1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều hoàn toàn không có lợi cho một cường quốc đang lên

(Dân trí) - Thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông không mới. Nhưng lần này, căng thẳng gia tăng khi Bắc Kinh phô trương sức mạnh quân sự trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng. Điều này hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc, vì họ là một cường quốc đang lên.

 
Điều hoàn toàn không có lợi cho một cường quốc đang lên - 1
Tàu Hải Tuần 31 của Trung Quốc.
 
Việc một tàu tuần tra trọng tải lớn của Trung Quốc có trang bị máy bay trực thăng tiến hành tuần tra ở Biển Đông đã gây ra những quan ngại rất lớn là tàu này có thể vừa hoạt động giám sát, vừa kiểm tra một số tàu bè nước ngoài trên Biển Đông.
 
Báo Nhật Bản dẫn lời ông Peter Dutton, Viện trưởng Viện nghiên cứu hải dương Trung Quốc thuộc Đại học Hải quân Mỹ, cho rằng Hải quân Trung Quốc đã củng cố sức mạnh hệ thống tên lửa và nâng cao năng lực chiến đấu của tàu chiến cũng như tàu ngầm để tăng cường quyền quản lý trên biển.

Như vậy là mặc dù cam kết sẽ không sử dụng vũ lực trong việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng qua những hành động gần đây, rõ ràng là Bắc Kinh muốn phô trương lực lượng bất chấp luật pháp quốc tế.

Báo Mỹ World Policy dẫn lời ông Abraham Denmark, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ ở Washington, nhận định Trung Quốc đang chơi trò 2 mặt ở Biển Đông: một mặt lớn tiếng về ý đồ hoà bình và lợi ích của việc phát triển quan hệ tốt với các nước tranh chấp ở Biển Đông , mặt khác lực lượng hải quân của họ tiếp tục tấn công tàu của các nước láng giềng.

“Mục đích của trò chơi 2 mặt này rất rõ ràng: tìm cách duy trì tình trạng căng thẳng ở mức độ thấp trong khi không ngừng khẳng định lợi ích của mình bằng sức mạnh cứng. Đối với Trung Quốc, không có sự liên kết nào giữa lời nói và hành động”, ông Denmark phân tích về ý đồ của Trung Quốc.

Hãng tin AP dẫn lời ông Ernest Bower, cố vấn cao cấp kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, cho rằng các nước, vốn lo ngại về cách hành xử của Trung Quốc, có thể kêu gọi Mỹ tiếp tay ứng phó với tình hình.

“Nếu Mỹ và các đối tác không có một chiến lược đúng đắn để đáp ứng, thế giới sẽ lâm vào cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Nếu kịch bản xấu nhất diễn ra, chiến tranh bùng nổ do cuộc tranh chấp ở Biển Đông, điều đó hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc vì Trung Quốc là một cường quốc đang lên”, ông Bower nói.

Trong 15 năm qua, có thể nói Trung Quốc đã đạt nhiều bước tiến, uy tín của Trung Quốc tại châu Á đã tăng đáng kể. Họ được coi như một đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập với khu vực. “Nhưng thời gian gần đây, Bắc Kinh dường như muốn thách thức các giới hạn đối với sức mạnh của mình, và khẳng định chủ quyền trong các cuộc tranh chấp biển đảo tại Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa. Thái động này thực sự gây khó chịu cho các nước láng giềng, làm cho các nước này quan ngại hơn về sự hiện diện của một nước láng giềng khổng lồ đang dương oai để trắc nghiệm sức mạnh của mình”, ông Bower phân tích.

Nhưng theo ông, cuộc tranh chấp hiện nay ở Biển Đông không có nguy cơ leo thang để trở thành một cuộc đối đầu quân sự và nếu xảy ra sẽ chẳng ai có lợi. “Hiện không phải là thời điểm để Trung Quốc khẳng định quyền lực của mình, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc bị coi là bên gây hấn ở Biển Đông, lấn át các nước nhỏ vốn chỉ tìm cách tự vệ. Tôi tin rằng chiến tranh sẽ là một đại họa đối với Trung Quốc, khu vực và cả Mỹ".

Cần một bàn đàm phán đa phương

Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phải điều chỉnh lập trường "thương thuyết tay đôi" vì vụ tranh chấp này ảnh hưởng tới an ninh của toàn khu vực và không thể giải quyết bằng đường lối song phương.

Giáo sư Triệu Hồng, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, nhận định đường lối đa phương mà Mỹ và các nước Đông Nam Á đề xuất cho nỗ lực giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông là một phương thức hợp lý.

“Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây không phải là Trung Quốc muốn hay không muốn. Có một số vấn đề không thể giải quyết bằng đường lối song phương mà cần phải thông qua những kênh đa phương. Đây là những vấn đề của cả khu vực, chứ không phải chỉ là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với một nước nào đó. Những vấn đề như vậy không thể chỉ dựa vào đàm phán song phương mà có thể giải quyết được”, ông nói.

Tiến sĩ Jonathan Pollack, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Brookings ở Washington, cho rằng Mỹ chắc chắn không thể khoanh tay đứng nhìn tình hình ngày càng trở nên căng thẳng ở Biển Đông. Ông Pollack nói: “Rõ ràng, Mỹ có những quyền lợi rất quan trọng trong cuộc tranh chấp này. Mặc dù vậy, Mỹ có một nguyên tắc cơ bản là không muốn dính líu tới những tranh chấp như vậy giữa các nước. Mỹ mong muốn tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và sẵn sàng thúc giục các bên liên quan có thái độ thận trọng và kiềm chế để giải quyết tranh chấp”.

Còn ông Michael Mazza, nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Doanh nghiệp Mỹ về Nghiên cứu Chính sách Công, nhận định việc Washington can dự vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông là đương nhiên. Trong khi đó, Tiến sĩ Tim Huxley, Giám đốc bộ phận châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã nhận thức được sự hạn chế của đường lối song phương và có thể sẽ phải điều chỉnh lập trường của mình.

Nhật Bản, nước đang có mâu thuẫn với Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku và khai thác các mỏ khí ở biển Hoa Đông, cũng đang lo ngại trước động thái tăng cường sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Dư luận Nhật Bản cho rằng chính phủ nước này, cũng giống như Indonesia và các nước châu Á khác đang ngày càng cảnh giác trước Trung Quốc, cần phải xây dựng các cơ cấu khung đối thoại rộng, nhiều tầng lớp.

“Việc tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ chắc chắn cũng có tác dụng kiềm chế Trung Quốc”, một chuyên gia Nhật Bản nói. “Có lẽ các nước cần phải tích cực tận dụng các cơ hội như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7 tới và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào mùa Thu năm nay để thúc giục Trung Quốc phải kiềm chế”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Tim Huxley của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, thừa nhận lập trường đàm phán của Trung Quốc “chắc chắn sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều”.

Nguyễn Viết