1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Doanh nghiệp Trung Quốc “oằn mình” vì dịch bệnh corona

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khó trong việc phục hồi năng lực sản xuất khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành và các biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển vẫn đang được áp dụng để chặn dịch.

 
Doanh nghiệp Trung Quốc “oằn mình” vì dịch bệnh corona - 1

Bên trong nhà máy Sunwill ở Quảng Đông (Ảnh: SCMP)

Đều đặn mỗi ngày hồi tuần trước, giám đốc nhân sự công ty Sunwill Felix Luo đều bận rộn điều các xe đường dài tới các tỉnh lân cận trụ sở nhà máy ở Quảng Đông để đón các công nhân đi làm. Những người này sẽ tham gia vào dây chuyền sản xuất quạt cho máy điều hòa cho các hãng điện tử lớn của Nhật Bản.

Những chuyến xe riêng được điều tới Quảng Tây và Giang Tây để giúp các công nhân có thể đến làm việc ở các dây chuyền sản xuất trong vòng 5 ngày. Họ cũng sẽ không phải trải qua cách ly 14 ngày bắt buộc theo quy định của chính quyền với những người sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển.

Sunwill tới thời điểm này đã “hồi phục” được khoảng 60% số công nhân trở lại làm việc, sau khi khoảng 700 người đã quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài và các biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Trong cuối tuần qua, Sunwill đã đưa 100 công nhân bằng xe hơi trở lại công xưởng. Họ cũng đã cân nhắc tới việc tuyển thêm lao động mới.

“Điều khó khăn nhất để phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất chính là sự thiếu lao động. Chúng tôi đã nghĩ tới rất nhiều cách để tìm được nhân công”, giám đốc điều hành Sunwill Mo Yiyan cho hay.

Các chính sách hạn chế di chuyển đang khiến các công ty sản xuất và nhà máy gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động. Hiện thời, một số địa phương không cho các lao động rời đi nếu họ không tìm được chủ thuê lao động lo việc di chuyển cho họ, trong khi một số nơi khác cảnh báo người lao động rằng họ sẽ không thể quay trở về địa phương nếu họ chấp nhận rời đi để tìm việc.

Vào thời điểm sau Tết Âm lịch, lao động nhập cư Trung Quốc thường tới các nhà máy xếp hàng dài nộp hồ sơ để kiếm việc. Tuy nhiên, bệnh dịch đã khiến hoạt động này trở nên bất khả thi.

“Chúng tôi điều xe tới làng và thị trấn đón công nhân đến thẳng nhà máy làm việc. Các chuyến xe riêng thì an toàn hơn phương tiện công cộng, giúp trấn an nỗi lo lắng của cả công nhân, gia đình họ và các quan chức địa phương”, giám đốc Mo cho hay.

Những khó khăn

Tuy nhiên, cách làm nói trên không phải là có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Các công xưởng, nhà máy quy mô nhỏ tại khu vực xung quanh sông Dương Tử và Châu Giang không có đủ kinh phí để thuê phương tiện đưa công nhân tới làm việc để họ có thể khôi phục năng lực sản xuất như trước khi dịch bệnh diễn ra.

Chính quyền các địa phương trên khắp Trung Quốc đang nới lỏng các quy tắc hạn chế cho các công ty sản xuất với doanh thu năm trên 2,8 triệu USD để họ có điều kiện thuận lợi khởi động lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho các công ty vừa và nhỏ tiếp tục gặp khó khăn trong việc bắt đầu công việc làm ăn trở lại.

Mặt khác, các công ty nhỏ và vừa cũng có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vì họ chính là những đơn vị sản xuất ra các bộ phận nhỏ cung cấp cho các công ty lớn hơn.

Blue Moon, một công ty sản xuất nước giặt ở Quảng Châu, cho biết chính quyền đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, bao gồm giảm thuế, giảm lãi suất, cung cấp khẩu trang để công ty này có thể nối lại sản xuất.

“Tuy nhiên, năng lực sản xuất của chúng tôi vẫn trông chờ vào sự phục hồi từ các nhà phân phối ở dưới. Nếu các nhà cung cấp không có hàng giao cho chúng tôi, sự khôi phục của chúng tôi vẫn sẽ bị hạn chế”, phó giám đốc điều hành Blue Moon Xu Yuling cho hay.

Người đứng đầu nhà máy sản xuất Galanz (Quảng Đông) Liang Zhaoxian cho hay: "Chúng tôi phải tự chi trả phí tuyển dụng, chênh lệch trong nguyên liệu thô (tăng giá vì dịch) và chi phí mua khẩu trang. Tôi phải hủy hết các hợp đồng vì công nhân không thể từ quê lên tiếp tục làm việc. Tôi không dám tái khởi động sản xuất mặc dù tôi vẫn cần phải trả tiền mặt bằng, thuế và các chi phí khác".

"Những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi vẫn đang bị thiệt hại. Nhưng tình hình bệnh dịch quá phức tạp vào lúc này và chúng tôi không thể vừa lo tất cả mọi thứ vừa tuân thủ theo mọi yêu cầu của chính quyền", Liang lý giải. 

Đức Hoàng

Theo SCMP