1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Điều gì khiến Mỹ “quay ngoắt 180 độ", tiếp tục điều quân tới Syria?

Phát ngôn trái ngược của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến hoạt động điều quân tại Syria đã khiến chính giới Mỹ và đồng minh “chao đảo”.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức chính phủ Mỹ ngày 4/4 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý kéo dài sự hiện diện của quân đội tại Syria trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia. Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố đang cân nhắc việc sớm rút quân ra khỏi Syria. Những phát ngôn trái ngược nhau đã khiến dư luận đặt câu hỏi, điều gì khiến ông Trump bất ngờ thay đổi lập trường như vậy?


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý kéo dài sự hiện diện của quân đội tại Syria. Ảnh: ABC.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý kéo dài sự hiện diện của quân đội tại Syria. Ảnh: ABC.

Sức ép từ chính giới và quân đội Mỹ

Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm 3/4, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý duy trì quân đội Mỹ tại Syria với mục đích tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo vị quan chức trên, nhà lãnh đạo Mỹ không phê chuẩn thời gian rút quân cụ thể, đồng thời mong muốn các quốc gia khác trong khu vực cũng như Liên Hợp Quốc tăng cường và trợ giúp thiết lập sự ổn định tại Syria.

Vậy mà chỉ cách đây chưa đầy 1 tuần, ông Donald Trump tuyên bố “Chúng tôi đã đập tan sào huyệt của IS. Chúng tôi sẽ rút quân ra khỏi Syria trong thời gian sớm nhất và để các lực lượng khác tiếp quản tình hình”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, cựu đại sứ Anh tại Syria cho rằng, mong muốn của ông Trump rút toàn bộ quân đội ra khỏi Syria sẽ không thể được thực hiện trong một sớm một chiều. “Tôi cho rằng đang có sự chia rẽ giữa Bộ Quốc phòng Mỹ với Nhà Trắng. Tổng thống Donald Trump thực sự muốn nhấc chân ra khỏi vũng lầy này, nhưng điều kiện và hoàn cảnh chưa cho phép”.

Trên thực tế, quan điểm của ông Trump dường như mâu thuẫn với những tuyên bố của các cố vấn an ninh của ông và quân đội Mỹ - vốn ủng hộ vai trò lâu dài của Mỹ ở Syria. Đề xuất rút quân khỏi Syria cũng vấp phải sự phản đối từ một số nghị sỹ Mỹ.

Tướng Lục quân Joseph Votel, người giám sát các lực lượng Mỹ tại Trung Đông, đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương nhấn mạnh: “Nhiệm vụ khó khăn vẫn còn ở phía trước. Đó là việc ổn định tình hình tại các khu vực ở Syria, củng cố lợi ích của Mỹ, đưa người dân trở về nhà, tái thiết các thị trấn và thành phố bị phá hủy trong giao tranh”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Adrian Rankine-Galloway khẳng định: “Sứ mệnh của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi chiến dịch đánh bại IS.”

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đầu tuần này cũng nhận xét rằng, đề xuất rút quân đội Mỹ khỏi Syria của ông Trump sẽ gây bất ổn cho khu vực và thúc đẩy sự hồi sinh của IS. "Đó là quyết định tồi tệ nhất mà Tổng thống có thể đưa ra", ông Graham nói.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, việc ông Donald Trump đồng ý duy trì quân đội ở lại Syria nhiều khả năng cũng có sự tác động của một số quan chức mới trong chính quyền, chẳng hạn như tân ngoại trưởng Miike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Cả hai nhân vật này dù ủng hộ chấm dứt cuộc chiến chống IS nhưng lại có quan điểm cứng rắn đối với Iran. Trước đó hai quan chức này từng thể hiện lo ngại việc Mỹ rút quân ra khỏi Syria sẽ tạo đà cho Iran mở rộng ảnh hưởng.

Sức ép từ liên minh chống khủng bố

Ngoài sức ép trong nội bộ, Tổng thống Mỹ còn phải đối mặt với ảnh hưởng từ các đồng minh chống khủng bố. Mỹ đang dẫn đầu một liên minh chống khủng bố gồm hơn 60 quốc gia tại Iraq và Syria, tiến hành nhiều chiến dịch không kích và tấn công quy mô lớn nhằm phá hủy sảo huyệt của IS cũng như Al Qedal. Do vậy việc bất ngờ rút quân ra khỏi chiến trường Syria sẽ khiến liên minh này như “rắn mất đầu”, khó phối hợp hiệu quả trong các hoạt động quân sự và có nguy cơ tan rã.

Bên cạnh đó, điều này cũng gây ra sự chia rẽ giữa Mỹ với lực lượng người Kurd nước này hỗ trợ bấy lâu nay, vốn đang bị yếu thế trước các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin. Người Kurd sẽ có thêm lý do để hoài nghi cam kết của Mỹ đối với cuộc chiến và đối với lợi ích của họ. Một quan chức cấp cao của lực lượng người Kurd phụ trách quan hệ với Mỹ cho biết: “Mỹ muốn chúng tôi thực thi và hoàn thành điều quan trọng đối với Mỹ, nhưng lại không quan tâm đến điều mà chúng tôi mong muốn. Hãy để họ chống khủng bố còn chúng tôi sẽ chiến đấu vì lợi ích của chính mình.”

Công sức của Mỹ tại Syria đổ bể?

Theo các chuyên gia, ít có khả năng việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria vì đây là các hoạt động khá tốn kém và có thể mang lại hậu quả mà các bên không lường trước được.

Ông Baris Doster - nhà phân tích tại Đại học Marmara cho biết, Mỹ đã dành rất nhiều thời gian để huấn luyện và đào tạo Lực lượng Dân chủ người Kurd (SDF), cũng như thiết lập hơn chục căn cứ quân sự tại Syria. “Đến thời điểm hiện tại Mỹ đã cung cấp cho các nhóm người Kurd 5.000 xe tải với vũ khí các loại, có kế hoạch đào tạo các nhóm này để lập nên quân đội chính quy lên tới 50.000 người. Bây giờ trên lãnh thổ Syria có 20 căn cứ của Mỹ. Sau khi đầu tư những khoản tiền lớn như vậy, chắc chắn người Mỹ sẽ không rời khỏi Syria trong tương lai gần", ông Doster khẳng định.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực, hãng Thông tấn Anadolu cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang thiết lập hai căn cứ mới ở khu vực Manbij để hỗ trợ lực lượng người Kurd chống lại lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Còn hãng tin Sputnik ngày 2/4 thông báo, ngoài Manbij, Mỹ còn bị xây căn cứ quân sự tại các khu vực trên bờ Đông của sông Euphrates nhằm cô lập các khu vực này khỏi phần còn lại của Syria.

Theo Hồng Anh

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm