1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đoàn tụ Hàn - Triều sau gần 70 năm: "Như chưa từng có cuộc chia ly"

(Dân trí) - Những cái ôm, nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc là những khoảnh khắc xúc động được ghi lại trong cuộc đoàn tụ giữa những người thân trên bán đảo Triều Tiên sau gần 70 năm ly tán.

Những người thân mang theo kỷ vật là những bức ảnh gia đình tới cuộc đoàn tụ ngày 20/8 (Ảnh: Reuters)
Những người thân mang theo kỷ vật là những bức ảnh gia đình tới cuộc đoàn tụ ngày 20/8 (Ảnh: Reuters)

Cuộc đoàn tụ kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ hôm 20/8, tại khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang nổi tiếng tại Triều Tiên là sự kiện đầu tiên trong 3 năm và được xem là biểu tượng cho sự chia cắt đau đớn vẫn kéo dài cho tới tận bây giờ trên bán đảo Triều Tiên, dù chiến tranh đã lùi xa từ hơn 6 thập niên trước. Những người thân trong gia đình đã ôm chầm lấy nhau, nhiều người đã khóc nghẹn và không thể nói được lời nào trong vài phút.

Nhiều người phụ nữ Triều Tiên đã mặc trang phục truyền thống gắn huy hiệu có in hình cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il trên ngực, trong khi người Hàn Quốc phần lớn mặc vest. Họ đã tìm cách hàn gắn lại hàng chục năm xa cách bằng những cử chỉ thân mật và chỉ cho nhau xem những bức ảnh về người thân của mình.

Bà Han Shin-ja (phải) gặp lại hai con gái sau hàng chục năm ly tán (Ảnh: AFP)
Bà Han Shin-ja (phải) gặp lại hai con gái sau hàng chục năm ly tán (Ảnh: AFP)

Ngay sau khi bà Han Shin-ja, 99 tuổi, bước vào nơi đoàn tụ, hai con gái của bà, lần lượt 69 tuổi và 72 tuổi, đã cúi gập đầu để chào mẹ. Tất cả cùng bật khóc nức nở. Bà Han kề má vào mặt các con và nắm tay họ rất chặt.

“Khi mẹ rời đi hồi chiến tranh…”, bà Han bắt đầu nói trước khi nghẹn lời vì nước mắt. Người mẹ 99 tuổi dường như muốn xin lỗi các con của bà vì đã bỏ rơi họ cách đây hàng chục năm.

Ở tuổi 92, bà Lee Keum-seom đã già yếu và mệt mỏi. Cuộc đoàn tụ hôm qua là lần đầu tiên bà được gặp lại con trai, ông Ri Sang Chol, kể từ khi gia đình ly tán. Bà Lee ôm theo con gái mới sinh rời khỏi Triều Tiên còn chồng bà và con trai vẫn ở lại.

Khi đó Ri Sang Chol mới chỉ 4 tuổi còn bây giờ ông đã 71 tuổi. Bà Lee đã gọi tên trước khi ôm chầm lấy con. Cả hai cùng nghẹn ngào xúc động.

Bà Lee Keum-seom gặp lại con trai Ri Sung Chol hôm 20/8 (Ảnh: AFP)
Bà Lee Keum-seom gặp lại con trai Ri Sung Chol hôm 20/8 (Ảnh: AFP)

Ông Ri đã chỉ cho mẹ mình xem những bức ảnh của gia đình tại Triều Tiên, trong đó có cả người chồng quá cố của bà.

“Đây là ảnh của bố”, ông Ri nói với mẹ.

Chia sẻ với AFP, bà Lee nói: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng là ngày này sẽ đến. Tôi thậm chí còn không biết là liệu con trai tôi còn sống hay đã chết”.

Khi thời gian trôi đi, những cuộc đoàn tụ giữa cha mẹ và con cái như gia đình bà Lee ngày càng khan hiếm. Kể từ năm 2000, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức khoảng 20 cuộc đoàn tụ. Tuy nhiên hầu hết trong số hơn 130.000 người Hàn Quốc đăng ký tham gia kể từ khi sự kiện bắt đầu đều đã qua đời. Hơn một nửa trong số những người đăng ký còn sống đều đã trên 80 tuổi, trong đó người cao tuổi nhất tham gia cuộc đoàn tụ năm nay cũng đã 101 tuổi.

Ông Ham Sung-Chan (Hàn Quốc), 93 tuổi, ôm em trai Ham Dong-Chan, 79 tuổi trong cuộc đoàn tụ (Ảnh: Reuters)
Ông Ham Sung-Chan (Hàn Quốc), 93 tuổi, ôm em trai Ham Dong-Chan, 79 tuổi trong cuộc đoàn tụ (Ảnh: Reuters)

Ông Park Ki-dong, 82 tuổi, đã có cơ hội gặp lại những người anh em ruột từ Triều Tiên trong cuộc đoàn tụ. Họ mang theo hàng chục bức ảnh gia đình từ Triều Tiên tới cuộc gặp. Ông Park Sam Dong chỉ vào một trong số các bức ảnh và nói: “Đây là anh”.

Ông Park Ki-dong im lặng nhìn vào bức ảnh và chìm sâu trong suy nghĩ, trong khi em gái ông lặng lẽ lau nước mắt.

Buồn vui ngày đoàn tụ

Đối với nhiều người, cuộc đoàn tụ lần này có thể là lần cuối cùng họ được gặp người thân của mình (Ảnh: Reuters)
Đối với nhiều người, cuộc đoàn tụ lần này có thể là lần cuối cùng họ được gặp người thân của mình (Ảnh: Reuters)

Là điểm chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, những bộ trang phục là cách để gợi nhắc những người có mặt tại cuộc đoàn tụ về lịch sử chung của họ. Theo Guardian, ý nghĩa của cuộc đoàn tụ thậm chí còn lớn hơn nhiều vì trên thực tế, đây có thể là cơ hội cuối cùng để những người thân được gặp mặt nhau.

“Thưa các chú, hãy nhận của cháu một lạy”, bà Seo Soon-gyo, 55 tuổi, nói khi người cha 87 tuổi của bà gặp lại hai em trai từ Triều Tiên.

Người đàn ông lau nước mắt khi gặp lại người thân sau nhiều năm ly tán (Ảnh: Reuters)
Người đàn ông lau nước mắt khi gặp lại người thân sau nhiều năm ly tán (Ảnh: Reuters)

Khoảng 330 người Hàn Quốc từ 89 gia đình, trong đó có nhiều người phải ngồi trên xe lăn, đã gặp lại 185 người thân từ Triều Tiên. Cuộc đoàn tụ ngắn ngủi chỉ diễn ra trong 11 giờ đồng hồ nhưng đã cho thấy rất nhiều khoảnh khắc xúc động. Những giọt nước mắt, niềm vui và cả sự hoài nghi vì nhiều người không tin rằng đây là sự thật.

Ông Lee Su-nam từ Hàn Quốc lần đầu tiên được gặp lại anh trai Lee Jong-seong trong 68 năm tại cuộc đoàn tụ ở Triều Tiên. Ông khóc nhiều tới mức các nhân viên giám sát bên phía Triều Tiên phải an ủi ông. Ông Lee nói rằng mình rất may mắn khi có cơ hội gặp lại người thân.

“Tôi nghĩ sẽ có nhiều sự khác biệt về ngôn ngữ, về cách suy nghĩ và cả về lối sống của chúng tôi”, ông Lee nói trước khi bắt đầu cuộc đoàn tụ.

Những người thân cùng nhau ôn lại kỷ niệm trong ngày đoàn tụ (Ảnh: Reuters)
Những người thân cùng nhau ôn lại kỷ niệm trong ngày đoàn tụ (Ảnh: Reuters)

Cuộc đoàn tụ cũng cho thấy sự khác biệt lớn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Người Hàn Quốc chuẩn bị nhiều món quà cho người thân của họ, trong đó chủ yếu là các vật dụng thiết yếu như áo ấm, tất, đồ lót, thuốc, kem đánh răng và đồ ăn. Các gia đình được khuyên không nên tặng tiền và chính phủ Hàn Quốc cũng nhắc nhở người dân từ chối nhận những món quà mang tính chất tuyên truyền.

Những gia đình từng tham gia các cuộc đoàn tụ trước đây nói rằng đây là một trải nghiệm buồn vui lẫn lộn đối với họ. Một số người than phiền rằng khoảng thời gian họ được gặp nhau quá ngắn, trong khi những người khác cảm thấy buồn vì khoảng cách về suy nghĩ giữa những người thân với nhau sau hàng chục năm xa cách.

Nhiều người phải ngồi trên xe lăn khi được đưa tới cuộc đoàn tụ với người thân (Ảnh: AFP)
Nhiều người phải ngồi trên xe lăn khi được đưa tới cuộc đoàn tụ với người thân (Ảnh: AFP)

Mặc dù vậy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người cũng từng bị chia cắt với người thân ở thành phố cảng Hungnam của Triều Tiên, hôm qua cho biết các cuộc đoàn tụ nên được tổ chức thường xuyên, bao gồm cả các cuộc gặp mặt lẫn trao đổi thư từ.

“Thật xấu hổ cho cả chính quyền Hàn Quốc và Triều Tiên khi nhiều người qua đời mà không biết người thân của họ còn sống hay đã chết. Mở rộng và tăng cường các cuộc đoàn tụ gia đình là ưu tiên hàng đầu trong các dự án nhân đạo do hai chính quyền Hàn - Triều thực hiện”, ông Moon Jae-in nhấn mạnh.

Thành Đạt

Tổng hợp