1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đoạn trường tìm vợ của trai làng Hàn Quốc

Chính những nốt tàn nhang trên gò má là thứ giúp cô thiếu nữ tuổi đôi mươi đánh số 242 được chọn trong cả một tốp thiếu nữ đứng trước mặt các chú rể tương lai trong một khách sạn ở TP HCM.

Jeong Ha-gi, 46 tuổi, bay sang Việt Nam trong một tour du lịch dành cho đàn ông độc thân. Anh tìm kiếm một người vợ đủ khỏe mạnh để cùng anh sống cuộc đời làm ruộng. Cố gắng quan sát một hồi, cuối cùng Jeong quyết định chọn một cô có nước da thô nhất nhưng đầy vẻ rắn chắc. Họ cưới nhau sau đó 3 ngày.

 

Giờ đây hai người đang sống một cuộc sống lặng lẽ và hơi buồn rầu, với khoảng cách là sự khác biệt về văn hóa. Cô không nói tiếng Hàn, anh không nói tiếng Việt. Họ nói chuyện với nhau - mà cũng rất hiếm khi nói chuyện - nhờ một cuốn sách chỉ dẫn ngôn ngữ. Nguyen Thu Dong, 20 tuổi, không muốn dậy từ 5 giờ sáng để làm việc đồng áng. Cô cũng chẳng ưa mùi kim chi.

 

"Chúng tôi có nhiều vấn đề lắm", Jeong, người chồng mặc chiếc áo lót có in hình một tài tử điện ảnh Hàn Quốc, nói. "Chúng tôi khác nhau về tuổi tác, về văn hóa, về thức ăn. Nhưng tôi cần một người vợ và cô ấy là người tôi đã có".

 

Bất chấp nhiều khó khăn, ngày càng nhiều đàn ông Hàn Quốc ra nước ngoài tìm vợ. Họ chẳng có cách nào khác nếu không muốn ở độc thân cả đời.

 

Thị trường hôn nhân ở châu Á đang nhanh chóng toàn cầu hóa, và điều đó quả thực quá tốt cho hàng chục nghìn thanh niên độc thân ở nông thôn Hàn Quốc, nơi họ khó mà kiếm được vợ. Khó lấy vợ Hàn để sinh con đẻ cái ra nối tiếp nghề nông, những anh chàng "phòng không" này huy động tiền của cả gia đình cho đủ 20.000 USD, lên đường kiếm vợ ngoại.

 

Hiện tượng này trở nên phổ biến đến mức năm ngoái có tới 13% số cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc có yếu tố ngoại. Hơn một phần ba số trai tráng nông dân Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài, chủ yếu là cô dâu Việt Nam, Trung Quốc và Philippines.

 

Thị trường hôn nhân toàn cầu hóa đã bắt đầu bộc lộ những ảnh hưởng của nó, chẳng hạn, khiến cho tình trạng khan hiếm phụ nữ ở lứa tuổi kết hôn ở Trung Quốc thêm trầm trọng.

 

“Định kiến thích con trai từ đã có từ lâu ở  châu Á, nhưng giờ đây chúng ta cần phải xét đến thị trường hôn nhân trong thế kỷ 21", Valerie M. Hudson, nhà nghiên cứu chính trị và là tác giả cuốn sách viết về tình trạng thừa nam giới trong dân số châu Á, nhận xét.

 

Truyền thống đó dẫn đến tình trạng tỷ lệ sinh bất cân đối ở Hàn Quốc: 113 nam so với 100 nữ. Siêu âm là thủ thuật phổ biến ở đây từ những năm 1980, và thế hệ những em bé được siêu âm khi đó đang cập tuổi kết hôn.

 

Tuy nhiên, yếu tố lớn hơn dẫn đến tình trạng này là sự biến mất của các cô dâu ở nông thôn, bởi phụ nữ ngày nay muốn ra thành phố để tìm việc làm hoặc một tấm chồng, hoặc cả hai.

 

"Phụ nữ Hàn Quốc không muốn ở nông thôn. Họ không muốn phải đi làm đồng ruộng để rồi đốt cháy làn da của mình. Sống ở thành phố thoải mái hơn, đỡ bị kiểm soát", Yang Soon-mi, một nhân viên xã hội làm việc cho Bộ Nông nghiệp nói.

 

Chuyện thiếu vợ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp và nông dân, vốn đang bị đe dọa bởi làn sóng đô thị hóa và tự do thương mại. Không có vợ, trai tráng không muốn ở lại nông thôn. Không có vợ, không có trẻ con để nối nghề của bố.

 

Cả Hàn Quốc và Đài Loan đều đau đầu vì tỷ lệ sinh thấp, khoảng 1,1 con mỗi phụ nữ (theo số liệu của Cơ quan tham khảo dân số ở Washington công bố tháng trước). Hàn Qụốc không hạn chế sinh đẻ và còn miễn giảm thuế để khuyến khích việc sinh con.

 

Tại khu vực Jeolla ở miền tây Hàn Quốc, nhiều làng mạc trông như bỏ hoang, trong làng hầu như toàn ông bà già và gần như không có bóng dáng trẻ em.

 

"Quanh đây chỉ có người già thôi", Le Pho, một phụ nữ Việt 22 tuổi lấy chồng cách đây một năm và đang mang bầu, nói. Con của cô sẽ là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra ở làng Seogok-ri này trong 20 năm qua. Bất chấp các quy định, bác sĩ vẫn siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, và nhờ đó Le biết con cô là trai.

 

"Chồng và mẹ chồng tôi sướng lắm. Họ đối xử với tôi rất tốt kể từ khi biết đứa bé là trai", Le cho biết. "Hàng xóm cũng vui. Khi họ thấy bụng tôi to lên, họ thích ghê lắm".

 

Hầu hết các cô dâu Việt ở Hàn đến từ đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cô dâu mới Nguyen Thu Dong cho biết cô đồng ý lấy anh Jeong Ha-gi chỉ để trốn chạy cái nghèo.

 

"Tôi biết nhiều cô khác cũng lấy chồng ngoại. Đàn ông đến từ Hong Kong, Hàn Quốc. Cho dù các bạn tôi có bạn trai người Việt, họ vẫn muốn lấy chồng ngoại, để đi xa", Thu Dong, cô gái người Cần Thơ, nói.

 

Thu Dong kể rằng vào hôm sinh nhật 19 tuổi, cha mẹ cô nói rằng có người mối lái muốn giúp cô kết duyên với người nước ngoài.

 

"Đầu tiên tôi bảo không", Thu Dong kể. "Khi đó tôi đang làm nghề giúp việc nhà cho người ta. Nhưng sau đó tôi về nhà cha mẹ, tôi thấu hiểu họ đang túng bấn thế nào nên gật đầu đồng ý".

 

Jeong từng có một đời vợ. Anh đến Việt Nam cùng em trai, nhập vào một đoàn gồm 12 người đàn ông, tuổi từ hơn 30 đến 50. Còn các cô gái trong khách sạn hôm đó đều trẻ hơn 25 tuổi. Cả các chú rể và cô dâu tương lai đều than phiền là dịch vụ phiên dịch không như ý.

 

Jeong kể rằng khi họ gặp nhau, anh nói với vợ tương lai ngay lập tức, rằng anh là nông dân, và cô trả lời cô cũng lớn lên từ đồng ruộng và yêu cuộc sống nông thôn.

 

Nhưng Thu Dong thì cho biết người mối lái nói với cô rằng chồng tương lai là nhân viên bàn giấy sống ở thành phố.

 

"Anh ấy rất tốt với tôi, và tôi biết ơn anh. Nhưng nếu tôi biết trước là về nông thôn sống thì tôi không đi đâu", Thu Dong thừa nhận.

 

Vì chẳng mấy khi nói chuyện được với nhau, cặp vợ chồng ngay lập tức tận dụng cơ hội và nhờ phiên dịch của phóng viên làm cầu nối.

 

"Khi nào anh cho em về thăm nhà ở Việt Nam?", cô vợ hỏi giọng ai oán.

 

Đáp lại, người chồng nói: "Khi nào em sinh con đã".

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/Los Angles Times