Điều chỉnh để thích nghi
Việc điều chỉnh chiến lược an ninh của Nga là tất yếu và cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh mới.
Xe tăng Nga trình diễn tại triển lãm các thiết bị quân sự Oboronexpo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giữa năm 2009, khi lần sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia gần nhất của Nga được thông qua cho đến nay, thế giới không ngừng vận động với những diễn biến bất ngờ. Hiện mối đe dọa an ninh đối với Nga đến từ nhiều phía và ngày càng trở nên phức tạp. Điều chỉnh chiến lược trở thành yêu cầu cấp thiết và tất yếu trong bối cảnh hiện tại.
Trong tuyên bố sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia tới năm 2020 để “đảm bảo tiếp nối chính sách nhà nước trong phạm vi an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược”, nguyên tắc nền tảng của chiến lược mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 22/10 là gắn liền việc đảm bảo an ninh quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, cường quốc biển châu Âu này sẽ thực hiện chính sách đối ngoại chủ động tích cực hơn, tăng cường hợp tác để tránh rơi vào thế “cô lập”. Tuy nhiên, sự hợp tác vẫn phải dựa trên cơ sở tôn trọng và tính đến lợi ích của nhau với một điều kiện tiên quyết là không gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh quốc gia của Nga.
Có thể thấy thời gian qua, cuộc khủng hoảng Ukraine và những xung đột trong quan điểm của Nga với Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga vào tình thế khó khăn đủ đường.
Trước hết, về mặt kinh tế, hơn một năm rưỡi sau khi sáp nhập Crimea, Nga luôn phải đối mặt với sự cấm vận, trừng phạt nghiêm khắc từ phương Tây. Cùng với giá dầu trượt dốc liên tục trong thời gian qua, đồng Rúp mất giá, kinh tế Nga vốn đang trong tình trạng suy thoái nay lại rơi vào cảnh khốn khó hơn bao giờ hết. Thứ trưởng Kinh tế Nga Alexei Vedev ngày 19/10 cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) qúy III/2015 của Nga suy giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, các nhà lãnh đạo Nga đứng trước yêu cầu bức thiết phải tìm ra lối thoát cho nền kinh tế nước này trước khi quá muộn.
Sự phát triển bên trong đã khó, hợp tác với bên ngoài còn khó hơn. Quan hệ Nga với phương Tây vẫn diễn ra hết sức căng thẳng. Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, theo học thuyết quân sự mới của Nga cuối năm 2014, Nga chính thức coi Mỹ và phương Tây là mối đe dọa an ninh lớn của quốc gia khi NATO tiến sát tới biên giới nước này. Kể từ đó, sự đối đầu diễn ra gay gắt và rõ nét không chỉ xung quanh vấn đề Ukraine mà trên nhiều mặt trận khác, đặc biệt là vấn đề Syria khi Nga đã công khai hỗ trợ quân đội Syria. Trên mặt trận chính trị, cường quốc quân sự này cũng nhận thức được những hành động đối đầu trực diện với Mỹ và phương Tây sẽ dễ đẩy Nga vào thế cô lập. Việc Nga tăng cường hợp tác và mở cửa hơn nữa cũng là điều dễ hiểu.
Việc điều chỉnh chiến lược an ninh của Nga là tất yếu và cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh mới. Thiết nghĩ, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh, đặc biệt sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố dưới dạng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đe dọa cuộc sống con người và cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng di cư châu Âu mà EU đang đau đầu tìm cách giải quyết. Rõ ràng, Nga là một nhân tố quan trọng trong chiến lược đối phó với IS, cũng là giúp giải quyết tại gốc cho vấn đề di cư nan giải tại EU.
Phải chăng thay vì kìm hãm cường quốc quân sự này, với tinh thần mở rộng hợp tác mới của Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể khai thác sức mạnh và tinh thần của Nga để hướng tới những lợi ích chung?
Theo Anh Vũ
Thế giới và Việt Nam