1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điệp viên siêu hạng "quan trọng nhất" của Liên Xô trong Thế chiến 2 (Kỳ 2)

Đam mê tửu sắc nhưng am hiểu chính trị khu vực, điệp viên Liên Xô Sorge đã lấy được nhiều thông tin cơ mật về quan hệ Đức-Nhật rồi gửi về trung tâm.

VOV.VN tiếp tục giới thiệu với độc giả kỳ 2 trong loạt bài của nhà nghiên cứu Stuart D. Goldman về nhân vật lịch sử - sĩ quan tình báo quân đội Liên Xô Richard Sorge:

Tiến sĩ Sorge không giả vờ làm một gã Đức Quốc xã cuồng tín. Anh thường bày tỏ sự khinh miệt đối với những hành vi thái quá của bọn Quốc xã cũng như sự ngu xuẩn của một số lãnh đạo đảng này. Bất ngờ là điều này lại càng làm gia tăng thay vì hủy hoại uy tín của Sorge. Chắc chắn, một người dám nói lên suy nghĩ của mình chỉ có thể là một học giả tâm huyết, một người yêu nước nói thẳng nói thật, hay một cựu chiến binh với thương tích trận mạc đầy mình.

Chân dung Tiến sĩ Sorge thời trẻ. Điệp viên này sinh ra ở Baku (thời còn thuộc Đế chế Nga) vào năm 1895. Ảnh: spymuseum.com.
Chân dung Tiến sĩ Sorge thời trẻ. Điệp viên này sinh ra ở Baku (thời còn thuộc Đế chế Nga) vào năm 1895. Ảnh: spymuseum.com.

Một khía cạnh “thật” khác giúp tạo nên vỏ bọc hiệu quả cho Sorge: Anh ta đam mê cả tửu lẫn sắc. Từng đi nhậu nhẹt với Sorge, một nhà báo Mỹ sau này viết rằng Sorge “tạo cho người khác ấn tượng về một khách làng chơi, một gã vô công rồi nghề - hình ảnh hoàn toàn đối lập với một gián điệp sắc sảo và nguy hiểm”.

Cố vấn tin cẩn

Vào tháng 10/1934, Đại tá Ott – tùy viên quân sự Đức, mời Sorge hộ tống ông ta trong chuyến thăm Mãn Châu. Sorge viết báo cáo về chuyến đi. Bản báo cáo này được Ott gửi về bộ tư lệnh tối cao ở Berlin và nhận được sự khen ngợi ở đây.

Sorge trở thành cố vấn tin cẩn nhất của Ott về chính trị Nhật Bản và hay được mời về nhà Ott chơi. Chả mấy chốc Sorge... leo luôn lên giường với vợ của viên Đại tá Đức – cô Helma Ott.

Những chuyện khó tin nhất đã xảy ra. Sorge dám mạo hiểm phá hỏng quan hệ tốt đẹp của mình với Đại tá Ott. Đến lượt mình, viên tùy viên quân sự này lại sẵn sàng lờ qua chuyện dan díu giữa vợ và Sorge chỉ vì ông đánh giá quá cao trình độ am hiểu Nhật Bản của Sorge cũng như yêu mến viên cố vấn. Đại tá Ott tin rằng mọi chuyện rồi sẽ sớm qua đi (sự thực cũng đúng như vậy).

Mạng lưới tình báo của Sorge ở Tokyo bao gồm 2 điệp viên nữa do Moscow cử đến. Đó là Branko Vukelic, một đảng viên cộng sản Nam Tư, trong vai trò nhà báo cho một hãng thông tấn Pháp và xử lý vi phim cho Sorge. Người thứ 2 là Max Clausen, đảng viên cộng sản Đức, phụ trách liên lạc điện đài cho cả cụm tình báo này.

Clausen gửi các bức điện sử dụng bộ mã số đặc biệt – một hệ thống mã hóa tuy cồng kềnh nhưng gần như không thể phá được vì dựa vào duy nhất một khóa mật mã hoàn toàn ngẫu nhiên. Giới chức Nhật Bản phát hiện ra tín hiệu điện đài trái phép nhưng không định vị được nơi phát sóng cũng như không tài nào giải mã được các bức điện mật mà họ bắt được qua làn sóng điện.

Thành viên quan trọng nhất của cụm tình báo này, ngoài bản thân Sorge, chính là Hotsumi Ozaki, một nhà báo Nhật Bản thiên tả. Ozaki là một chuyên gia uy tín về Trung Quốc. Anh có mối quan hệ với các nhân vật chính trị đầy ảnh hưởng.

Điệp viên người Nhật Ozaki trong lưới tình báo của Sorge. Ảnh: history.net.
Điệp viên người Nhật Ozaki trong lưới tình báo của Sorge. Ảnh: history.net.

Một trong những người bạn của Ozaki là Chánh văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, Hoàng tử Fumimaro Konoye. Vị hoàng tử này về sau đã dùng Ozaki làm tư vấn viên cho nội các. Ozaki chuyển sang làm tại một văn phòng trong khu nhà công vụ của Thủ tướng. Tại đây anh được tiếp cận các tài liệu mật và chuẩn bị các báo cáo chính sách đối ngoại cùng khuyến nghị cho chính phủ.

Các thông tin và đánh giá của Ozaki trở thành các yếu tố chủ chốt trong các báo cáo mà Sorge gửi về Moscow. Trong các cuộc thảo luận với cán bộ của Đại sứ quán Đức, Sorge đều khôn khéo trình bày các ý kiến của Ozaki như thể là ý tưởng của riêng mình – điều này càng làm tôn thêm vị thế “chuyên gia” của Sorge.

Khéo léo che giấu thân phận

Sorge thuê một ngôi nhà nhỏ trong một khu dân cư yên tĩnh nằm trong tầm quan sát của đồn cảnh sát địa phương. Đây có thể là cách của Sorge – “ trú ẩn ở chính mắt bão”. Anh không hề tỏ vẻ giấu giếm. Anh thường phóng xe máy qua các con phố đông đúc của Tokyo trong tình trạng “tây tây say say”.

Mùa hè năm 1936, Sorge lại ve vãn một cô gái Nhật xinh đẹp 26 tuổi tên là Hanako Iishi. Cô này làm phục vụ tại một trong những nơi Sorge thường lui tới. Chẳng bao lâu, Iishi dọn sang sống trong nhà của Sorge. Mối tình với Iishi là mối quan hệ bền vững nhất trong đời Sorge.

Mùa xuân năm 1936, quá trình công tác của Sorge trong 3 năm ở Tokyo bắt đầu mang lại kết quả.

Thông qua các mối liên hệ với quân đội Nhật Bản, Eugen Ott biết được các cuộc đàm phán bí mật giữa Đức và Nhật về một hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản - thực chất là hiệp ước chống Liên Xô. Các cuộc thương thảo này được thực hiện ở Berlin, và người ta chủ định giấu Đại sứ quán Đức ở Tokyo các thông tin liên quan đến vụ này.

Nhờ tiết lộ của Ott mà Sorge và tất nhiên cả GRU ở Moscow được cập nhật thông tin về tiến trình thương lượng. Moscow lo lắng liên minh Nhật-Đức có thể sẽ tạo thế 2 gọng kìm tiến đánh Liên Xô từ hai hướng.

Lính phát xít Nhật thời Thế chiến 2. Ảnh: pinterest.
Lính phát xít Nhật thời Thế chiến 2. Ảnh: pinterest.

Năm 1938, Ott được thăng lên hàm thiếu tướng, trở thành Đại sứ Đức ở Nhật Bản. Điều này củng cố thêm thế đứng của Sorge trong Đại sứ quán Đức. Ott cho Sorge xem bản thảo các bức điện và báo cáo, đồng thời hỏi ý kiến Sorge về việc gửi điện về Berlin.

Các nhân viên trong sứ quán thường tìm đến Sorge để nắm ý đồ của vị Đại sứ. Sorge viết: “Họ thường đến gặp tôi và nói - chúng tôi nghe có chuyện này chuyện này, thế anh đã biết chuyện đó chưa và ý kiến anh thế nào?”

Tùy viên cảnh sát của Đại sứ quán Đức tại Nhật, Đại tá mật vụ Gestapo Joseph Meisinger, xác nhận mối quan hệ giữa Ott và Sorge “gần gũi đến mức mà mọi báo cáo bình thường từ các vị tùy viên gửi về Berlin đều trở thành các phụ lục gắn vào bản báo cáo tổng thể do Sorge viết và Đại sứ ký tên”.

Nắm rõ ý đồ của Nhật muốn cấu kết với Đức

Tháng 6/1938, Tướng Genrikh Lyushkov - trưởng bộ phận NKVD (tức Bộ Dân ủy Nội vụ - tiền thân của cơ quan tình báo KGB sau này) ở vùng Viễn Đông Liên Xô, đã vượt biên sang Mãn Châu và xin tị nạn chính trị ở Nhật Bản để tránh một cuộc thanh trừng do NKVD tiến hành nhằm vào ban lãnh đạo Hồng quân khi đó. Moscow rất lo lắng muốn biết viên tướng đào tẩu này sẽ nói những gì với phía Nhật Bản.

Berlin đã phái một sĩ quan tình báo tới Tokyo để hỗ trợ việc thẩm vấn viên tướng Lyushkov. Sorge nhận được bản sao báo cáo tuyệt mật của Đại sứ quán Đức về vụ này. Theo đó, Lyushkov cho biết trong Liên Xô khi ấy có sự bất mãn với Stalin và nếu Nhật Bản tấn công, Hồng quân sẽ “sụp đổ chỉ trong một ngày”. Ngoài ra có dấu hiệu Lyushkov đã tiết lộ cho Nhật Bản các khóa mật mã và thông tin về thế bố trí các đơn vị quân đội Liên Xô. Tất nhiên, Moscow đã thay đổi mật mã để phòng hậu họa.

Sáu tuần sau đó, một cuộc đụng độ biên giới giữa Liên Xô và Nhật Bản đã bùng phát ở đúng địa điểm Lyushkov đào tẩu. Thông tin tình báo từ mạng lưới của Sorge góp phần hình thành cách phản ứng cứng rắn của Liên Xô.

Hotsumi Ozaki nhận thấy các lãnh đạo Nhật Bản, do bận bịu với cuộc chiến ở Trung Quốc, quyết tâm không để cho đụng độ này trở thành một xung đột trên quy mô lớn. Thế là Moscow tung liền vài ngàn binh sĩ cùng xe tăng và phi cơ yểm trợ vào trận chiến này. Sau 2 tuần giao tranh, trận đánh Hồ Khasan kết thúc với việc Nhật Bản chấp nhận các điều khoản của Moscow.

Mô típ tương tự diễn ra một năm sau đó trong một cuộc chiến tranh không tuyên bố trên tuyến biên giới Mông Cổ-Mãn Châu. Quy mô trận chiến này lớn hơn nhiều nhưng kết quả không thay đổi so với trước.

Một lần nữa, Sorge lại có điều kiện thông báo với độ chắc chắn cao rằng chính phủ Nhật Bản quyết không để xung đột này leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Điều đó giúp Stalin hạ quyết tâm tung đòn dứt điểm nhằm vào Nhật Bản vào tháng 8/1939 trong trận đánh Khalkhin Gol.

Đồng thời, Sorge tiếp tục thông tin cho Moscow về nỗ lực của Nhật Bản lôi kéo Đức vào liên minh quân sự chống Liên Xô. Chính thông tin này tạo cơ sở quan trọng để lãnh tụ Stalin quyết định sử dụng đòn “tương kế tựu kế” bằng việc ký với Hitler vào cuối tháng 8 năm đó Hiệp ước Không Xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô. Chỉ một tuần sau khi hiệp ước này được ký kết, Thế chiến thứ 2 bùng nổ.

Như vậy, chỉ bằng một mũi tên, Stalin đã bắn trúng nhiều đích: Vừa tạo xung đột giữa Đức, Anh và Pháp, vừa đẩy Nhật ra khỏi liên minh chống Quốc tế Cộng sản với Đức.

Nhờ thắng lợi ngoại giao ngoạn mục này, Liên Xô có thể rảnh tay xử lý mối đe dọa quân sự từ phía Nhật Bản. Chúng ta phải nhớ rằng các báo cáo tình báo của Sorge đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên chiến lược nói trên của Liên Xô. Thế nhưng, đấy vẫn chưa phải là chiến công vĩ đại nhất của Sorge đối với Liên Xô./.

(Đón đọc Kỳ 3: Đế quốc Nhật bị giằng xé giữa tấn công Liên Xô và tấn công Đông Nam Á).

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (dịch từ History.net)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm