tại đây dấy lên hôm 10/8 vừa qua khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak dẫn đầu một nhóm quan chức rẽ sóng ra đảo để ghi điểm với cử tri trong nước khi chỉ còn hơn hai tháng nữa là sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại nước này.
Ông Lee là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đặt chân đến Điếu Ngư/Senkaku kể từ khi nổ ra tranh chấp biển đảo giữa hai nước cách đây vài thập kỷ, và tất nhiên chuyến thăm của ông đã gây phản ứng giận dữ từ phía Nhật Bản.
Tuy nhiên bất chấp điều đó, chỉ 3 ngày sau, một nhóm nhà hoạt động Hàn Quốc cùng với các sinh viên và ca sĩ nổi tiếng đã tổ chức cuộc bơi tiếp sức 230 km từ một cảng phía Đông tới nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Các cầu thủ bóng đá tham dự Olympic London cũng giơ biểu ngữ "Dokdo là của Hàn Quốc" tại đấu trường Thế vận hội, khiến huy chương đồng của đội bóng bị xem xét.
Mới đây nhất, Hàn Quốc còn công bố kế hoạch sẽ tiến hành tập trận hỗn hợp hải - lục - không quân và cảnh sát biển vào tháng sau. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay quân sự Hàn Quốc nhằm thể hiện bảo vệ quần đảo Dokdo trước nguy cơ bị các tàu nước ngoài tấn công.
Ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền hai quần đảo nói trên, giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tồn tại một vấn đề mâu thuẫn mang tính lịch sử khác liên quan đến ngôi đền thờ chiến tranh Yasukuni, nơi thờ 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong chiến tranh, trong đó có cả 14 nhân vật bị coi là tội phạm chiến tranh.
Vì hiểu rõ tính nhạy cảm của ngôi đền này nên ngay từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Noda đã yêu cầu các bộ trưởng tránh xa ngôi đền vào những dịp tinh thần dân tộc dâng cao tại các nước láng giềng. Tuy nhiên, do uy tín giảm sút của ông cùng với một cuộc tuyển cử có thể diễn ra vào cuối năm nay đã không giúp ông ngăn cản được chuyến viếng thăm mới đây của hai bộ trưởng Nhật Bản.
Theo giới phân tích, việc chính trường Nhật Bản liên tục thay người cầm lái trong thời gian gần đây là nguyên nhân chính gây xói mòn sự hiện diện về mặt ngoại giao của Nhật Bản, đồng thời tạo kẽ hở đến các đối thủ giành ưu thế trong những vụ tranh cãi chủ quyền.
Thay cho lời kết
Có thể thấy với những vấn đề bất đồng xuất phát từ lịch sử, quan hệ giữa 3 nước lớn ở Đông Bắc Á rất dễ nổi sóng. Đằng sau sự tranh cãi đó là sự cạnh tranh gay gắt về địa chiến lược trong khu vực giữa một Nhật Bản muốn khẳng định vị thế cường quốc trong khu vực, một Trung Quốc đang nổi lên và một Hàn Quốc với các chính sách cứng rắn, không chỉ trong vấn đề lãnh thổ.
Tuy nhiên vượt trên tất cả, xu hướng hợp tác vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh quan hệ chính trị tại Đông Bắc Á với điểm sáng là hợp tác về kinh tế và thương mại. Những căng thẳng hiện nay, suy cho cùng cũng chỉ là những bước lùi tạm thời trong thế trận ngoại giao, khi mà vừa hợp tác, vừa cạnh tranh luôn là cuộc đua đầy phức tạp và mỗi quốc gia có những lý do riêng để bảo vệ những lợi ích của mình nhất là trong bối cảnh cả ba nước đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quan trọng.
Đức Vũ