1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối thoại Shangri-la: Trung Quốc tiếp tục ngụy biện cho các hành vi sai trái

Bắc Kinh trước đó luôn cho rằng, hội nghị này chỉ nhằm tăng cường vị thế của Mỹ nên không cử quan chức cấp cao tham gia.

Đối thoại Shangri-la 2014 - diễn đàn an ninh quan trọng và có uy tín nhất ở Châu Á sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến ngày 1/6 với sự tham gia của các đại biểu, quan chức đến từ nhiều quốc gia.

Một phiên họp trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Một phiên họp trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Hội nghị này là nơi để Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số cường quốc khác thảo luận, đối thoại những vấn đề thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực.

Những năm gần đây, Đối thoại Shangri-la đã trở thành sự kiện hàng năm của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng chủ chốt của 27 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Giới phân tích cho rằng, việc Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam sẽ làm nóng diễn đàn Shangri-la năm nay.

Nguy hiểm hơn khi các tàu chấp pháp, kiểm ngư của Việt Nam ra khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 để thực thi nhiệm vụ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam bằng phương pháp hòa bình thì các tàu hộ tống gồm cả quân sự lẫn các tàu hải giám, ngư chính, máy bay của Trung Quốc đe dọa, khiêu kích, dùng phương tiện tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam.

Đỉnh điểm của những hành vi gây hấn là việc các tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam khi chiếc tàu này đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cách vị trí giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép khoảng 17 hải lý.

Chuyên gia cao cấp Alexander Neill của Đối thoại Shangri-La nói với báo giới trước thềm hội nghị: “Trong vòng 12 tháng qua, an ninh khu vực rõ ràng đã đi xuống Niềm tin trong quan hệ song phương đã suy giảm. Ẩn giấu phía sau tất cả điều này là sự thù địch giữa một Trung Quốc đang lên và siêu cường hiện tại là Mỹ”.

Bài phát biểu được mong đợi của ông Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách là một trong các diễn giả chính tại hội nghị, sẽ có bài phát biểu vào ngày khai mạc 30/5. Theo tờ Sankei Shimbun, Nhật Bản sẽ tận dụng bài phát biểu tại hội nghị để tạo đối trọng với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang có những hành động phô trương sức mạnh và gây căng thẳng trên Biển Đông.

Ông Abe sẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và kêu gọi "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng" để giảm căng thẳng.

Một phiên họp trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách là một trong các diễn giả chính tại hội nghị, sẽ có bài phát biểu vào ngày khai mạc 30/5 (Ảnh: Getty Images)
“Đối với tình hình căng thẳng leo thang tại biển Đông và biển Hoa Đông, chúng tôi hy vọng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng sẽ được tổ chức, nhằm hướng tới ổn định và hòa bình trong khu vực này”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định.

Theo tờ Sankei Shimbun, Thủ tướng Abe có thể không đích danh nhắc tới Trung Quốc, nhưng bất kỳ ai cũng sẽ hiểu rằng, đối tượng mà ông sẽ quy trách nhiệm cho các tranh chấp đang leo thang ở Biển Đông và Hoa Đông chỉ có thể là Trung Quốc.

Ông Abe “có thể sẽ thông báo mục tiêu của ông nhằm đưa Tokyo giữ các vai trò lớn hơn tại châu Á bằng việc sử dụng liên minh Nhật - Mỹ như là nền tảng”, Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia tại Tokyo, nhận định.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ - cả về vật chất và tinh thần với Philippines và Việt Nam – hai quốc gia hiện đều vướng vào các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Chuyên gia Malcolm Cook tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định: “Các nước thuộc ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc chắc chắn sẽ ủng hộ ông Abe. Nhật Bản hoàn toàn có thể đưa ra những lời chỉ trích thẳng thắn và đích đáng với Trung Quốc”.

Chuyên gia Tim Huxley thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, đánh giá: “Cảm nhận của chúng tôi là thông điệp của ông Abe sẽ tạo được rất nhiều sự chú ý, không chỉ là với Trung Quốc”.

Theo nhận định của Reuters, bất chấp việc một số nước có thể sẽ kiềm chế không bày tỏ sự hoan nghênh nhiệt liệt vì sợ động chạm Bắc Kinh nhưng thông điệp của ông Abe chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là sau những động thái gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ không đứng ngoài cuộc

Hãng tin Reuters ngày 29/5 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định, Mỹ sẽ không bị phân tâm bởi các mối đe dọa nổi lên ở khắp nơi trên thế giới và không gì có thể cản trở được kế hoạch tăng cường sức mạnh, củng cố vị thế quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Ảnh: AP)
Trả lời các phóng viên trước khi lên đường tới Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La, ông Hagel khẳng định, các cam kết của Mỹ với châu Á hiện đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Tuyên bố này của ông Hagel được cho là để trấn an các đồng minh trong khu vực trước một Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, ông sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tự do hàng hải trong khu vực trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý với gần trọn diện tích ở Biển Đông.

Ông Hagel cũng nói rằng, Mỹ sẵn sàng can thiệp giải quyết mọi vấn đề nếu Mỹ nhận thấy Trung Quốc cố tình gây gây căng thẳng và tạo ra những thách thức mới.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã khẳng định ông sẽ tham dự Đối thoại Shangri-la và đưa vấn đề căng thẳng hiện nay tại Biển Đông và hành động khiêu khích của Trung Quốc ra diễn đàn quan trọng này.

Theo thượng nghị sĩ, Mỹ ủng hộ ASEAN và Trung Quốc tiến tới bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kêu gọi các bên xử lý khác biệt bằng biện pháp hòa bình. Quan điểm này sẽ được Mỹ nhắc lại trên bất cứ diễn đàn nào.

Trung Quốc sẽ tiếp tục ngụy hiện cho các hành động sai trái?

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cử các quan chức ngoại giao hàng đầu đến tham dự sự kiện an ninh này. Dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc là cựu Thứ trưởng Ngoại giao và hiện là chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, Phó Oánh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Ảnh: AP)

Dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc là cựu Thứ trưởng Ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, Phó Oánh (Ảnh: Getty Images)
Về phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu 11 người đến dự hội nghị.

Theo giới quan sát, Trung Quốc muốn cử lực lượng hùng hậu tới Shangri-la để có sức biện minh cho các hành động khiêu khích trên biển Đông thời gian qua, bao gồm vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Trước đó, Bắc Kinh luôn cho rằng, Đối thoại Shangri-la thực chất là hội nghị duy trì và tăng cường vị thế chủ đạo của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, thông thường sẽ không cử quan chức cấp cao tham gia.

Giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân Dân cũng thừa nhận, trong Đối thoại Shangri-la năm nay, Bắc Kinh hy vọng đưa đến một đoàn đại biểu hùng mạnh và giỏi hùng biện hơn “nhằm bảo vệ chính sách ngoại giao của Trung Quốc một cách chuyên nghiệp”.

Ông Hoằng nói thêm: "Trung Quốc sẽ gửi một phái đoàn hùng biện mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những lần tham dự trước. Các nhà ngoại giao sẽ bảo vệ một cách chuyên nghiệp chính sách đối ngoại của Trung Quốc". Theo giới phân tích, động thái này cho thấy, Bắc Kinh sẽ tiếp tục bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế để thực hiện yêu sách phi lý của họ./.

Theo Hùng Cường
VOV