1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung điệp viên đào hoa giúp Liên Xô đánh bại phát xít Đức (Kỳ 1)

Một điệp viên Xô viết mang 2 dòng máu Nga và Đức đã lập chiến công lớn trong Thế chiến 2: Thông báo chính xác việc Đức sẽ tấn công Liên Xô.

LTS: Trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của mình, Liên Xô đã giành chiến thắng không chỉ nhờ vào nhân dân anh hùng và quân đội quả cảm, mà còn cả mạng lưới tình báo hết sức hiệu quả. Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức , VOV.VN xin giới thiệu với độc giả loạt bài về một điệp viên tầm cỡ của Liên Xô đã có đóng góp lớn vào chiến công chung của Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít.

Vào các năm 1939-1940, Liên Xô đã nhận định phát xít Đức sớm muộn gì cũng sẽ tấn công mình. Nhưng họ không biết chính xác thời điểm. Và ban đầu họ còn phán đoán lầm rằng thời điểm tấn công sẽ chưa đến ngay. Thế nhưng một điệp viên Liên Xô đã phát hiện sớm kế hoạch tấn công của Đức. Đáng tiếc ban đầu ban lãnh đạo Liên Xô không tin vào thông tin do điệp viên đó cung cấp. Và quân đội Xô viết đã thực sự bị bất ngờ và chịu nhiều tổn thất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống phát xít Đức.

*****

Richard Sorge vừa quay trở lại Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 22/6/1941. Lúc đó anh nghe thấy các cậu bé bán báo trên phố rao tin tức nước Đức đã xâm lược Liên Xô.

Richard Sorge – nguồn cảm hứng cho tác giả Ian Flemming sáng tạo ra nhân vật James Bond trong loạt tiểu thuyết lừng danh của mình. Ảnh: Ullstein Bild.
Richard Sorge – nguồn cảm hứng cho tác giả Ian Flemming sáng tạo ra nhân vật James Bond trong loạt tiểu thuyết lừng danh của mình. Ảnh: Ullstein Bild.

Sorge vốn là một nhà báo có tiếng của Đức, đồng thời là một người nghiện rượu nặng nổi tiếng với tính trăng hoa. Trước khi nghe được tin tức mới này, anh đang lái ô tô ở vùng nông thôn bên người tình mới nhất của mình - một nhạc công piano xinh đẹp người Đức.

Giờ đây, ngồi tại quán bar trong khách sạn Imperial, anh đắm chìm vào tâm trạng u ám và liên tục nốc rượu.

Anh ta hét to lên và chửi thề bằng tiếng Anh: “Hitler đúng là tên tội phạm. Một kẻ sát nhân. Rồi Stalin sẽ dạy cho gã khốn đó một bài học. Các vị cứ đợi đó!”.

Cả nhân viên người Nhật của quán bar và bạn rượu của Sorge đều không thể làm cho anh bình tâm lại được. Nhấc máy điện thoại đặt tại sảnh, anh quay số cho đại sứ Đức. “Cuộc chiến này nhất định sẽ thất bại đó!” anh ta hét vào tai vị đại sứ [Đức] – một người bạn lâu năm của Sorge.

Sĩ quan tình báo quân đội Liên Xô

Cơn thịnh nộ của Sorge một phần là do anh rất căm ghét chiến tranh. Anh từng phục vụ trong lục quân Đức trong Thế chiến thứ 1 và bị thương nặng. Anh tin rằng cuộc tấn công do Hitler phát động sẽ dẫn tới thảm họa.

Nhưng còn một lý do nữa, quan trọng hơn, khiến Sorge nổi đóa. Đó là vì Richard Sorge, bên cạnh việc là nhà báo Đức, đảng viên Quốc xã, và nhân viên báo chí bán thời gian cho Đại sứ quán Đức, anh còn là một sĩ quan trong cơ quan tình báo quân sự Xô viết (GRU). Sorge chính là điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô ở châu Á. Mà chỉ vài tuần trước đó, Moscow đã phớt lờ những cảnh báo mà anh gửi về trung tâm liên quan đến cuộc tấn công sắp tới của Đức!

Bức điện anh gửi về tổng hành dinh GRU vào ngày 1/6 có đoạn: “Cuộc chiến Đức-Xô dự kiến diễn ra bắt đầu vào tầm ngày 15/6 – điều này dựa trên thông tin mà Trung tá Scholl mang từ Berlin đến cho Đại sứ Ott”. Thế nhưng các thượng cấp của Sorge ở Moscow đã phê vào bức điện như sau: “Nghi ngờ. Liệt bức điện này vào nhóm các bức điện mang tính khiêu khích”.

Cảnh báo sớm này của Sorge đã bị lãnh tụ Liên Xô khi đó là Stalin coi là thứ vớ vẩn “đến từ một gã hay vào nhà thổ ở Nhật Bản”.

Bất chấp điều đó, Sorge vẫn tiếp tục công tác tình báo. Sau khi bị sốc từ cuộc tấn công do Đức thực hiện, Moscow bắt đầu chú ý đến các báo cáo do Sorge gửi về. Trong vài tháng sau đó, các hoạt động tích cực của viên sĩ quan tình báo này đã mang lại các thông tin quý báu giúp Liên Xô chặn đứng cuộc chiến chớp nhoáng của Đức ở cửa ngõ thủ đô Moscow và đảo ngược tình thế chiến tranh Xô-Đức.

Dường như ông trời sinh ra Sorge là để thực hiện vai trò này. Sorge được nhiều người coi là điệp viên quan trọng nhất trong Thế chiến thứ 2.

Richard Sorge chào đời vào năm 1895 ở miền nam nước Nga. Mẹ Sorge là người Nga, còn cha là một kỹ sư Đức. Gia đình Sorge chuyển về Đức một vài năm sau đó. Tại đây cậu bé Sorge được nuôi dưỡng trong môi trường của một gia đình trung-thượng lưu. Thế nhưng gốc gác Nga của Sorge đã ảnh hưởng đến anh ta suốt cuộc đời.

Học giỏi, đẹp trai, đa tình

Năm 1914 Sorge nhập ngũ vào lục quân Đức. Sau đó anh bị thương nặng với di chứng là đi cà nhắc. Trong thời gian dưỡng thương, anh ta đã cưa cẩm (và bị cưa cẩm bởi) một y tá chăm sóc cho mình.

Cô y tá này cùng với cha mình – một thầy thuốc theo chủ nghĩa Marx, đã giác ngộ anh bằng các tư tưởng cấp tiến. Vài năm sau đó, anh dành thời gian chuyên tâm nghiên cứu về kinh tế học và chính trị học, đặc biệt là chủ nghĩa Marx.

Vào cuối cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 1, tư tưởng cấp tiến thuộc đủ màu sắc ngập tràn trong đất nước Đức. Trong bối cảnh ấy, Sorge nghiêng dần về phái tả. Anh có được học vị tiến sĩ vào năm 1919. Cùng năm này, anh gia nhập Đảng Cộng sản Đức.

Sorge lao vào hoạt động tuyên truyền cánh tả trong các công nhân mỏ ở Đức. Và đồng thời, anh lại sa vào chuyện tình ái với vợ của một trong các giáo sư từng dạy mình trước đây.

Sorge vừa điển trai vừa toát lên vẻ lôi cuốn khó cưỡng đối với phụ nữ. Cánh đàn ông cũng rất ngưỡng mộ Sorge.

Christiane Gerlach - một người làm nội trợ, đã vướng vào lưới tình của Sorge. Những năm sau này, Gerlach kể lại ấn tượng của mình khi lần đầu thấy Sorge: “Cứ như có một tia sét chạy dọc người tôi vậy. Chỉ trong giây lát, nó xuất hiện rồi cứ theo tôi suốt đến tận bây giờ. Một thứ gì đó thật u mê, khó thoát được...”

Sorge cũng giành được cảm tình của chồng Gerlach – một vị giáo sư đã nhất trí ly dị vợ một cách nhẹ nhàng. Sau đó Sorge và Gerlach kết hôn vào năm 1922. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài được vài năm.

Sĩ quan lục quân Đức Eugen Ott năm 1934. Ảnh: Ullstein Bild.
Sĩ quan lục quân Đức Eugen Ott năm 1934. Ảnh: Ullstein Bild.

Các tuyên truyền cánh tả của Sorge khiến anh gặp rắc rối với cảnh sát. Năm 1924 anh rời bỏ nước Đức để sang miền đất hứa mới – nước Nga Xô viết. Tại đó, anh gia nhập tổ chức quốc tế mới của những người Xô viết – tổ chức Quốc tế Cộng sản. Anh phụ trách công tác liên lạc với các đảng cộng sản nước ngoài.

Đến năm 1929, anh trở thành sĩ quan tình báo quân sự của Liên Xô (viết tắt là GRU). Cơ quan này cử anh đi làm nhiệm vụ ở Trung Quốc. Người ta đã dạy anh các kỹ thuật căn bản của nghề tình báo và trang bị cho anh kiến thức về chính trị và quân sự.

Vốn là “thỏi nam châm” thu hút phái đẹp, Sorge đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của một sinh viên ngành kịch trẻ đẹp, tên là Katya Maximova. Sau ba năm làm công tác tình báo đầy hiệu quả ở Trung Quốc, Sorge quay trở lại Moscow vào năm 1933. Tại đây, anh cưới Maximova làm vợ.

Sau khi Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu trong các năm 1931-1932, Moscow lo ngại đòn xâm lược của Nhật có thể sẽ quay sang cả vùng Viễn Đông của Liên Xô.

Để tạo vỏ bọc nhà báo, Sorge tới Nhật thông qua ngả Đức - ở đây một chủ bút nhận các bài viết của anh đã trao cho anh một bức thư giới thiệu gửi tới một viên sĩ quan lục quân Đức, Đại tá Eugen Ott – tùy viên quân sự mới của Đức ở Tokyo.

Sorge tới Tokyo vào tháng 9/1933. Các bài báo của Sorge giúp anh tạo dựng uy tín của một chuyên gia về Nhật Bản. Anh cũng đã gia nhập Đảng Quốc xã. Bằng cách này, anh tiếp cận được Đại sứ quán Đức, nơi các nhà ngoại giao (gồm cả Đại sứ Đức tại Nhật Herbert von Dirksen) đánh giá cao các nhận định và phân tích của anh./.

(Đón đọc Kỳ 2: Điệp viên siêu hạng “quan trọng nhất” của Liên Xô trong Thế chiến 2).

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (dịch từ History.net)