Đối đầu Nga-Phương Tây: Dấu hiệu chiến thắng của Tổng thống Putin
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 vừa qua, phương Tây đã dựa vào một chiến lược của các lệnh trừng phạt và cô lập quốc tế nhằm gây tổn hại đến nền kinh tế nước này và buộc Điện Kremlin ngừng sự hỗ trợ đối với lực lượng dân quân ở miền đông Ukraine.
Nhưng một loạt những thành công về mặt ngoại giao gần đây của Tổng thống Vladimir Putin - không chỉ với các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ mà còn có một số quốc gia khác, cụ thể là Iran, CHDCND Triều Tiên và Pakistan- đã vô hiệu hóa tính hiệu quả của chiến lược này.
Bị “xa lánh” tại Hội nghị G-20, Tổng thống Nga đã rời Brisbane (Australia) sớm, tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sẽ làm tổn thương đến các nền kinh tế châu Âu trong bất cứ trường hợp nào.
Tổng thống Nga Putin (phải).
Rõ ràng, ông Putin đã không e ngại, tiếp tục đưa ra những sáng kiến quan trọng với các quốc gia mà phương Tây có những quan ngại lớn về an ninh, tăng cường ảnh hưởng ngoại giao và mở rộng quan hệ với đối tác quan trọng nhất của Moskva: Trung Quốc. Tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Putin khẳng định rằng Nga sẽ không trở thành nước bị cô lập đằng sau một bức "Màn Sắt" mới.
Với Iran, Điện Kremlin đã đề xuất thành lập một ngân hàng chung, cho phép các công ty Nga mở rộng giao dịch thương mại song phương mà không cần sử dụng các đồng tiền của phương Tây hay lo lắng về các lệnh trừng phạt tài chính. Kế hoạch này bổ sung vào thỏa thuận “đổi dầu lấy hàng” được thiết lập vào mùa hè vừa qua, qua đó Nga có thể trao đổi hàng hóa của mình lấy khoảng 500.000 thùng dầu của Iran mỗi ngày.
Hợp tác an ninh song phương giữa hai nước cũng được thúc đẩy, với việc Hải quân Nga và hạm đội Caspian của Iran đã tổ chức diễn tập hàng hải chung trong vòng 3 ngày. Cho đến nay, các nỗ lực làm suy yếu mối quan hệ của Nga với Iran (và cả với Syria) của phương Tây được cho là đều thất bại. Tháng 10 vừa qua, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin, đã phê phán sự phá sản trong sáng kiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu nhằm can dự vào Iran và Syria mà ông gọi là “các đồng minh hợp lý trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực”.
Bên cạnh đó, Nga đã ký một thỏa thuận để đảm bảo rằng các công ty của nước này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự của Iran. Theo thỏa thuận này, Moskva sẽ giúp Tehran xây dựng từ 2-8 nhà máy điện hạt nhân. Những nhà máy điện mới trên, giống như nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mà Nga xây dựng cho Iran ở Bushehr, sẽ nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và chỉ sử dụng nhiên liệu hạt nhân do Nga sản xuất.
Với Triều Tiên, ngành ngoại giao của Nga thậm chí còn đạt được nhiều sự tiến triển hơn. Mùa hè vừa qua, Tổng thống Nga đã tuyên bố xóa nợ 90% trong tổng số 11 tỷ USD mà Triều Tiên nợ từ thời Liên Xô trước đây, và tuyên bố rằng Moskva sẽ dùng số tiền nợ mà Bình Nhưỡng phải trả để đầu tư vào các dự án y tế, giáo dục và năng lượng tại Triều Tiên.
Điều này đã mở đường cho các dự án phát triển và đầu tư mới giữa hai nước và trong khu vực. Cụ thể, các công ty Nga đang lên kế hoạch giúp xây dựng lại mạng lưới đường sắt của Triều Tiên để đối lấy việc được tiếp cận với các nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được phát triển tại nước này.
Nga cũng là quốc gia mà nhiều quan chức cao cấp của Triều Tiên viếng thăm hơn bất kỳ một nước nào khác trong năm 2013, trong đó có đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Choe Ryong-hae, một quan chức cấp cao trong Đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên, người đã dành trọn một tuần để gặp gỡ các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị của Nga. Thực tế, điều này ngụ ý rằng Tổng thống Putin đang chuẩn bị là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có cuộc gặp với ông Kim Jong-un.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Pakistan.
Tháng 10 cũng là một tháng thành công đối với ngành ngoại giao của Moskva tại Pakistan, với việc ông Sergei Shoigu trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nga tới thăm quốc gia này kể từ năm 1969. Trong chuyến thăm này, ông Shoigu và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã ký một thỏa thuận chưa có tiền lệ nhằm thiết lập một khuôn khổ để hai bên tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung, thăm viếng cảng lẫn nhau và đối thoại sâu rộng hơn về các vấn đề an ninh trong khu vực.
Ngoài ra, Điện Kremlin đã làm dịu sự phản đối của mình đối việc trở thành thành viên đầy đủ của Pakistan trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan). Chính phủ Nga cũng đồng ý bán cho Pakistan khoảng 20 chiếc trực thăng tấn công hạng nặng Mil Mi-35 “Hind-E” nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố và buôn bán ma túy.
Cho đến nay, Nga vẫn hạn chế bán các thiết bị quân sự hiện đại cho Pakistan nhằm tránh gây tổn hại đến mối quan hệ với Ấn Độ. Nhưng khi mối quan hệ chiến lược của Moskva với New Delhi được tăng cường, bao gồm việc thông qua một cơ chế chung để mua và cung cấp vũ khí Nga cho chính phủ Afghanistan, ông Putin đã tự tin đẩy mạnh hợp tác với Pakistan. Một số thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga gần đây đã chứng minh rằng sự tự tin của ông là đúng.
Tất cả những điều trên có lẽ là vừa để nâng tầm ảnh hưởng của Nga so với với Trung Quốc, nước có mối quan hệ chặt chẽ với Iran, Triều Tiên và Pakistan, vừa khéo léo tìm cách phá thế cô lập Moskva của phương Tây. Rõ ràng, đó được coi là một thắng lợi của ông Putin khi đã làm phức tạp những nỗ lực ngoại giao của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, và có thể buộc khối này phải thay đổi chính sách đối ngoại đối với Moskva và một số quốc gia khác, trong khi họ vẫn phải chịu áp lực để hợp tác với Nga về các vấn đề như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố.
Theo Công Thuận
Báo tin tức/ P.S