Doanh nghiệp phương Tây tìm cơ hội làm ăn với Bình Nhưỡng
(Dân trí) - Trong khi tình hình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn đang căng thẳng thì một số doanh nghiệp của phương Tây rất muốn tới đất nước này để tìm cơ hội làm ăn.
Có rất nhiều trở ngại khi các công ty nước ngoài tìm tới CHDCND Triều Tiên: chính sách kinh tế, rào cản ngôn ngữ… Các biện pháp cấm vận quốc tế cũng khoá hầu hết các chuyển nhượng tài chính, làm cho việc đầu tư và chi trả trở nên khó khăn. Giờ đây, sau vụ thử hạt nhân vào ngày 9/10, các hoạt động kinh doanh trở nên khở khăn hơn bởi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư phương Tây không những không bi quan mà còn tỏ ra rất lạc quan về môi trường kinh doanh CHDCND Triều Tiên khi được đội ngũ công nhân lành nghề hỗ trợ, đồng thời các nhà lãnh đạo cũng luôn sẵn lòng chào đón các quĩ đầu tư quốc tế.
Doanh nhân người Anh Roger Barrett, giám đốc Trung tâm tư vấn doanh nghiệp Hàn Quốc có trụ sở tại Trung Quốc cho biết: “Bình Nhưỡng đang rất “khát” các doanh nghiệp”. Vừa qua, ông Roger cũng dẫn một đoàn đạt biểu gồm 11 khách hàng châu Á và châu Âu sang Bình Nhưỡng để chơi golf và tiếp xúc với đại diện thương mại của CHDCND Triều Tiên.
Roger Barrett tiết lộ thêm: “Các nhà đầu tư đã từng đổ dồn tới Trung Quốc nhưng giá lao động ở đó đang lên cao. Họ đang tìm kiếm một sự lựa chọn khác và CHDCND Triều Tiên rõ ràng có khả năng thay thế”.
Felix Abt, ông chủ người Thuỵ Sĩ đang sở hữu 2 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Nhưỡng cho biết: “Công nhân ở đây rất chăm chỉ và có tay nghề. Thậm chí ở đây còn dễ lấy được giấy phép kinh doanh và hoàn thiện các thủ tục cần thiết nhanh hơn ở Trung Quốc và Việt Nam”.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại CHDCND Triều tiên với 620 tỉ USD, sở hữu một khu chế xuất và một khu nghỉ dưỡng dành cho người nước ngoài trong khi mức đầu tư của Trung Quốc ở mức thấp hơn nhiều, 31 tỉ USD.
Mỹ cũng đã điều chỉnh chính sách để cho phép các công ty của họ được quyền giao thương với CHDCND Triều Tiên dưới những điều kiện nhất định, mặc dù căng thẳng giữa 2 chính phủ đã làm tăng độ rủi ro thành công của các doanh nghiệp. Các quốc gia công nghiệp khác như Anh, Đức, Thuỵ Điển… cũng vẫn đặt quan hệ chính thức với chính phủ của Chủ tịch Kim Jong-il.
VTH
Theo AP