1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối đầu Mỹ - Trung: "Đừng mơ Washington sẽ nhẹ tay với Bắc Kinh"

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng dù ông Trump có tái đắc cử vào Nhà Trắng năm sau hay không thì Washington cũng sẽ không thay đổi chính sách mạnh tay với Trung Quốc, khi nước này luôn ôm mộng bá quyền.

Đối đầu Mỹ - Trung: Đừng mơ Washington sẽ nhẹ tay với Bắc Kinh - 1

(Ảnh minh họa: Industryweek)

Mỹ và Trung Quốc đang hi vọng có thể sớm đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt thương chiến căng thẳng giữa hai nước. Nhưng sự đối đầu giữa hai cường quốc thế giới không chỉ về thương mại mà còn bao trùm toàn bộ lĩnh vực các kinh tế, quốc phòng, công nghệ và văn hóa.

Vậy Mỹ muốn gì từ Trung Quốc và đâu là cái kết?

Câu trả lời ngắn gọn là thỏa thuận thương mại sơ bộ mà Tổng thống Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã bắt tay tại phòng Bầu dục hồi tháng trước. Nhưng trên thực tế, sự đối đầu giữa hai nước mở rộng hơn nhiều ngoài lĩnh vực thương mại.

Đã có một sự thay đổi rõ rệt về thái độ của Mỹ với Trung Quốc trong những năm gần đây, và cần lưu ý là sự thay đổi này diễn ra ngay cả trước khi ông Trump trở thành ông chủ mới tại Nhà Trắng.

Hãng tin BBC dẫn lời ông Daniel Kliman, một cựu cố vấn cấp cao tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng chẳng riêng gì ông Trump, dù bà Hillary Clinton thắng cử vào năm 2016 hay một ứng viên Dân chủ hay Cộng hòa khác thì vẫn có sự thay đổi lớn này trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh.

Có nhiều lý do cho sự gia tăng căng thẳng này. Các lợi ích kinh tế mà Trung Quốc từng hứa hẹn khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 chưa từng trở thành hiện thực.

"Trung Quốc không muốn chơi theo luật lệ"

Ray Bowen, nhà phân tích kinh tế cho chính phủ Mỹ từ 2001-2018, cho hay Trung Quốc không bao giờ có ý định chơi theo luật lệ. “Dường như Trung Quốc định tham gia diễn đàn đa phương để bắt đầu thay đổi cách diễn đàn đa phương chi phối toàn cầu”. Nói cách khác, Trung Quốc tham gia với ý định thay đổi thế giới thay vì tự thay đổi.

Kết quả là, đã xảy ra làn sóng lớn mất việc làm và đóng cửa các nhà máy tại Mỹ, được biết tới với tên gọi “cú sốc Trung Quốc”. Các tiểu bang ở trung tây nước Mỹ từng ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 đã hứng chịu cú sốc này.

Nhiều công ty Mỹ đã chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, các công ty chuyển tới Trung Quốc cũng phải trả giá đắt. Trung Quốc buộc các công ty này chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Thậm chí các công ty cũng không chuyển sản xuất cũng nhận thấy rằng Trung Quốc bằng cách nào đó đã có được các bí mật thương mại của họ. Các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ có một danh sách dài các cáo buộc nhằm vào các cá nhân và công ty Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp và tấn công mạng.

Giám đốc FBI Christopher Wray gần đây phát biểu trước quốc hội rằng hiện có ít nhất 1.000 cuộc điều tra đang diễn ra nhằm vào việc đánh cắp trí tuệ từ các công ty Mỹ mà chủ yếu là chuyển cho Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ ước tính tổng giá trị sở hữu trí tuệ bị Trung Quốc đánh cắp trong 4 năm qua tính tới 2017 lên tới 1.200 tỷ USD.

Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến quan hệ Mỹ - Trung “cơm không lành, canh không ngọt”.

Khi các công ty phát hiện ra rằng các sáng chế của họ đang bị đánh cắp, khi các sản phẩm của họ đang bị đảo ngược, các quá trình nghiên cứu và phát triển của họ đang bị xâm nhập, ngày càng có nhiều công ty kết luận rằng việc làm ăn với Trung Quốc không mang lại lợi nhuận và thậm chí còn có hại.

Từ nội bộ chính phủ, nhà phân tích kinh tế Ray Bowen đã nhận thấy có sự thay đổi lớn từ cuối năm 2015. Những người trước đó ủng hộ hợp tác với Trung Quốc đã trở nên cảnh giác khi Trung Quốc bắt kịp rất nhanh.

Trung Quốc vượt mặt khi Mỹ ngủ quên

Cùng lúc đó tại Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Robert Spalding dẫn đầu một nhóm xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia mới nhằm đối phó với sự lớn mạnh và sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau đó ông đã rời quân đội và viết một cuốn sách có tên gọi “ Cuộc chiến vô hình, Trung Quốc đã vượt mặt thế nào trong khi giới thượng lưu Mỹ ngủ quên”.

Khi được hỏi về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với các lợi ích của Mỹ, câu trả lời của ông Spalding là rất rõ ràng. “Đó là mối đe dọa lớn nhất kể từ Thế chiến II. Tôi cho rằng nó còn lớn hơn nhiều so với thời Liên Xô. Với tư cách là nền kinh tế thứ 2 thế giới, tầm với của Trung Quốc, đặc biệt trong các chính phủ và tất cả các tổ chức của phương Tây, đều lớn hơn nhiều so với Liên Xô từng cố gắng làm”.

Công việc của Tướng Spalding tại Lầu Năm Góc đã cho ra đời Chiến lược An ninh Quốc gia công bố tháng 12/2017. Đó được xem là tài liệu hàng đầu trong chính phủ Mỹ, được thiết kế để hướng dẫn tất cả các bộ, và đã cho thấy sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc.

Giờ đây, đã có sự chuyển hướng từ cuộc chiến chống khủng bố và thay vào đó, sự cạnh tranh giữa các nước lớn đã thay thế khủng bố trở thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ, chuyên gia Bonnie Glaser từ Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định.

Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đây tin rằng việc đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc là một trong những mục tiêu quân sự lớn của Mỹ trong những thập niên tới. Tốc độ mà Trung Quốc xây dựng, quân sự hóa một chuỗi đảo nhân tạo ở Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, đã làm thức tỉnh nhiều người tại Washington.

Ước tính 5,3 nghìn tỷ USD thương mại của thế giới đi qua Biển Đông mỗi năm. Các hành động của Trung Quốc bị xem là mưu đồ nhằm cắt "huyết mạch" của thương mại toàn cầu.

Độc chiếm công nghệ cao

Trung Quốc đã tỏ rõ tham vọng nhằm đứng đầu thế giới trong các công nghệ quan trọng của tương lai như robot và trí tuệ nhân tạo. Đây được xem là hạt nhân của cuộc chạy đua, vì nếu Trung Quốc thành công trong các lĩnh này thì nước này có thể vượt Mỹ trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới.

Đó là những gì đang bị đe dọa. Vị thế ưu việt về quân sự của Mỹ dựa trên không chỉ dựa trên một lực lượng quân đội khổng lồ, mà dựa trên các hệ thống vũ khí công nghệ cao. Nếu Trung Quốc dẫn đầu trong các công nghệ quan trọng này thì Mỹ có thể không bắt kịp.

Cuộc đua công nghệ phi quân sự cũng rất quan trọng. Trung Quốc không chỉ làm chủ các công nghệ để giám sát và kiểm duyệt ở trong nước mà ngày càng xuất khẩu những công nghệ này ra nước ngoài.

Daniel Kliman, một cựu cố vấn cấp cao tại Bộ Quốc phòng Mỹ, tin rằng cuộc đua chiến mà ông gọi là “độc chiếm công nghệ cao” sẽ ngày càng trở thành vấn đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận về Trung Quốc.

BBC viết, vì thế, đừng mong lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi trong tương lai gần, dù Tổng thống Trump có thất bại trong cuộc bầu cử năm tới. Quan điểm tại Washington về Trung Quốc đã thay đổi.

Cuộc thảo luận chính trị thực chất duy nhất lúc này không phải là liệu có đối phó với Trung Quốc, mà là cách đối phó phù hợp nhất thế nào. Nhiều thành viên đảng Dân chủ thiên về hướng tham gia với các đồng minh để chống lại cách tiếp cận đơn phương của ông Trump. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên đảng Dân chủ đều biết rằng sẽ có ít phiếu bầu nếu họ ủng hộ một chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc.

An Bình

Theo BBC